Ảnh minh họa.
Mới đây, Bộ Tư pháp đã đề xuất bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (trường hợp cha, mẹ trẻ có đăng ký kết hôn) tại thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đề xuất bãi bỏ quy định về việc nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Theo phương án này, đối với yêu cầu đăng ký kết hôn, cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ tra cứu thông tin về tình trạng hôn nhân của người yêu cầu đăng ký kết hôn trong cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp không tra cứu được tình trạng hôn nhân do chưa có thông tin trong cơ sở dữ liệu, cơ quan đăng ký hộ tịch đề nghị UBND cấp xã nơi người yêu cầu thường trú thực hiện việc xác minh.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh, UBND cấp xã đã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và gửi kết quả cho UBND cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
Theo Bộ Tư pháp, đề xuất trên nhằm triển khai Nghị quyết 58 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng của Bộ Tư pháp.
Về vấn đề này, trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính, khi dữ liệu cá nhân về dân cư đã hoàn thiện, đồng bộ, liên thông thì việc bỏ bớt các giấy tờ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính là điều tất yếu.
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm này của Bộ Tư pháp khi sửa đổi Nghị định về quản lý hộ tịch. Đến nay thì cơ sở dữ liệu cá nhân về dân cư đã tương đối hoàn thiện, liên thông, dễ dàng tra cứu. Khi tra cứu trong cơ sở dữ liệu thì sẽ có được rất nhiều thông tin về cá nhân trong đó có thông tin về tình trạng hôn nhân. Bởi vậy, đề xuất của Bộ Tư pháp về việc bỏ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn là hoàn toàn có cơ sở để thực hiện, đảm bảo tính khả thi.
Thực tế cho thấy việc xin xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân không phải lúc nào cũng thuận lợi, đặc biệt là với những người có những thông tin khác nhau giữa giấy khai sinh với thẻ căn cước, các giấy tờ nhân thân khác hoặc những trường hợp chuyển qua nhiều nơi cư trú khác nhau… Khi đã có dữ liệu cá nhân về dân cư liên thông, dễ tra cứu thì việc xác nhận tình trạng hôn nhân để thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn là thừa, cơ quan đăng ký kết hôn chính là cơ quan về tư pháp hộ tịch, đây là nơi cập nhật dữ liệu, quản lý dữ liệu nên họ hoàn toàn có thể tra cứu được thông tin về tình trạng hôn nhân của mỗi cá nhân.
Trường hợp dữ liệu cá nhân về tình trạng hôn nhân chưa đầy đủ, chưa cập nhật thì giao cho cán bộ xã xác minh là phù hợp, sẽ nhanh chóng thuận lợi theo quan điểm chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ.
Hiện nay, còn rất nhiều thủ tục hành chính có sử dụng đến giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như các thủ tục liên quan đến đăng ký bất động sản, đăng ký tài sản có đăng ký quyền sở hữu khác như ô tô, xe gắn máy…. Từ đó, cũng cần nghiên cứu xem các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có thể truy cập được dữ liệu cá nhân về dân cư hay không. Nếu trường hợp các cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính có thể tra cập vào hệ thống dữ liệu dùng chung, có thể xác minh được tình trạng hôn nhân của công dân thì cũng cần mở rộng quy định để loại bỏ việc yêu cầu công dân phải xuất trình giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân trong các thủ tục này.
Chúng ta phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để thực hiện hoạt động chuyển đổi số quốc gia, cập nhật dữ liệu cá nhân về dân cư. Khi hệ thống dữ liệu đã hoàn thiện, liên thông, dễ tra cứu thì việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy tờ thủ tục không cần thiết là xu hướng tất yếu để đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò tác dụng của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý hành chính.
Cần cải cách thủ tục hành chính sâu rộng, phát huy tối đa công dụng từ việc khai thác thông tin của dữ liệu dân cư dùng chung để cải cách cả thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp
Thời gian qua do thiếu dữ liệu, thông tin về dân cư chưa đồng bộ, khó xác minh nơi cư trú của công dân dẫn đến việc pháp luật quy định yêu cầu bị nguyên đơn có nghĩa vụ phải chứng minh nơi cư trú của bị đơn thì tòa án mới thụ lý dẫn đến khó khăn cho đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự, kinh tế. Có nhiều trường hợp đương sự trốn tránh, che giấu, cố định không cung cấp thông tin về nơi cư trú, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng không phối hợp cung cấp thông tin về nơi cư trú của công dân cho người khởi kiện dẫn đến việc khởi kiện, thụ lý đơn kiện không thể thực hiện được, thậm chí có thể dẫn đến tiêu cực trong khâu thụ lý vụ án.
Thực tế cho thấy, không chỉ lĩnh vực tư pháp, hộ tịch mà các lĩnh vực về hành chính khác thì cũng cần phải có những đổi mới, cải cách mạnh mẽ, giảm bớt dần các thủ tục không cần thiết, giao trách nhiệm cho cơ quan chức năng trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, cung cấp các thông tin cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Tránh để nghĩa vụ chứng minh, nghĩa vụ thu thập thông tin cho người dân trong khi người nắm thông tin đó lại chính là cơ quan đang thực hiện thủ tục hành chính.
Trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật về tố tụng dân sự cũng đang quy định người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp thông tin về người bị kiện. Đây là một việc vô cùng khó khăn đối với người khởi kiện khi người bị kiện cố tình che giấu thông tin, cơ quan chức năng không thiện chí phối hợp. Do đó, về thủ tục tố tụng thì cũng cần quy định trách nhiệm cha cứu thông tin người bị kiện thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, với hệ thống dữ liệu dân cư dùng chung, khi tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan tiến hành tố tụng có thể truy cập, tra cứu thông tin thì bỏ yêu cầu đương sự phải cung cấp thông tin là cần thiết.
Chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính cần phải thực hiện sâu rộng, đồng bộ trên cơ sở thành tựu khoa học công nghệ, kết quả cập nhật dữ liệu dân cư, liên thông dữ liệu, ứng dụng máy móc vào trong công tác quản lý để sao cho đơn giản các thủ tục hành chính, thủ tục tư pháp, tăng cường các biện pháp quản lý bằng công nghệ và tiết kiệm thời gian chi phí tiền của cho cô công dân khi thực hiện các thủ tục. Cải cách thủ tục hành chính cũng là một trong những đòi hỏi tất yếu của sự phát triển xã hội, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội và giảm bớt tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực hành chính.
Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Tai nạn do lỗi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định: Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?