Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm quan Gian trưng bày của Tạp chí Luật sư Việt Nam tại Hội báo chí toàn quốc 2018.
Ra đời trong lửa khói oanh liệt của 02 cuộc kháng chiến anh hùng chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, trưởng thành cùng bao thăng trầm của đất nước, báo chí và lớp lớp những thế hệ làm báo đã có những cống hiến xuất sắc làm nên truyền thống rất vẻ vang, rất đángtự hào của báo chí Cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định rằng các nhà báo cũng là những chiến sĩ cách mạng; cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của nhà báo. Tạp chí Luật sư Việt Nam 10 năm qua, kể từ khi ra số đầu tiên ngày 25/3/2014, đã nhanh chóng “nhập cuộc” với những bước đi vững chắc đầu tiên, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, góp phần vào những bước phát triển vững chắc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, với truyền thống của giới luật sư Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của báo chí trong việc “đưa chính sách vào cuộc sống, đưa cuộc sống vào chính sách”. Cũng cách đây khoảng hơn 10 năm, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) thực hiện Chương trình “Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời” kịp thời thông tin về hoạt động của các bộ, ngành hoặc những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của bộ, ngành đang được nhân dân quan tâm… đã thu hút được sự chú ý và quan tâm theo dõi của đông đảo tầng lớp nhân dân. Từ đó nhiều đài truyền hình và báo chí cũng đã mở các chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, hỏi và đáp về chính sách, pháp luật… trở thành các kênh cung cấp thông tin hiệu quả, chính xác, trực tiếp, đồng thời góp phần đẩy lùi tin giả, thông tin sai sự thật, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Là tiếng nói của giới luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam không chỉ đưa tin về đường lối chính sách và pháp luật,về hoạt động của Luật sư mà còn rấtcoi trọng mở các chuyên mục rất có tầm tư duy khoa học: “Nghiên cứu - Trao đổi”, “Pháp luật - Cuộc sống”; “Kiến thức”...
Chuyên mục “Nghiên cứu - Trao đổi” của Tạp chí Luật sư Việt Nam ngày càng thu hút được sự tham gia đông đảo các nhà khoa học pháp lý hàng đầu ở trong nước trên các lĩnh vực tư pháp, hình sự, dân sự, kinh tế, công pháp và tư pháp, đặc biệt là những vấn đề tư duy lý luận liên quan trực tiếp tới Luật sư, tổ chức và hoạt động Luật sư, góp phần hình thành một xã hội tuân theo những nguyên tắc pháp quyền. Chuyênmục này đặc biệt quan tâm tới thảo luận các dự thảo pháp luật và dự thảo chính sách, cung cấp luận cứ pháp lý và nội dung cho các dự án, đề án, góp phần xây dựng xã hội pháp quyền, phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo định hướng “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Chuyên mục “Kinh nghiệm - Thực tiễn” của Tạp chí đặc biệt quan tâm thu hút các Luật sư và những người hành nghề luật phân tích và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề; là diễn đàn để các Luật sư phát ngôn và trao đổi nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Chuyên mục này đồng thời là nơi để xã hội phản ánh ý kiến liên quan tới các hoạt động thực tiễn của Luật sư và thực tiễn cuộc sống. 10 năm qua, Chuyên mục này thực sự đã là diễn đàn không thể thiếu của các Luật sư, nơi các Luật sư chia sẻ kinh nghiệm trong các hoạt động tranh tụng, tư vấn và trợ giúp pháp lý, kinh nghiệm tham gia các vụ án, kinh nghiệm về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các pháp nhân và công dân, bảo vệ quyền con người. Chuyên mục này đã thực sự thu hút được không ít các Luật sư có kinh nghiệm hành nghề chia sẻ về kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời nhiều Luật sư trẻ có nhiệt huyết và khả năng tư duy nghề nghiệp cũng đã tham gia thảo luận ở chuyên mục này trong Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Chuyên mục “Kiến thức” hướng tới việc cập nhật các thông tin lý luận và thực tiễn mới về nghề Luật sư và các kiến thức có liên quan tới việc nâng cao chất lượng hoạt động Luật sư phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xã hội và nghề nghiệp Luật sư. Nhiều bài viết đã quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ mới, số hóa và công nghệ AI trong các lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp của nghề luật nói chung và hành nghề Luật sư nói riêng, kể cả trong các hoạt động giảng dạy, đào tạo, quản lý và hoạt động tác nghiệp của Luật sư. Nhiều thông tin thời sựchính trị và nghề nghiệp được kịp thời đăng tải nhằm góp phần trang bị kiến thức mới, nâng cao chất lượng hoạt động Luật sư, tìm hiểu những yêu cầu mới trong phát triển nghề Luật sư: vấn đề thực hiện các cam kết quốc tế; các phương thức kiện dân sự trong hoàn cảnh kinh tế xã hội mới; ứng dụng công nghệ và truyền thông mới; văn hóa nhân quyền và giáo dục nhân quyền; những thách thức mới đối với nghề Luật sư…
Đặc biệt, cùng với báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, mới chỉ trong vòng 10 năm nhưng Tạp chí Luật sư Việt Nam đã trở thành vũ khí sắc bén góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tệ nạn xã hội. Nhiều vấn đề tư duy lý luận và nhiều vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã được Tạp chí Luật sư Việt Nam phản ánh, không những góp phần nâng cao chất lượng của các cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, mà còn có tác dụng giáo dục mạnh mẽ đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tích cực rèn luyện đạo đức Luật sư, giữ vững tư cách Luật sư, giúp Luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hoạt động và hành nghề nghiêm túc, kỷ cương, tôn trọng pháp luật.
Luật sư là một trong những nghề cao quý bởi lẽ nó xuất hiện từ những nhu cầu được bảo vệ của con người, vì mục đích bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng, văn minh và tiến bộ xã hội. Với sứ mệnh cao cả bảo vệ công lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân, pháp nhân và của các cơ quan nhà nước, Luật sư là một lực lượng quan trọng tham gia vào sự nghiệp xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Hoạt động của Luật sư giống như một “hàn thử biểu” của một nền dân chủ, của một xã hội thực hiện các nguyên tắc pháp quyền, mà dân chủ và quyền con người lại là một nhu cầu quan trọng nhất của con người trong mộtxã hội văn minh. Ngay từ năm 1945 sau khi ra đời một nhà nước mới, Nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 về tổ chức đoàn thể Luật sư. Từ đó đến nay, nghề Luật sư đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm khác nhau, thậm chí có những lúc ở giai đoạn quan liêu tập trung bao cấp tưởng như vắng bóng Luật sư trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, nhìn chung vai trò của Luật sư ngày càng đậm nét hơn trong đời sống kinh tế và xã hội. Đến nay Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã có đội ngũ Luật sư hùng hậu với khoảng gần 18 ngàn Luật sư, hơn 10 ngàn Luật sư tập sự đang hoạt động trong hơn 6 ngàn tổ chức hành nghề luật sư và 63 Đoàn Luật sư, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội, trong sự nghiệp đổi mới đất nước; chưa đáp ứng kịp yêu cầu và trình độ dân trí ngày một tăng lên mạnh mẽ của đời sống dân cư. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì vai trò, vị thế của nghề Luật sư ngày càng trở nên hết sức cần thiết và ngày càng được quan tâm, coi trọng.
Có thể khẳng định rằng đội ngũ Luật sư là đội ngũ trí thức, có kiến thức pháp luật và xã hội sâu sắc, có am hiểu chuyên sâu về nghề nghiệp, có uy tín ngày càng cao trong cung cấp dịch vụ pháp lý cho cộng đồng, có bản lĩnh ngày càng tốt hơn về xử lý các vụ việc và giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề xã hội. Vai trò quan trọng và không thể thiếu của Luật sư trong tranh tụng, trong hoạt động tố tụng, tư vấn, trợ giúp pháp lý, trong đời sống dân cư và trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được ghi nhận trong luật và trong thực tế suốt nhiều năm qua trong quá trình đổi mới đất nước. Tổ chức và hoạt động Luật sư đặt ra các yêu cầu rất cao, rất mới và rất bức thiết đối với sự ra đời và tiếp tục phát triển của Tạp chí Luật sư Việt Nam.
Ngay từ khi thành lập, tổ chức và hoạt động của Tạp chí Luật sưViệt Nam đã sớm ổn định và phát triển theo yêu cầu thực tế. Có được sự ổn định và phát triển Tạp chí như ngày nay trước hết phải kể đến quyết tâm và sự lãnh đạo, quan tâm trực tiếp của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam; sự hợp tác giúp đỡ của đông đảo Luật sư và cộng tác viên, bạn bè trong toàn quốc và kể cả bạn bè ở nước ngoài; sự phấn đấu và nỗ lực cao của lãnh đạo Tạp chí, của tập thể phóng viên, biên tập viên, cán bộ, công nhân viên. Từ Tổng Biên tập đầu tiên - Luật sư Nguyễn Minh Tâm đến Tổng Biên tập đương nhiệm- Thạc sĩ Đặng Ngọc Luyến là nhữngluật gia, Luật sư, nhà báo có kinh nghiệm về nghề luật và có rất nhiều cống hiến, được sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của các Phó Tổng biên tập và các tổ chức, cá nhân thành viên Tạp chí.
Hiện nay, Tạp chí Luật sư Việt Nam đang tiếp tục kiện toàn bộ máy và nhân sự nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Liên đoàn Luật sư và báo chí Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Tạp chí Luật sư Việt Nam có 03 văn phòng đại diện, có đội ngũ cán bộ, phóng viên đã được rèn luyện thử thách vững vàng, có cácphóng viên thường trú và đội ngũ các cộng tác viên đông đảo đang công tác ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và các địa bàn trên cả nước. Ngày 16/10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Giấy phép số 388/GP-BTTTT về sửa đổi, bổ sung những quy định trong giấy phép hoạt động của Tạp chí in và Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, phù hợp với tôn chỉ mục đích là cơ quan báo chí của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Tạp chí hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam giao cho và phù hợp với các quy định Luật Báo chí. Điều rất đáng mừng là số lượng, chất lượng tin bài về hoạt động Luật sư, pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn đã tăng lên rất nhiều và ngày càng phong phú, sinh động. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp Luật sư tiếp tục được quan tâm thường xuyên trong Tạp chí với nội dung ngày càng cụ thể, thiết thực, thu hút được đông đảo giới luật sư tham gia.
Mặc dù vậy, Tạp chí Luật sư Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nội dung và hình thức truyền tải thông tin, thay đổi nền tảng kỹ thuật, hoàn thiện hơn về giao diện, đem đến sự thân thiện và gần gũi với độc giả,đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ 4.0. Ngày 05/7/2023, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành Quyết định số 22/QĐ-HĐGSNN về việc phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học, trong đó Tạp chí Luật sư Việt Nam đã tiếp tục được Hội đồng Giáo sư ngành Luật quyết định công nhận được tính điểm về thành tích nghiên cứu khoa học của lĩnh vực Khoa học pháp lý (1). Sự công nhận trên đây không chỉ đánh giá về chất lượng khoa học của Tạp chí Luật sư Việt Nam mà còn đánh dấu sự trưởng thành nhanh chóng của Tạp chí, mặc dù mới chỉ ở chặng đường đầu 10 năm thành lập.
Hoạt động Luật sư không phải là đơn giản và dễ dàng, vì trực tiếp liên quan tới sinh mệnh chính trị, pháp lý của con người, tới tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Hoạt động báo chí và ngôn luận của Luật sư càng là lĩnh vực phức tạp và không ít khó khăn. Càng nhận biết được như vậy, càng thấy được những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của Tạp chí Luật sư Việt Nam, càng thấy vinh quang và tự hào về chặng đường 10 năm qua, kể từ khi Tạp chí Luật sư Việt Nam phát hành số đầu tiên.
(1) Báo cáo công tác năm 2023 của Tạp chí Luật sư Việt Nam. |
PGS.TS.LS CHU HỒNG THANH
Hội đồng Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam
'Duyên' của Tạp chí Luật sư Việt Nam với các vị lãnh đạo và những khách đặc biệt