(LSVN) - Không ít những vụ mạo danh để lừa đảo này chiếm đoạt hàng tỉ đồng của người bị lừa, gây nên tình trạng mất trật tự, trị an xã hội và bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của những người bị mạo danh.
Mới đây, tại Cà Mau, Công an đã bắt 2 người giả danh là cán bộ Cục Quản lý kinh tế của Văn phòng Thủ tướng Chính phủ. Dưới cái vỏ bọc quan trọng này, hai kẻ giả danh đã được tiếp đón trọng thị bởi những lời hứa hẹn. Sự việc chỉ kết thúc khi Công an gọi họ lên làm rõ, khởi tố vụ án với tội danh "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức", bắt tạm giam 3 tháng. Nếu Công an không ra tay kịp thời, chắc hẳn nhiều người đã bị lừa.

Đáng nói, một trong 2 người giả danh này đã từng có tiền án với tội danh tương tự. Người này đã bị tuyên án 2 năm tù vào năm 2016 khi đi ở Vũng Tàu bị dừng lại kiểm tra, ông ta xuất trình giấy tờ là Phó Cục trưởng Cục Quản lý kinh tế của VPCP kiêm đặc phái viên của Thủ tướng. "Ngựa quen đường cũ" thật đúng với trường hợp này, chỉ có điều băn khoăn là tại sao vẫn còn nhiều người tin vào kẻ mạo danh để rồi bị lừa đến thế!
Cùng trong thời điểm này, một vụ việc mạo danh tương tự cũng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh. Chủ một dự án lớn, kêu gọi đầu tư nhiều, tự xưng mình là người của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra kinh tế, kinh khủng hơn, còn trưng ra một quyết định của Thủ tướng bổ nhiệm ông ta làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiêm phụ trách Văn phòng 2,... Sự mạo danh này lại chính do các đồng sự đối tác làm ăn của ông ta tố cáo. Điều đáng ngạc nhiên là cái Quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng nhếch nhác, đầy lỗi chính tả và văn phong, thế mà vẫn có người tin thì lạ thật!
Những sự mạo danh làm ông to, bà lớn, giữ những chức vụ quan trọng, con cháu ông nọ bà kia,... đều nhằm một mục đích nhất định là lừa đảo, tống tiền hay tống tình hoặc cả hai. Không ít những vụ mạo danh để lừa đảo này chiếm đoạt hàng tỉ đồng của người bị lừa, gây nên tình trạng mất trật tự, trị an xã hội và bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của những người bị mạo danh. Dân gian gọi hiện tượng này là "nổ", tức huyênh hoang, khoe mẽ, cường điệu quá mức, tự phong cho mình ở những vị trí cao, quan trọng,...
Sự "nổ" này không vô hại mà nó có tầm "sát thương" rộng, gây ra những hậu quả khôn lường. Giới Luật sư, Luật gia cũng bị mạo danh, chẳng hạn, có trường hợp xưng danh là Luật sư, thực hiện các dịch vụ pháp lý, nhận thù lao rồi "bùng". Tệ hại hơn, nhận giải quyết các việc trái pháp luật như chạy án, chạy tội,... Và, các nhà báo cũng bị giả danh để làm những chuyện phi pháp. Tình trạng giả danh, giả mạo chỉ có thể chấm dứt khi chính những người bị giả danh không bao giờ thực hiện những hành vi phi pháp để bọn giả danh có thể dựa vào đấy mà lừa đảo!
NHỊ NGỌC