Vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế

26/10/2021 19:04 | 2 năm trước

(LSVN) - Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang diễn ra ngày một sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Không nằm ngoài xu thế chung đó, việc hội nhập trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với vị trí trung tâm của thiết chế bổ trợ tư pháp, Luật sư càng có vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa.

Vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế

Khi nói đến vai trò của Luật sư là nói đến hoạt động của Luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực: tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; dịch vụ pháp lý khác (1). Tuy nhiên, đây không phải là vai trò duy nhất của Luật sư, bởi lẽ bên cạnh việc thực hiện vai trò nêu trên thì Luật sư còn có nhiều vai trò quan trọng khác như: bảo vệ công lý; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; xây dựng pháp luật; phổ biến, tuyên truyền pháp luật và hội nhập quốc tế... Khi bàn đến vai trò của Luật sư, hiện nay vẫn còn khá nhiều các ý kiến khác nhau, sở dĩ có thực trạng như vậy vì mỗi học giả lại có cách tiếp cận, luận giả khác nhau về vấn đề này. Hơn nữa, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước mà có sự nhận thức khác nhau về vị trí, vai trò của Luật sư. Nghề Luật sư và vai trò của Luật sư luôn có sự thay đổi và phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế khách quan của mỗi xã hội (2).

Nói đến vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế, chúng ta có thể thấy rằng vấn đề này mới chỉ được một số học giả đề cập trong mấy thập kỷ gần đây, đặc biệt là kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa một số lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Tựu chung lại, vai trò của Luật sư trong hội nhập quôc tế được thể hiện ở các khía cạnh cơ bản sau:

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam trong các giao dịch quốc tế

Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, các giao dịch thương mại quốc tế cũng tăng lên nhanh chóng và cùng với nó là các tranh chấp liên quan đến đầu tư, thương mại xảy ra nhiều hơn, đa dạng và phức tạp hơn. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam trong một thời gian dài tồn tại dưới hình thức kế hoạch hóa nên các quy luật kinh tế thị thường còn khá mới mẻ đối với hầu hết các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam không được trang bị những kiến thức về luật quốc tế cũng như không hoặc có rất ít kỹ năng, kinh nghiệm kinh doanh với đối tác nước ngoài dẫn đến các vụ tranh chấp xảy ra mà phần thua thiệt thường nghiêng về các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam. Chính vì vậy, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý từ các Luật sư hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính ngân hàng, giải quyết tranh chấp quốc tế của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam là tất yếu, khách quan.

Các Luật sư hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực kể trên là những chuyên gia hiểu biết luật quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có kỹ năng, kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, do đó, các Luật sư này sẽ là những “người gác cửa” về pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam trong các vụ tranh chấp quốc tế với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài. Việc bảo vệ của Luật sư không chỉ ở giai đoạn tham gia tố tụng tại cơ quan tài phán quốc tế mà còn được thực hiện ở giai đoạn tư vấn, hỗ trợ pháp lý ban đầu nhằm hạn chế các rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.

Tham gia công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong nước và quốc tế

Xây dựng pháp luật là hoạt động của các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) theo quy định. Theo đó, sản phẩm của quá trình xây dựng pháp luật là các VBQPPL, tạo lập hệ thống VBQPPL điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội (3). Hiến pháp năm 2013, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 đều có quy định liên quan đến việc lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức, cá nhân đối với các dự thảo luật và văn bản dưới luật.

Theo quy định của pháp luật và thực tiễn cho thấy, khi đã trở thành Luật sư thì ở góc độ nhất định, mỗi Luật sư đã là một chuyên gia pháp lý. Do đó, trong quá trình hành nghề, những Luật sư có kiến thức chuyên môn sâu, ham học hỏi, nghiên cứu và thường xuyên tham gia vào các vụ tư vấn, tranh tụng quốc tế, cọ sát ở môi trường làm việc quốc tế sẽ là những chuyên gia có rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm quý báu. Chính vì vậy, việc các Luật sư này đóng góp vào quá trình đàm phán liên quan đến các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có ý nghĩa rất quan trọng. Hơn thế nữa, việc đóng góp của những Luật sư đó không chỉ dừng ở các Hiệp định, Điều ước quốc tế mà còn là việc nội luật hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước nhằm tương thích với các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Thực tế cho thấy, một số Luật sư là Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp đã rất tích cực tham gia ý kiến tại các cuộc họp của Quốc hội, của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố để góp ý đối với các dự án luật trong quá trình soạn thảo cũng như phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, để từ đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền có phương hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp.

Nâng cao hình ảnh của Việt Nam và giới Luật sư trên trường quốc tế

Trong quá trình hành nghề Luật sư liên quan đến các hoạt động tư vấn, tranh tụng ở môi trường quốc tế, các Luật sư hội nhập không chỉ thực hiện nhiệm vụ cao cả là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Việt Nam trong các giao dịch, tranh chấp quốc tế với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nước ngoài mà thông qua hoạt động này, Luật sư còn góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam nói chung và giới Luật sư Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế. Qua đó, bạn bè quốc tế cảm nhận Việt Nam có một môi trường pháp lý minh bạch, an toàn, là thị trường tốt để hợp tác làm ăn và đầu tư.

Một số tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế

Bên cạnh những mặt đã đạt được không thể phủ nhận liên quan đến vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế như đã phân tích ở trên, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số tồn tại, bất cập nhất định về vấn đề này cần được xem xét để có hướng hoàn thiện.

Thứ nhất, trên thế giới, Luật sư và nghề Luật sư đã có lịch sử ra đời và phát triển hàng trăm năm qua. Trong khi đó, ở Việt Nam, việc hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển nghề Luật sư cũng như các biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với Luật sư và nghề Luật sư mới chỉ được Nhà nước thực hiện trong vài thập kỷ gần đây. Chính vì vậy, năng lực cạnh tranh của các Luật sư trong nước trên trường quốc tế rất khiêm tốn, thị trường dịch vụ pháp lý ở Việt Nam mới ở giai đoạn phát triển ban đầu. Các hoạt động hỗ trợ Luật sư và nghề Luật sư của Nhà nước chủ yếu được thực hiện dưới các hình thức như: Hỗ trợ về nguồn nhân lực bằng việc cấp kinh phí đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập, trong đó có đào tạo ở nước ngoài; hỗ trợ phát triển thị trường bằng cách quy định các dự án, giao dịch có sử dụng vốn ngân sách cần có sự tham gia của Luật sư và dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho hoạt động này; khuyến khích các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Luật sư… mới đang từng bước được triển khai và đã có một số kết quả ban đầu. Hiện nay, các quy định pháp luật hiện hành cũng như cơ chế để Luật sư hành nghề còn khá nhiều bất cập, một số cán bộ công chức còn gây khó khăn cho hoạt động hành nghề của Luật sư...

Thứ hai, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ sở vật chất còn hạn chế, nhân sự và bộ máy mới đang trong quá trình kiện toàn. Chính vì vậy, việc tổ chức các buổi đào tạo chuyên sâu để nâng cao kiến thức luật quốc tế, đặc biệt là kiến thức về luật thương mại quốc tế cho các Luật sư song song với việc tập huấn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến hội nhập quốc tế chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục do nguồn lực, kinh phí còn hạn chế. Việc phối kết hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, tập huấn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến hội nhập quốc tế cho Luật sư đã được thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa diễn ra thường xuyên, liên tục. Các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các tổ chức Luật sư quốc tế nhằm tạo cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ Luật sư hội nhập đã, đang được thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định nhưng cần tiến hành sâu, rộng hơn nữa.

Thứ ba, trải qua hơn 30 năm đổi mới và hội nhập, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã dần trưởng thành trong hoạt động hành nghề, cung cấp các dịch vụ pháp lý đa dạng cho khách hàng trong nước và nước ngoài. Mặc dù số lượng Luật sư Việt Nam phát triển khá nhanh trong mấy thập kỷ gần đây nhưng chất lượng chưa cao. Tính đến tháng 7 năm 2020 cả nước đã có 14.375 Luật sư hoạt động tại trên 2.000 tổ chức hành nghề Luật sư (4). Trong số đó, các Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại, đầu tư quốc tế, khả năng hội nhập còn rất ít. Kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO cho đến nay, các giao dịch thương mại quốc tế và vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng và cùng với nó là các tranh chấp liên quan đến thương mại, đầu tư xảy ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Bối cảnh đó đặt ra thách thức đối với Luật sư Việt Nam là phải sử dụng được ngoại ngữ để tư vấn và tranh tụng quốc tế, đồng thời phải hiểu biết luật thương mại quốc tế như: UNCITRAL, INCOTERMS; GATT, GATS, TRIMS, TRIPS... cũng như luật của quốc gia liên quan đến hoạt động tư vấn và tố tụng. Tuy nhiên, số lượng Luật sư am hiểu luật quốc tế, có chuyên môn sâu trong các lĩnh vực kinh doanh, thương mại, sử dụng tốt ngoại ngữ và có kinh nghiệm hành nghề trong môi trường quốc tế còn rất thiếu. Hiện nay, số lượng 446 chuyên gia pháp luật, Luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế còn rất khiêm tốn so với tổng số gần 10.900 Luật sư trong cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Đồng thời, sự phân bố đội ngũ Luật sư này còn chưa hợp lý giữa vùng, miền trong cả nước, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (5). Chính vì thế, vai trò của Luật sư trong các vụ tư vấn, tranh tụng liên quan đến kinh doanh, thương mại, đầu tư quốc tế bị hạn chế. Một số vụ việc tranh chấp như vụ Bỉ bắt giữ Phó Giám đốc Công ty Afiex Bửu Huy theo yêu cầu của Mỹ, sự cố tàu Cần Giờ bị Tan-da-ni-a bắt giữ, Hàng không Việt Nam thua kiện tại I-ta-li-a... cho thấy, đội ngũ Luật sư trong nước còn thiếu kiến thức pháp luật quốc tế, chưa chuẩn bị đầy đủ lực lượng, tâm thế hướng tới phục vụ cho các khách hàng là cá nhân, tổ chức nước ngoài (6).

Đội ngũ Luật sư còn có những hạn chế về chuyên môn, kỹ năng, giao tiếp…, đặc biệt là tình trạng yếu về trình độ Anh ngữ, thiếu kiến thức về pháp luật quốc tế. Không thể sử dụng tiếng Anh, như một ngôn ngữ chính trong công việc, là hiện tượng khá phổ biến đối với Luật sư Việt Nam. Tình trạng này làm giảm thiểu đáng kể cơ hội tham gia của họ vào những vụ việc có yếu tố nước ngoài, ở trong và ngoài nước. Trong nhiều vụ tranh chấp pháp lý có yếu tố nước ngoài, cá nhân, doanh nghiệp… buộc phải thuê Luật sư quốc tế. Đó là những trở ngại đáng kể đối với Luật sư thời hội nhập (7).

Một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế

Xuất phát từ những tồn tại, bất cập đã nêu trên, để nâng cao vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế thì nhất thiết phải thực hiện các biện pháp đồng bộ sau:

Một là, về phía Nhà nước

Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư và nghề Luật sư hội nhập quốc tế mà trước hết là cần sớm ban hành và/hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành liên quan theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để Luật sư hành nghề trong nước, để từ đó các Luật sư có nền tảng vững chắc hội nhập quốc tế. Nhà nước cần có cơ chế tài chính cụ thể, hỗ trợ cho hoạt động Luật sư, đặc biệt là các Luật sư hội nhập quốc tế. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần định kỳ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế nhằm nâng cao kiến thức cho các Luật sư, cung cấp kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tham gia đàm phán, ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế, cách thức giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế. Trong đó đặc biệt chú trọng bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ; tập huấn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm về hội nhập kinh tế quốc tế. Hơn thế nữa, ngay khi có các đề án đào tạo quốc tế, các chuyến tham quan, giao lưu, học hỏi từ chính phủ, các tổ chức nước ngoài, cần thông báo rộng rãi để các Luật sư có đủ điều kiện đăng ký tham gia. Việc hoạch định chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý, định hướng phát triển nghề Luật sư với sự hỗ trợ cụ thể của Nhà nước là hết sức quan trọng nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của Luật sư trong nước, nhất là trong điều kiện thị trường dịch vụ pháp lý của Việt Nam mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Hai là, về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tạo điều kiện thuận lợi để các Luật sư thành viên tham gia các hoạt động hội nhập quốc tế bằng các hành động cụ thể như:

- Cung cấp công tin về các hội thảo, hội nghị, tọa đàm… liên quan đến các vấn đề hội nhập quốc tế để các Luật sư biết đăng ký tham gia;

- Tổ chức các buổi đào tạo chuyên sâu để nâng cao kiến thức luật quốc tế, đặc biệt là kiến thức về luật thương mại quốc tế cho các Luật sư song song với việc tập huấn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến hội nhập quốc tế và tiến hành thông báo rộng rãi để các Luật sư biết đăng ký tham gia;

- Có chính sách khen thưởng cụ thể đối với các Luật sư tích cực tham gia vào các hoạt động hội nhập quốc tế, có thành tích nhằm khuyến khích, động viên các Luật sư cố gắng;

- Phối kết hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về luật quốc tế, tập huấn kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến hội nhập quốc tế cho Luật sư để Luật sư có thêm hành trang hội nhập quốc tế;

 - Đẩy mạnh hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam với các tổ chức Luật sư quốc tế nhằm tạo cơ hội học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Luật sư. Đặc biệt, cần đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng về thương mại quốc tế (8).

Ba là, đối với mỗi Luật sư

Việc hội nhập quốc tế khó có thể thành công nếu mỗi Luật sư không tự ý thức về vấn đề này, từ đó chủ động và tích cực nâng tầm của chính mình. Mỗi Luật sư cần phải luôn trau dồi kiến thức chuyên ngành, rèn rũa ngoại ngữ, tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm làm việc quốc tế từ các đồng nghiệp có uy tín, đặc biệt là từ các đồng nghiệp nước ngoài, cũng như thông qua việc “cọ xát” với môi trường làm việc quốc tế. Hơn thế nữa, mỗi Luật sư cần làm tốt các công việc của mình nhằm bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống từ đó tạo tiền đề để dành một phần thời gian, công sức, tài chính cho các hoạt động hội nhập quốc tế.

Thực tiễn cho thấy vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được như đã phân tích ở trên thì vai trò của Luật sư trong các hoạt động này còn tồn tại một số bất cập nhất định cần phải được nghiên cứu, luận giải một cách thấu đáo để từ đó có giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới.

(1) Xem thêm Điều 22 Luật Luật sư.

(2) Bộ Tư pháp (2008), “Phát huy vai trò của luật sư trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật - Số chuyên đề Tổ chức và hoạt động luật sư, tr 6-7.

(3) Dương Thị Tươi (2019). “Bảo đảm chất lượng xây dựng pháp luật ở Việt Nam hiện nay”. https://www.moha.gov. vn/danh-muc/bao-dam-chat-luong-xay-dung-phap-luat-o-viet-nam-hien-nay-41242.html, truy cập vào 17: 00 PM, ngày 03/10/2021.

(4) Luật sư Lê Đức Bính (2020), “10 năm Chiến lược phát triển nghề luật sư Việt Nam”, /10-nam-chien-luoc-phat-trien-nghe-luat-su-viet-nam.html, truy cập vào 21: 15 PM, ngày 04/10/2021.

(5) Sở Tư pháp Bình Dương (2016), “Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế: Cần tăng cường về cả chất và lượng”, https://stp.binhduong.gov.vn/bo-tro-tu-phap/Lists/LuatSu/DispForm.aspx?ID=22, truy cập vào 16: 10 PM, ngày 04/10/2021.

(6) Hà Hồng Hà (2013), “Phát triển đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/Ph%c3%a1t-tri%e1%bb%83n-%c4%91%e1%bb%99i-ng%c5%a9-lu%e1%ba%adt-s%c6%b0-%c4%91%c3%a1p-%e1%bb%a9ng-y%c3%aau-c%e1%ba%a7u-h%e1%bb%99i-nh%e1%ba%adp-qu%e1%bb%91c-t%e1%ba%bf-578239/, truy cập vào 20: 40 PM, ngày 04/10/2021.

(7) Nguyễn Văn Tiếp (2016), “Nâng cao vị trí, vai trò đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/41078/nang-cao-vi-tri%2C-vai-tro-doi-ngu-luat-su-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-va-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te.aspx, truy cập vào 21: 10 PM, ngày 03/10/2021.

(8) Nguyễn Văn Tiếp (2016), “Nâng cao vị trí, vai trò đội ngũ luật sư đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế”, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/41078/nang-cao-vi-tri%2C-vai-tro-doi-ngu-luat-su-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap-va-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te.aspx, truy cập vào 21: 20 PM, ngày 03/10/2021.

Thạc sĩ, Luật sư NGÔ VĂN HIỆP

Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (HALF) 

Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư