Ảnh minh họa.
Trong thực tiễn cũng có thể có nhiều cách xử lý khác nhau của các Luật sư với trường hợp nêu trên. Có Luật sư lựa chọn cách phản đối ngay, tranh luận lại ngay với Hội đồng xét xử và đề nghị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền kiểm sát hoạt động tư pháp tại tòa có ý kiến về việc điều hành của Chủ tọa phiên tòa. Đương nhiên người Luật sư sẽ trích dẫn và đưa ra căn cứ chứng minh quyền xét hỏi của Luật sư và việc xét hỏi là cần thiết và không trùng lặp.
Có thể có Luật sư thừa nhận việc xét hỏi của mình trùng lặp, xin rút kinh nghiệm và không tiếp tục xét hỏi nội dung đó.
Có Luật sư sẽ phản ứng hài hòa hơn, những vẫn kiên quyết thực hiện bằng được việc xét hỏi về nội dung đã dự kiến xét hỏi vì đó là vấn đề quan trọng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng cũng như đảm bảo tính độc lập trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng.
Cá nhân tôi nếu có đủ điều kiện và sự bình tĩnh tại tòa tôi sẽ lựa chọn việc nói lời cảm ơn ý kiến của Thẩm phán chủ Tọa phiên tòa, và tôi cũng sẽ không khẳng định hay bác bỏ trực tiếp ý kiến của Chủ tọa. Việc nói lời cảm ơn chỉ để thể hiện việc mình đã tiếp nhận ý kiến của Chủ tọa, thể hiện văn hóa pháp đình và tạo tâm lý được tôn trọng đối với người đưa ra ý kiến.
Cùng nói lời cảm ơn, tôi khẳng định Luật sư đang thực hiện quy định của pháp luật. Tiếp đó, tiếp tục thực hiện công việc một cách mềm mại hơn bằng cách chuyển qua xét hỏi một nội dung khác sau đó sẽ quay trở lại tiếp tục với nội dung đã tạm dừng. Việc ứng xử như vậy đảm bảo quyền xét hỏi của Luật sư, đồng thời không sa vào việc việc tranh luận với Hội đồng xét xử nhưng vẫn đảm bảo tính độc lập của nghề nghiệp.
Trường hợp Luật sư đã chuyển sang xét hỏi vấn đề khác sau đó mới quay trở lại tiếp tục xét hỏi vấn đề đang xét hỏi nhưng Hội đồng xét xử tiếp tục nhắc nhở, cắt phần xét hỏi này. Theo tôi, khi đó người Luật sư dũng cảm xin phép Hội đồng xét xử và giải thích rõ việc xét hỏi của Luật sư như vậy để làm rõ hơn bản chất vấn đề và không trùng lặp, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên đảm bảo quyền xét hỏi của Luật sư theo quy định. Trường hợp Hội đồng xét xử không chấp nhận, Luật sư cần chấp hành điều hành của chủ tọa phiên tòa nhưng đề nghị Thư ký ghi vào Biên bản phiên tòa và thực hiện quyền phản ánh, khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Căn cứ để đưa ra ứng xử của Luật sư trong trường hợp này là quyền của Luật sư theo quy định của pháp luật tố tụng, pháp luật về Luật sư, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa và việc Hội đồng xét xử không được hạn chế thời gian tranh luận, xét hỏi của Luật sư.
Quy tắc 26. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định có liên quan trong quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng. Nội quy phiên tòa tất cả mọi người tuân thủ sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
Nhưng pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư có quyền trình bày, kiến nghị với Hội đồng xét xử. Quy tắc 26.2 quy định: “Khi cần trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng, những người hoặc cơ quan có thẩm quyền khác, Luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội”.
Bộ Quy tắc đã quy định rõ Luật sư phải giữ tính độc lập của nghề nghiệp luật sư để góp phần vào việc bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Trong trường hợp khi có căn cứ cho rằng hoạt động của mình không được đảm bảo, và quyền lợi của khách hàng không được đảm bảo người Luật sư cần: “chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật” (QT26). Trong đó việc chủ động tích cực thực hiện quyền và nghĩa vụ bao gồm cả việc khiếu nại, tố cáo khi cần thiết nhưng yêu cầu tiên quyết là phải thực hiện đúng pháp luật.
Luật sư TRẦN VĂN AN
Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang