Ảnh minh họa.
Khái niệm chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng
Trước hết, để có thể hiểu nội hàm khái niệm chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng một cách cơ bản nhất, chúng ta cần đi từ những khái niệm cấu thành nên chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng.
Chính sách là một hệ thống các nguyên tắc có chủ ý hướng dẫn các quyết định nhằm đạt được các kết quả hợp lý. Một chính sách là một tuyên bố về ý định, được thực hiện như một thủ tục hoặc giao thức. Các chính sách thường được cơ quan quản trị trong một tổ chức thông qua. Chính sách có thể hỗ trợ cả việc đưa ra quyết định chủ quan và khách quan. Các chính sách hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định chủ quan thường hỗ trợ quản lý cấp cao với các quyết định phải dựa trên thành tích tương đối của một số yếu tố và do đó thường khó kiểm tra khách quan, ví dụ: Chính sách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Các chính sách tương phản để hỗ trợ việc đưa ra quyết định khách quan thường hoạt động trong tự nhiên và có thể được kiểm tra khách quan, ví dụ: chính sách mật khẩu (1). Chính sách là một tập hợp các nguyên tắc hoặc một kế hoạch về những việc cần làm trong những tình huống cụ thể đã được một nhóm người chính thức thông qua trong một tổ chức kinh doanh, một chính phủ hoặc một đảng chính trị (2). Chính sách (policy) là những hướng dẫn, phương pháp, thủ tục, luật lệ, biểu mẫu cụ thể và những công việc hành chính được thiết lập để hỗ trợ và thúc đẩy công việc hướng tới các mục tiêu đề ra (3).
Như vậy, cho đến nay, chúng ta thấy là có khá nhiều định nghĩa khác nhau về chính sách, sở dĩ có thực trạng như vậy là do mỗi học giả lại có cách tiếp cận, luận giải và tư duy khái quát khác nhau về chính sách. Tuy nhiên, có thể hiểu chung nhất thì chính sách là một hệ thống các nguyên tắc có chủ ý được đưa ra bởi các lãnh đạo trong một cơ quan, tổ chức như: tổ chức kinh doanh; chính phủ; đảng chính trị để hướng dẫn các quyết định nhằm đạt được những kết quả đã đề ra.
Trong khi đó, pháp luật tài chính (financial legal) là hệ thống các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tài chính của các chủ thể, nhằm thiết lập, duy trì một trật tự xã hội nhất định đối với các hoạt động tài chính (4). Luật ngân hàng là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động ngân hàng, các quan hệ về tổ chức hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác (5). Khái niệm “luật ngân hàng” nêu trên dường như có nội hàm trùng với khái niệm pháp luật ngân hàng. Thực tế cho thấy khái niệm pháp luật ngân hàng có nội hàm rộng hơn khái niệm luật ngân hàng, bởi lẽ khi nói đến “luật ngân hàng”, người ta thường đề cập đến một văn bản pháp luật cụ thể, đó là Luật Ngân hàng. Trong khi đó, pháp luật ngân hàng được hiểu là hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động ngân hàng và các quy phạm này không chỉ nằm trong Luật Ngân hàng mà còn nằm trong nhiều văn bản luật khác như: Hiến pháp; Luật; Nghị định; Thông tư...
Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất thì chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng là hệ thống các nguyên tắc khoa học, nhất quán về những việc cần phải thực hiện của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm mục đích là xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật tài chính - ngân hàng, nâng cao hiệu quả của cơ chế điều chỉnh pháp luật tài chính - ngân hàng, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài chính để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế.
Đặc điểm của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng chính là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với lĩnh vực ngân sách, thuế, tín dụng nhà nước và các quan hệ tài chính khác. Đây là mối quan hệ biện chứng bởi lẽ chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng chính là các nguyên tắc khoa học, nhất quán, là kim chỉ nam cho việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các linh vực nói trên nhằm mục đích là nâng cao hiệu quả của cơ chế điều chỉnh các quan hệ pháp luật ngân sách, ngân hàng, thuế, tín dụng nhà nước và các quan hệ tài chính khác để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng thể hiện tính linh hoạt và phát triển của nó trong tình hình mới. Các quy định pháp luật tài chính - ngân hàng chính là sự cụ thể hóa chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng. Thực tiễn cho thấy là các văn bản pháp luật tài chính - ngân hàng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Việc nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tài chính - ngân hàng được ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng một cách cơ bản là minh chứng cho tính linh hoạt và phát triển của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng là một trong những bộ phận hợp thành quan trọng của chính sách kinh tế và được thể hiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm hình thành các nguồn lực tài chính. Việc sử dụng các nguồn lực đó nhằm mục đích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như phân bổ các nguồn lực tài chính giữa các ngành kinh tế, các vùng, các địa phương cho hợp lý.
Vai trò của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước bởi lẽ để thực hiện được nhiệm vụ đó đòi hỏi Việt Nam phải có nguồn lực tài chính rất lớn. Chính vì vậy, chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng phù hợp thì mới có thể huy động được các nguồn lực to lớn để đầu tư cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của người dân.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng hỗ trợ cho việc thực hiện chính sách tài chính - ngân hàng và điều này được thể hiện ở việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tài chính - ngân hàng nhằm cụ thể hóa chính sách tài chính - ngân hàng. Nội dung này thể hiện vai trò quan trọng của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của nhà nước và việc thực hiện các chiến lược, chương trình phát triển đất nước đã được dự liệu.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng còn có vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia cũng như thúc đẩy sự hợp tác và hội nhập quốc tế nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng cũng là cơ sở nền tảng để xây dựng, ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Xuất phát từ vai trò quan trọng của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội như vậy nên nhiệm vụ nghiên cứu, luận giải các vấn đề liên quan đến nội dung này một cách khoa học để từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và sự phát triển của xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Định hướng của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng
Nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nền kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam hiện nay thì chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng cần được điều chỉnh linh loạt theo những định hướng cơ bản sau:
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng cần tạo ra các nguồn lực lớn để phát triển kinh tế bền vững.
Việc phát triển kinh tế là mục tiêu quan trọng và xuyên suốt của đất nước. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà việc phát triển kinh tế phải đi đôi với bền vững nhằm phòng, tránh khủng hoảng, lạm phát có thể xảy ra cho nền kinh tế nói chung và cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng. Chính vì vậy, việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về tài chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong thời gian tới (6) là một trong những định hướng quan trọng của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng phải luôn đi trước một bước
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Bộ Tài chính không chỉ quản lý về tài chính - ngân sách nhà nước mà còn là Bộ ban hành chính sách. Việc ban hành chính sách của Bộ Tài chính là để giúp tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư phát triển, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, tạo tích lũy, ngân sách nhà nước từ đó phát triển bền vững, ổn định, giảm sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài, nợ công (7). Chính sách phải luôn đi trước một bước là điều kiện tiên quyết để làm tiền đề ban hành và/hoặc sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật tài chính - ngân hàng, từ đó tạo điều kiện để các lĩnh vực tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư... phát triển ổn định, bền vững.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân nói riêng. Chính vì vậy, để hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường thì chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng có ý nghĩa rất quan trọng, các chính sách này phải được thể chế hóa bằng các quy định cụ thể để chính sách sớm đi vào cuộc sống. Nhân dịp được Quốc hội khóa XV tán thành phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2022, ông Hồ Đức Phớc đã có buổi trao đổi với phóng viên báo chí và cho biết “Để triển khai thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế, phí và lệ phí của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn sát sao, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai ngay các giải pháp để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ vào cuộc sống. Trong thực hiện các giải pháp thu ngân sách, chúng tôi tuyệt đối không vì áp lực thu mà gây sức ép cho doanh nghiệp, người dân” (8).
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành, Bộ Tài chính đang theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Những gói hỗ trợ này bảo đảm trong ngắn hạn cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (9).
Hoàn thiện chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng phải đi đôi với hoàn thiện thể chế tài chính, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển
Hoàn thiện chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng bên cạnh việc phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn thì cần phải đi đôi với việc hoàn thiện thể chế tài chính bởi thể chế tài chính được hoàn thiện thì mới có thể thực hiện tốt chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng một cách hiệu quả và ngược lại. Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng và thể chế tài chính được hoàn thiện chính là yếu tố quan trọng, tiên quyết để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm sự an toàn và bền vững của nguồn lực tài chính quốc gia, bảo đảm tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư phát triển, từ đó tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngành tài chính đang tập trung triển khai nhóm 5 trụ cột thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đó là: xây dựng thể chế; quản lý nợ công; quản lý thị trường tài chính; dự trữ quốc gia; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, trong đó đặc biệt lưu ý đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế theo chương trình đề ra (10).
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến tài chính - ngân hàng để cụ thể hóa chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng chỉ có thể đi vào cuộc sống nếu các văn bản pháp luật tài chính - ngân hàng được ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi. Cho đến nay, công tác này đang triển khai và đã đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền số lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ đã trình Chính phủ ban hành 16 Nghị định, xem xét ban hành 6 Dự thảo Nghị định và 9 Đề án khác, 50 Thông tư… . Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngân sách đặc thù phù hợp với một số địa phương có điều kiện, đặc biệt là các đô thị lớn. Về công tác này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu toàn ngành tập trung hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp luật đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đúng Hiến pháp, không chồng lấn, không mâu thuẫn để tạo đà cho sự phát triển (12).
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được không thể phủ nhận như đã nêu trên thì tiến độ ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến tài chính - ngân hàng vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, ví dụ: Trong các văn bản pháp luật tài chính hiện nay không có các quy định pháp luật khái quát về các vi phạm pháp luật tài chính cũng như trách nhiệm pháp luật tài chính, chưa phân loại các vi phạm pháp luật tài chính... Do đó, nhiệm vụ này cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng cần được xây dựng theo hướng ưu tiên bố trí kinh phí tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, cho đến nay mặc dù tỷ lệ người dân được tiêm vắc-xin Covid-19 khá cao. Tuy nhiên, tốc độ ca nhiễm Covid-19 vẫn liên tục tăng và số lượng ca tử vong cũng không có chiều hướng giảm. Chính vì vậy, công tác phòng, chống dịch vẫn luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng được xây dựng theo hướng ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một tất yếu khách quan mà trong đó Bộ Tài chính là cơ quan có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và thực hiện chính sách này. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn về tài chính - ngân sách nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành tài chính trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động xây dựng các gói hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân. Bảo đảm an sinh xã hội, tập trung nguồn lực phòng, chống dịch . Việc bổ sung kinh phí tối đa cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp triển khai đồng bộ cùng các biện pháp khác hứa hẹn sẽ sớm có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát, kiềm chế các thiệt hại do Covid-19 gây ra.
Vai trò của chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng đối với xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để chính sách pháp luật tài chính - ngân hàng phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống thì việc xây dựng các chính sách cần phải bảo đảm tính khoa học; phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội cụ thể của Việt Nam; tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường và phải luôn gắn với yếu tố thời gian. Điều này có nghĩa là chính sách đó chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử cụ thể và vì vậy, trong tình hình mới, khi có sự chuyển biến mới, chính sách đó cần có sự thay đổi cho phù hợp.
(1) From Wikipedia, the free encyclopedia, “Policy”. https://en.wikipedia.org/wiki/Policy, access at 21: 15 PM, date December 31th, 2021. (2) Cambridge.Dictionary, “Meaning of policy in English”. https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/policy, access at 16: 20 PM, date January 2th, 2022. (3) Vietnambiz, “Chính sách (Policy) là gì? Vai trò của chính sách trong quản trị chiến lược”. https://vietnambiz.vn/chinh-sach-policy-la-gi-vai-tro-cua-chinh-sach-trong-quan-tri-chien-luoc-20191126205450661.htm, truy cập ngày 02/01/2022. (4) Vietnambiz., “Pháp luật tài chính (Financial legal) là gì? Phân loại pháp luật tài chính”. https://vietnambiz.vn/phap-luat-tai-chinh-financial-legal-la-gi-phan-loai-phap-luat-tai-chinh-20190910103336334.htm, truy cập ngày 02/01/2022. (5) Hoàng Văn Thành, “Luật Ngân hàng”. http://eldata11.topica.edu.vn/HocLieu/LAW111/PDF%20slide/LAW111_Bai1_v1.0014107209.pdf , truy cập ngày 02/01/2022. (6) Huy Thắng (2021), “Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững”. http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Chinh-sach-tai-chinh-tao-nguon-luc-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung/440638.vgp, truy cập ngày 03/01/2022. (7) Hoài Anh (2021), “Tập trung hoàn thiện thể chế tài chính - ngân sách nhà nước”. https://haiquanonline.com.vn/tap-trung-hoan-thien-the-che-tai-chinh-ngan-sach-nha-nuoc-152371.html, truy cập ngày 05/01/2022. (8) Huy Thắng (2021), “Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững”. http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Chinh-sach-tai-chinh-tao-nguon-luc-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung/440638.vgp, truy cập ngày 03/01/2022. (9) Huy Thắng (2021), “Chính sách tài chính tạo nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững”. http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Chinh-sach-tai-chinh-tao-nguon-luc-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung/440638.vgp, truy cập ngày 03/01/2022. (10) Hoài Anh (2021), “Tập trung hoàn thiện thể chế tài chính - ngân sách nhà nước”. https://haiquanonline.com.vn/tap-trung-hoan-thien-the-che-tai-chinh-ngan-sach-nha-nuoc-152371.html, truy cập ngày 02/01/2022. (11) Hoài Anh (2021), “Tập trung hoàn thiện thể chế tài chính - ngân sách nhà nước”. https://haiquanonline.com.vn/tap-trung-hoan-thien-the-che-tai-chinh-ngan-sach-nha-nuoc-152371.html, truy cập ngày 02/01/2022. (12) Trần Huyền (2021), “Hoàn thiện chính sách pháp luật về tài chính - ngân sách, tạo đà cho phát triển”. https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-tai-chinh-ngan-sach-tao-da-cho-phat-trien-334001.html, truy cập ngày 05/01/2022. (13) Hồ Đức Phớc (2021), “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối tài chính - ngân sách”. https://dangcongsan.vn/kinh-te/bao-dam-on-dinh-kinh-te-vi-mo-va-cac-can-doi-tai-chinh-ngan-sach-593602.html, truy cập ngày 06/01/2022. |
Luật sư, Tiến sĩ NGÔ VĂN HIỆP
Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và liên danh (HALF)
Một số tồn tại, vướng mắc trong việc định tội danh đối với tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'