Vai trò của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường: Gợi mở mô hình hỗ trợ

05/02/2024 23:11 | 7 tháng trước

(LSVN) - Để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề hoàn thiện cơ cấu bộ máy nhân sự và pháp chế doanh nghiệp là điều cần thiết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên hiện tại đa số doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến bộ phận pháp chế doanh nghiệp hoặc có nhưng chưa làm tốt vai trò. Bài viết phân tích một số vấn đề nhằm luận giải những hạn chế, gợi mở những mô hình hỗ trợ phù hợp trong xu thế hội nhập hiện nay, nhất là nền kinh tế đang chịu sự chi phối chặt chẽ của quy luật cạnh tranh.

Ảnh minh họa. 

Quy luật của sự vận động là phải luôn đổi mới để phát triển và minh chứng trên thực tế cho thấy, trong thời gian qua, các hoạt động giao thương ngày càng được mở rộng, theo đó xuất hiện nhiều cơ hội kinh doanh, mọi hoạt động hợp tác không chỉ dừng lại trong nội bộ tỉnh, quốc gia mà mở rộng ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học công nghệ là nền tảng hình thành những giao thức mới trong kinh doanh, như sử dụng các nền tảng ứng dụng để thay thế các kênh bán hàng truyền thống. Hoạt động kinh doanh càng đa dạng và phát triển thì rủi ro pháp lý cũng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đại đa số các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đi lên từ mô hình kinh doanh gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nên chưa được trang bị những kiến thức chuyên sâu về pháp lý và không có thói quen áp dụng pháp luật vào kinh doanh nên khó thích nghi. Vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy và đó cũng là một trong những lý do cần phải xây dựng bộ phận pháp chế doanh nghiệp hoặc sử dụng các mô hình hỗ trợ để tham vấn nhằm hạn chế những rủi ro, góp phần nâng tầm hoạt động của doanh nghiệp trong xu thế hiện nay.

Khái quát về pháp chế doanh nghiệp và vai trò của pháp chế doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, thuật ngữ “pháp chế doanh nghiệp” được sử dụng phổ biến và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong các tập đoàn kinh tế lớn. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa rõ về thuật ngữ này. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, có đưa ra định nghĩa về tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước, cụ thể: “Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”(1). Từ quy định này, có thể khái quát về pháp chế doanh nghiệp như sau: Pháp chế doanh nghiệp là bộ phận có chuyên môn về pháp lý, có vai trò tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo, chủ doanh nghiệp những vấn đề pháp lý liên quan trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trên tinh thần tham khảo các quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước có thể luận giải về vai trò của pháp chế doanh nghiệp như sau:

(i) Tham vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp về việc ban hành, sửa đổi điều lệ, nội quy, quy chế, chính sách hoạt động của các phòng/ban;

(ii) Trực tiếp tham gia đàm phán, soạn thảo, ký kết hợp đồng, thẩm định pháp lý về những dự thảo hợp đồng, các kế hoạch hợp tác, tham vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp;

(iii) Tham gia đại diện ngoài tố tụng, đại diện tố tụng, làm việc với cơ quan nhà nước, các bên liên quan để giải quyết các vấn đề pháp lý trong quá trình hoạt động;

(iv) Cập nhật, cung cấp các thông tin, các quy định pháp luật mới ban hành, nhận diện những rủi ro của pháp luật đối với kế hoạch, chiến lược kinh doanh;

(v) Tiếp cận các kênh thông tin, cập nhật tình hình kinh tế thị trường cho lãnh đạo doanh nghiệp về việc vận dụng các chính sách pháp luật trong hoạt động vĩ mô của doanh nghiệp;

(vi) Tham gia kiểm soát việc tuân thủ các quy chế nội bộ của các phòng/ban, bảo đảm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Sự cần thiết của pháp chế doanh nghiệp trong cơ chế thị trường

Để phòng ngừa những rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động cũng như giúp cho lãnh đạo doanh nghiệp có thể nắm bắt, vận dụng kịp thời những quy định, chính sách của pháp luật để áp dụng vào quá trình hoạt động, doanh nghiệp cần thiết phải có bộ phận pháp chế hoặc có sự hỗ trợ của các tổ chức hành nghề luật sư, các trợ giúp viên pháp lý. Thực tế chứng minh rằng, phần đông doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đi lên từ mô hình sản xuất truyền thống, hoạt động trong khuôn khổ “người nhà”, ngoài việc chưa được trang bị những kiến thức pháp luật, khả năng vận dụng pháp luật vào hoạt động kinh doanh, một số lãnh đạo doanh nghiệp quen quản lý bằng “kinh nghiệm” hoặc “thói quen” và đưa ra các quyết định “cảm tính”, nhất là trong các hoạt động giao thương dẫn đến những rủi ro trong quá trình triển khai. Điều đó làm cho doanh nghiệp không những chịu nhiều tổn thất về vật chất, uy tín mà còn mất vị thế và cả cơ hội kinh doanh. Và khi có tranh chấp, để giảm thiểu rủi ro, không ít doanh nghiệp cũng tìm kiếm những kênh hỗ trợ khác nhưng đôi khi không thể khắc phục được hậu quả.

Minh chứng cho nhận định này có thể thấy “Vụ kiện về việc xâm phạm bằng sáng chế của võng xếp Duy Lợi” hoặc “Nguy cơ mất thương hiệu gạo ST25” trên sân khách là một bài học cho bất kỳ doanh nghiệp nào ở Việt Nam. Nguyên nhân của các sự kiện pháp lý nói trên là vì thiếu sự hiểu biết pháp luật, dẫn đến hàng loạt những hệ lụy, thậm chí có thể mất trắng thành quả nghiên cứu, sáng tạo của mình. Từ những sự kiện pháp lý xảy ra trong thời gian vừa qua, chúng tôi mạnh dạn đưa ra nhận định: Nếu các doanh nghiệp có pháp chế doanh nghiệp, không chỉ tự tin, đủ bản lĩnh mà còn nâng cao vị thế của mình trong các cuộc đàm phán, thương thảo hợp đồng và tự tin bước ra “sân chơi lớn” với đối tác nước ngoài. Qua bài viết này, khuyến nghị của chúng tôi dành cho các doanh nghiệp cần phải có bộ phận pháp chế nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp được phát triển bền vững bởi những lý do sau:

Một là, pháp chế doanh nghiệp giúp bảo đảm các hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo, chủ doanh nghiệp được tiến hành theo đúng quy định pháp luật

Pháp chế doanh nghiệp giúp cho lãnh đạo, chủ doanh nghiệp hệ thống, xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành doanh nghiệp hạn chế sai sót về mặt pháp lý; phát hiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời những sai phạm, thiếu sót; giúp doanh nghiệp xây dựng những chuẩn mực văn hóa, quy tắc ứng xử bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Hai là, pháp chế doanh nghiệp giúp cho lãnh đạo, chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết định đúng đắn khi đầu tư, xúc tiến các quan hệ hợp tác

Tham chiếu quy định tại Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP về tiêu chuẩn của người làm công tác pháp chế, điều kiện để làm công tác pháp chế phải tốt nghiệp cử nhân luật. Từ quy định này, có thể thấy pháp chế doanh nghiệp trước hết phải là những người được đào tạo bài bản về kiến thức pháp luật. Ý kiến tư vấn của người làm pháp chế được đưa ra trên cơ sở đã được nghiên cứu, đánh giá sự phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, dựa vào kiến thức, sự am hiểu và độ nhạy, pháp chế doanh nghiệp có thể có những dự báo, kiến nghị giúp cho các chủ doanh nghiệp nắm bắt được thời cơ. Minh thị cho vấn đề này và từ kinh nghiệm thực tế của chúng tôi, có thể thấy rõ những giao dịch/hợp đồng có sự tham gia từ đầu của pháp chế doanh nghiệp đều được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả và hạn chế những điều khoản bất công bằng trong hợp đồng.

Ba là, pháp chế doanh nghiệp có thể tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp

Pháp chế doanh nghiệp có thể thực hiện tốt vai trò tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, tham mưu cho lãnh đạo, chủ doanh nghiệp lựa chọn các phương án tối ưu khi có các tranh chấp pháp lý với đối tác, nội bộ doanh nghiệp hoặc làm cầu nối giữa lãnh đạo, chủ doanh nghiệp với luật sư và cơ quan nhà nước.

Gợi mở một số mô hình hỗ trợ trong xu thế hội nhập

Mặc dù pháp chế doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nhận ra được điều này nên gần như bộ phận pháp chế doanh nghiệp bị “lãng quên”. Luận giải về vấn đề này, có thể do những nguyên nhân sau:

Một là, đại đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có xu hướng hạn chế chi phí, các hoạt động kinh doanh không quá phức tạp, số lượng nhân sự ít và thường phải “cân đo” vấn đề chi phí nên không có xu hướng tuyển dụng pháp chế doanh nghiệp.

Hai là, một số doanh nghiệp mặc dù hiểu được tầm quan trọng của pháp chế doanh nghiệp nhưng lại không đủ khả năng để chi trả dẫn đến việc không có bộ phận pháp chế doanh nghiệp hoặc chi phí bỏ ra rất ít nên chất lượng khi tuyển dụng không đáp ứng yêu cầu, hoặc tận dụng pháp chế doanh nghiệp kiêm nhiệm các vị trí khác dẫn đến không có đủ thời gian để làm công tác pháp chế.

Ba là, nguồn nhân sự này không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp vì công tác đào tạo cử nhân luật ở các trường đại học thiên về lý thuyết, thiếu mô hình thực hành nên đại đa số cử nhân khi tốt nghiệp chưa thể đảm nhận ngay công tác pháp chế và cần thêm thời gian để học hỏi. Một số sinh viên khi ra trường ý thức phấn đấu chưa cao, khả năng tự nghiên cứu không cao nên không tiếp cận được vấn đề.

Từ thực tế cung cấp các hoạt động tư vấn cho các doanh cũng như giải quyết một số các sự kiện pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua, cũng như thấu hiểu nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp ở Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất ít, thậm chí không thiết lập bộ phận/phòng/nhân viên pháp chế trong doanh nghiệp của mình, chúng tôi đề xuất một số mô hình pháp chế doanh nghiệp có thể hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong xu thế hội nhập toàn cầu và có thể tiết giảm chi phí nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao, cụ thể:

Thứ nhất, sử dụng dịch vụ “phòng pháp chế thuê ngoài” tức ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với các tổ chức hành nghề luật sư cung cấp dịch vụ tư vấn thường xuyên. Việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với việc duy trì một bộ phận pháp chế doanh nghiệp riêng cho mình. Việc sử dụng dịch vụ “phòng pháp chế thuê ngoài” của các tổ chức hành nghề luật sư vừa an toàn lại có thể bảo đảm hoạt động tư vấn pháp lý của doanh nghiệp được thực hiện một cách xuyên suốt và hiệu quả;

Thứ hai, tham vấn ý kiến độc lập của các chuyên gia pháp lý bằng cách ký kết hợp đồng với các luật sư để kiểm soát, đánh giá lại các quan điểm pháp lý một cách độc lập cho doanh nghiệp theo hình thức cố vấn hoặc cộng tác viên.

Thứ ba, thành lập mô hình “câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp” liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới sự chủ trì của hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường tổ chức sinh hoạt định kỳ, chuyên đề trên các nền tảng ứng dụng nhằm đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ tư, các tổ chức hành nghề luật sư cùng phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng các chuyên đề tập huấn nhằm nâng cao ý thức của các chủ doanh nghiệp, góp phần thay đổi thói quen của doanh nghiệp về pháp chế doanh nghiệp, hướng tới việc sử dụng các dịch vụ pháp lý do các tổ chức hành nghề luật sư cung cấp.

Hội nhập, mở cửa kinh tế trong xu thế hiện nay tạo ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ những cơ hội kinh doanh, tiềm năng hợp tác mới cũng đồng nghĩa tạo thêm những gánh nặng pháp lý. Vì thế, bản thân các doanh nghiệp không thể đi ngược lại với sự phát triển của quy luật vận động khi cố tình “bỏ quên” vai trò của pháp chế doanh nghiêp. Dù việc hoàn thiện bộ máy và tổ chức pháp chế doanh nghiệp không thể một sớm một chiều nhưng đây là một vấn đề hết sức cần thiếp cần phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thích nghi kịp thời trong xu thế hội nhập hiện nay.

(1) Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Thị Hồng Bình, Hoạt động pháp chế trong doanh nghiệp nhà nước: Thực trạng và giải pháp, https:// tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoat-dong-phap-che-trong-cac-doanh-nghiep-nha-nuoc-thuc-trang-va-giai- phap-99720.htm, ngày 24/10/2023.

2. Bộ Tư pháp, Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới và kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, 2019.

3. Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

4. Lưu Thị Thu Hương, Nâng cao hiệu quả hoạt động pháp chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay, https://tapchitoaan.vn/nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-phap-che-tai-cac-doanh-nghiep-vua-va-nho-o-viet- nam-hien-nay8208.html, ngày 30/10/2023.

5. https://nld.com.vn/kinh-te/nguy-co-mat-thuong-hieu-gao-st25-20210421221718318.htm, ngày 1/11/2023

6. https://vnexpress.net/bai-hoc-tu-vu-kien-vong-xep-duy-loi-2682365.html, ngày 26/10/2023.

Luật sư LÊ QUANG Y

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Tiến sĩ, Luật sư LÊ THỊ HỒNG THƠM

Giám đốc Công ty Luật TNHH Dương Nữ

Hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng theo pháp luật Việt Nam

Từ khoá : lsvn.vn LSVN