(LSO) - Hòa giải, đối thoại hay tự thỏa thuận là một trong những nguyên tắc chủ đạo của Pháp luật Việt Nam xuất phát từ chính những tập quán, văn hóa của mình.
Sự cần thiết của hòa giải đối thoại trong lịch sử
Trong lịch sử lập pháp Việt Nam, các quy định về hòa giải sớm đã hình thành, điển hình như trong Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức), Điều 672 quy định ở cấp xã, xã quan xử những vụ tranh chấp nhỏ nhặt trong làng xã với mục đích nhằm hòa giải giữa các đương sự, giảm bớt các vụ kiện tụng, loại bớt gánh nặng cho các quan chức cấp trên.
Trong Bộ luật Gia Long (thời Nguyễn) cũng quy định buộc cấp xã giải quyết các vụ việc nhỏ, các tranh chấp xích mích giữa các bên bằng hòa giải. Bên cạnh các quy định trong pháp luật của triều đình, lệ làng, hương ước cũng có nhiều quy định về hòa giải phù hợp với tâm lý, tình cảm, với truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn trong văn hóa của người Việt để giải quyết các tranh chấp dựa trên sự tự nguyện, hợp tác và thiện chí giữa các bên mà không sử dụng quyền lực để áp đặt với nhau.
Ngay trong toàn bộ quy trình tố tụng của chúng ta hiện nay vẫn luôn tuyệt đối tôn trọng sự thỏa thuận và mong muốn hòa giải của các bên và là một trong những bước bắt buộc của quy trình tố tụng dân sự, đối thoại trong tố tụng hành chính. Xuyên suốt trong quá trình tố tụng, bất cứ thời điểm nào việc tự thỏa thuận của các bên luôn được tòa án ghi nhận.
Áp lực về số lượng vụ việc, sự phức tạp do phát triển củakinh tế xã hội dẫn đến việc giải quyết các vụ án tại tòa ngày càng áp lực đối vớihệ thống tòa án nên việc cho ra đời một chế định pháp luật về việc hòa giải, đốithoại sẽ phần nào giảm tải bớt cho hệ thống tòa án hiện nay của chúng ta cũngnhư tiết kiệm chi phí, vụ việc sẽ được giải quyết nhanh hơn cũng như đề caonguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.
Theo số liệu thống kê của TAND tối cao, từ ngày 01/10/2015 đến 30/9/2018, các TAND cấp huyện, cấp tỉnh đã giải quyết 1.331.018 vụ việc các loại trong tổng số 1.519.908 vụ việc đã thụ lý. Trong đó, năm 2018, thụ lý 429.352 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại và lao động (so với cùng kỳ năm trước số thụ lý tăng 34.035 vụ, năm 2018 số thụ lý tăng 43,9% so với năm 2014). Về đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong 03 năm qua, các tòa án giải quyết 17.656 đơn/vụ việc các loại trong tổng số 38.296 đơn/vụ việc đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm năm sau đều tăng hơn năm trước gần 10%.
Một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án
Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án nếu được thông qua và có hiệu lực trong năm tới là rất cần thiết nhưng không thể vì thế mà bỏ qua những vấn đề sau:
Thứ nhất, chính vì giữa các bên đã có những mâu thuẫn trong quan hệ pháp luật họ không thể hòa giải được với nhau mới phải đưa lên tòa án nhờ giải quyết.
Trong khi đó, theo dự thảo Luật Hòa giải đối thoại thì lại phải thực hiện thêm một lần thủ tục hòa giải tại trung tâm hòa giải tại tòa. Theo quy định tại khoản 1, Điều 1 dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa: “Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Luật này không điều chỉnh và không loại trừ các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định”.
Có thể thấy, trong nội hàm tại quy định này, cơ chế hòa giải, đối thoại tòa án là cơ chế độc lập không làm triệt tiêu các cơ chế hòa giải được quy định tại các văn bản pháp luật khác.
Thực tiễn đặt ra vấn đề rằng, đối với nhiều vụ việc dân sự thủ tục hòa giải tại cơ sở là một thủ tục bắt buộc (tiền tố tụng ) trước khi khởi kiện ra tòa. Ví dụ, trong tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất để có đủ điều kiện khởi kiện ra TAND, thẩm quyền các bên trong tranh chấp phải thực hiện thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường.
Như vậy, để giải quyết một vụ án mà phải thực hiện hòa giải cơ sở bắt buộc (từ lúc hòa giải “hòa giải không thành” cho đến khi ra bản án sơ thẩm). Sau khi hòa giải không thành tại cơ sở, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tới TAND theo quy định tại khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án: “Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính và thông báo cho người nộp đơn khởi kiện biết vụ việc sẽ được xem xét chuyển sang hòa giải, đối thoại, nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này”.
Dựa trên quy định này, sau khi nộp đơn khởi kiện tòa án sẽ xem xét chuyển sang hòa giải/ đối thoại. Có nghĩa rằng, để giải quyết vụ án dân sự mà đáp ứng đủ điều kiện hòa giải tại tòa án, nếu như các bên không thể hòa giải/đối thoại sẽ phải trải qua quá trình hòa giải/đối thoại ít nhất 02 (hai lần): Lần 01 (một) theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; lần 02 (hai) theo quy định của Luật Tố tụng. Đối với trường hợp bắt buộc hòa giải tại cơ sở ít nhất sẽ là 03 (ba) lần. Về bản chất, việc quy định hòa giải/đối thoại này dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên nhưng cần phải xem xét rằng liệu quy định thêm về một quá trình hòa giải liệu thực sự cần thiết hay không? Có hay không việc kéo dài giải quyết vụ, án dân sự, hành chính?
Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật Hòa giải tại tòa án về trách nhiệm của Hòa giải viên khi tiến hành hòa giải, đối thoại: “Phân tích mặt tích cực, tiêu cực, tính khả thi của từng phương án giải quyết; hỗ trợ các bên đạt được các giải pháp hòa giải, đối thoại”.
Bản chất của hòa giải là một quá trình tự nguyện, trong đó bên thứ ba giúp hai bên tranh chấp ngồi lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề của họ. Khác cơ bản trong cơ chế tố tụng là họ có quyền tự quyết, hiểu hậu quả và chấp nhận, lựa chọn kết quả của họ sau khi nhận được sự tư vấn, định hướng và đề xuất của Hòa giải viên. Nhiều khi các bên trong hòa giải họ chấp nhận lựa chọn phương án do hòa giải viên đưa ra không hoàn toàn phù hợp về mặt pháp lý, lợi ích nhưng ở góc độ nào đó trên cơ sở cá nhân, mục tiêu lâu dài họ vẫn chấp nhận và quan trọng nhất là họ tự nguyện theo phương án đó.
Trong khi đó, theo khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án: “1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Tức là hoạt động của tòa án chỉ tuân theo pháp luật, mọi phán quyết phải dựa trên sự khách quan, trên cơ sở chứng cứ, pháp lý và thực tế. Lúc này, việc kiểm soát kết quả nằm ngoài khả năng của các đương sự, mọi phán quyết phụ thuộc vào tòa án và thẩm phán.
Đối chiếu với bản chất của hòa giải và chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án liệu có sự mâu thuẫn hay không? Khi một bên chỉ là “trung gian, hỗ trợ”, còn một bên là xét xử, phán quyết.
Thứ ba, điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên: “Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên trước khi nghỉ hưu; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư nếu có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Hòa giải viên”.
Trong quy định này cụm từ “người có hiểu biết biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư” liệu rằng có hợp lý? Tiêu chuẩn như thế nào để xác định rằng hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư? Việc người có hiểu biết về phong tục tập quán, uy tín trong cộng đồng dân cư có đồng nghĩa với việc đáp ứng được trình độ, hiểu biết các tranh chấp là đối tượng của hòa giải trong khi trách nhiệm của Hòa giải viên là phân tích mặt tích cực, tiêu cực, tính khả thi của từng phương án giải quyết; hỗ trợ các bên đạt được các giải pháp hòa giải, đối thoại.
Thứ tư, liên quan đến việc xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án quy định như sau: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán có quyền xác minh, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu.
Trường hợp có đủ căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm một trong những điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này thì Thẩm phán ra quyết định hủy quyết định đó và làm thủ tục chuyển vụ việc cho tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”. Theo như quy định này, sau khi có đề nghị , kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành nếu có căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành vi phạm thì thẩm phán ra quyết định hủy quyết định đó và chuyển hồ sơ sang tòa án để thực hiện thủ tục theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Thực tiễn đặt ra vấn đề rằng, khi các bên đã ngồi lại được với nhau để chấp nhận hòa giải và cùng nhau thống nhất được phương án để giải quyết tranh chấp nhưng lại bị hủy quyết định và phải tham gia quá trình tố tụng. Nếu như họ không muốn tham gia tố tụng, liệu có nên quy định rằng “một trong các bên có quyền đề nghị thực hiện lại thủ tục hòa giải” đề phù hợp với tinh thần việc dân sự cốt ở đôi bên.
Tóm lại, việc ban hành Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án là cần thiết nhưng để luật đi vào thực tiễn là một vấn đề quan trọng hơn. Do đó, trước khi thông qua dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, cần phải cân nhắc kỹ để làm sao phù hợp với thực tiễn.
AN MY