Tự hào người Luật sư với sứ mệnh góp phần bảo vệ công lý và phẩm giá con người

10/10/2021 04:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Tôi đến với nghề Luật sư lúc đầu chỉ với mong muốn tìm hiểu những điều đặc biệt từ nghề, rồi sau đó, theo năm tháng rong ruổi với những vụ án trên nhiều nẻo đường đất nước, tôi đã đồng cảm và chia sẻ với biết bao thân phận pháp lý, với bao nỗi niềm buồn vui, đến nay tôi có thể tự hào với nghề nghiệp và thiên sứ cao cả của mình.

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư  tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cơ duyên đến với nghề Luật sư

Đầu năm 1986, sau khi tốt nghiệp Đại học Pháp lý Hà Nội, với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, kèm với lý lịch từng phục vụ trong quân đội 06 năm, và nhất là một Đảng viên trẻ (Bản thân tôi là một trong những sinh viên Đại học Pháp lý đầu tiên được kết nạp Đảng ngay trong trường Đại học), tôi đứng trước nhiều lựa chọn nghề nghiệp như làm việc như trong ngành Toà án, ngành Kiểm sát, hoặc trở thành Cán bộ tư pháp làm việc tại các Cơ quan nhà nước, được giữ lại Trường làm giảng viên… Nhưng thật bất ngờ, tôi đã được lựa chọn công việc trợ lý cho Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc thời điểm ấy và tôi phụ trách các công việc theo dõi về tư pháp, nội chính tại cơ quan.

Ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Tổ chức Luật sư số 2A-LCT/HĐNN8. Đây chính là cột mốc quan trọng, khôi phục lại tổ chức và hoạt động của nghề nghiệp Luật sư tại Việt Nam. Trước Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987, hoạt động nghề nghiệp Luật sư chưa được công nhận, thay vào đó là chế định Bào chữa viên nhân dân theo Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 được ký bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị định số 01/NĐ-VY ngày 12/1/1950 của Bộ Tư pháp. Hoạt động nghề nghiệp của Bào chữa viên nhân dân góp phần thực hiện quyền cơ bản của mỗi người được quy định tại Hiến pháp năm 1946 là quyền bào chữa. So với Luật sư thì hoạt động nghề nghiệp của Bào chữa viên nhân dân có phần bị giới hạn hơn. Sau khi đất nước ta thống nhất và bước vào giai đoạn đổi mới, cùng với sự phát triển của các quan hệ kinh tế, xã hội, sự tiếp thu các điểm mới, điểm tiến bộ trong hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, việc chính thức khôi phục lại hoạt động nghề nghiệp Luật sư tại Việt Nam là điều cần thiết.

Chúng ta biết rằng, theo Sắc lệnh số 46/SL ngày 10/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đã quy định cho duy trì các tổ chức đoàn thể Luật sư. Sắc lệnh 46/SL nêu rõ: “Cách tổ chức các đoàn thể Luật sư trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn tạm giữ như cũ. Sắc lệnh ngày 25/5/1930 quy định tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các Điều sửa đổi sau này. Các Luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các Tòa án”.

Sắc lệnh 46/SL ngày 10/10/1945 đã trở thành một cột mốc quan trọng, nên đến năm 2013, Chính phủ đã cho phép chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Khi nghiên cứu Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 từ những ngày đầu khi pháp lệnh này được ban hành, tôi vui mừng nhận thấy nghề nghiệp Luật sư có những điểm vô cùng hay, rất đáng để mình tìm hiểu và xin gia nhập. Vì vậy, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào Đoàn Luật sư tỉnh Hà Bắc. Thời điểm đó, trong Đoàn Luật sư tỉnh Hà Bắc chỉ có chưa đầy 10 thành viên. Đầu những năm 1990, tôi chuyển công tác vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh được thành lập vào năm 1991) và cũng đăng ký tham gia Đoàn Luật sư Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tiền thân của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Những năm đầu sau khi Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 được ban hành, hoạt động nghề nghiệp Luật sư vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Mọi hoạt động nghề nghiệp, công việc có liên quan của Luật sư đều thực hiện thông qua Đoàn Luật sư. Đến năm 2001, Pháp lệnh số 37/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 quy định về Luật sư được ban hành, trong đó quy định hình thức tổ chức hành nghề Luật sư là Văn phòng Luật sư và Công ty Luật hợp danh. Pháp lệnh về Luật sư năm 2001 là cột mốc quan trọng, tạo điều kiện cho hoạt động nghề nghiệp Luật sư phát triển tại Việt Nam.

Sau khi Pháp lệnh về Luật sư năm 2001 có hiệu lực, bản thân tôi đã tham gia sáng lập và điều hành một trong những tổ chức hành nghề Luật sư đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo thời gian, nghề nghiệp Luật sư ngày càng phát triển tại Việt Nam. Ngày 16/01/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc”. Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội đã thông qua việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam vào ngày 12/5/2009. Tôi rất may mắn khi nhận được sự tín nhiệm và được bầu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc từ năm 2009 đến nay. Nhiệm kỳ I, tôi là Phó Chủ nhiệm Ủy ban phát triển kinh tế, tài chính; đến nhiệm kỳ này, tôi là Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư.

Tôi cũng tham gia công tác quản lý tại Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2008 đến nay. Đến năm 2019, tôi nhận được sự tín nhiệm và được bầu giữ chức Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lời nhắn gửi đến thế hệ Luật sư tương lai

Người ta ví, Luật sư như những “hiệp sĩ” xả thân mình để bảo vệ công lý. Nếu công việc của bác sĩ là cứu sống tính mạng về sinh học của mọi người thì hoạt động nghề nghiệp của Luật sư có thể góp phần cứu sống thân phận pháp lý của người khác. Trong xã hội hiện nay, nghề nghiệp Luật sư ngày càng được trọng vọng. Chuyên ngành Luật học tại các trường Đại học vì vậy cũng được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, trong vài năm trở lại đây, ngành Luật học luôn nằm trong nhóm các ngành có điểm tuyển sinh cao.

Trước đây, sinh viên tốt nghiệp ngành luật thường sẽ không định hướng trở thành Luật sư ngay, đội ngũ Luật sư thời điểm đó chủ yếu là các cựu Cán bộ ngành Công an, Toà án, Kiểm sát ra làm Luật sư. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có rất nhiều bạn sinh viên trẻ tốt nghiệp ra trường và định hướng theo nghề Luật sư ngay. Điều này góp phần tạo nên đội ngũ Luật sư hết sức đa dạng, bên cạnh những Luật sư giàu kinh nghiệm, có thâm niên trong nghề thì cũng có đông đảo những Luật sư trẻ, nhiệt huyết, được tiếp xúc với những kiến thức pháp lý mới cả trong nước và quốc tế.

Rất nhiều Luật sư đã có thể sống tốt, sống khá giả với nghề nhờ vào việc cung cấp những dịch vụ pháp lý chất lượng đến khách hàng. Việc sống được, sống tốt với nghề chính là sợi dây tạo ra sự gắn bó của Luật sư với nghề nghiệp.

 Nhờ việc tham gia công tác giảng dạy, đào tạo các khoá đào tạo nghề Luật sư tại Học viện Tư pháp, tham gia làm giám khảo các kỳ thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ yêu nghề Luật và mong muốn được trở thành Luật sư, gắn bó với nghề. Tôi nhìn thấy được sự nhiệt huyết bên trong các bạn ấy, có khá nhiều các bạn trẻ có trình độ chuyên môn vững vàng, ngoại ngữ tốt, đầy triển vọng sẽ trở thành các nhà tư vấn chuyên nghiệp, uy tín trên thị trường tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để gắn bó với nghề Luật sư, bên cạnh nhiệt huyết tuổi trẻ, các bạn Luật sư trẻ cần có đam mê với nghề. Chỉ khi làm việc với niềm đam mê, với tình yêu nghề, và với sự nghiêm túc, khắt khe với bản thân mình, các bạn mới có thể gắn bó lâu dài và gặt hái được những thành quả ngọt ngào bởi nghề nghiệp.

Xã hội không ngừng phát triển và vì vậy pháp luật cũng liên tục điều chỉnh cho phù hợp. Luật sư phải không ngừng học hỏi, tiếp thu những kiến thức pháp lý, kinh nghiệm hành nghề để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu từ phía khách hàng. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, việc tiếp cận những kiến thức pháp luật, những quy định pháp luật mới ngày càng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tôi tin chắc rằng, với sự nhạy bén của mình, các Luật sư trẻ sẽ tận dụng được sức mạnh của khoa học công nghệ để trau dồi kiến thức của mình, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Nghề Luật sư cũng sẽ phải đối diện với không ít những cám dỗ mà nếu không tỉnh táo, không giữ được một cái đầu lạnh, Luật sư sẽ rất dễ sa ngã. Tôi mong rằng các Luật sư, đặc biệt là các Luật sư trẻ sẽ vượt qua được những sự cám dỗ không chính đáng trong quá trình hành nghề, cung cấp các dịch vụ pháp lý chất lượng nhất đến khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép, phù hợp với quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945 - 10/10/2021), tôi kính chúc toàn thể các Luật sư Việt Nam nói chung, các Luật sư thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng luôn dồi dào sức khoẻ, luôn giữ được cho mình ngọn lửa đam mê với nghề. Tôi mong rằng các thế hệ Luật sư trẻ, Luật sư tương lai sẽ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư, trở thành những “hiệp sĩ” thực thụ để bảo vệ công lý.

“Nghề Luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý” - các Luật sư hãy sống, hãy làm việc và cống hiến cho xứng đáng với sự “cao quý” của nghề Luật sư, để chúng ta luôn cảm thấy tự hào về nghề nghiệp mà chúng ta đã lựa chọn.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Vài suy tư nhân Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam 10/10

Luật sư có sứ mệnh bảo vệ sự độc lập của tư pháp

Luật sư đối tụng