/ Nghề Luật sư
/ Văn phòng Luật sư có được nhận ủy quyền của khách hàng trong giao dịch dân sự?

Văn phòng Luật sư có được nhận ủy quyền của khách hàng trong giao dịch dân sự?

07/10/2022 15:58 |

(LSVN) - Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2022) và Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2022, Luật sư, Thạc sĩ Đào Ngọc Lý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm, Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có bài viết trao đổi quan điểm, ý kiến liên quan đến việc Văn phòng Luật sư (được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) có được nhận ủy quyền của khách hàng trong giao dịch dân sự khi tham gia tố tụng hay không?

Ảnh minh họa.

Trong thời gian qua, nhiều Luật sư và Văn phòng Luật sư (VPLS) bày tỏ sự không đồng thuận, thậm chí phản ứng khá gay gắt việc một số cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận văn bản ủy quyền của khách hàng cho VPLS trong giao dịch dân sự. Đoàn Luật sư TP. Hà Nội mới đây đã nhận được đơn kiến nghị của Văn phòng Luật sư H. về việc Tòa án nhân dân thành phố C. ra quyết định không chấp nhận giấy ủy quyền (được lập tại văn phòng công chứng) của nguyên đơn cho Văn phòng Luật sư H. tham gia hoạt động tố tụng trong vụ án dân sự về tranh chấp tài sản.

Tòa án nhân dân thành phố C. đưa ra quan điểm không chấp nhận giấy ủy quyền này vì cho rằng, theo khoản 1 Điều 33 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 (Luật Luật sư), “Văn phòng Luật sư do một Luật sư thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân”, nên VPLS hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, không có tư cách pháp nhân. Bởi vậy, căn cứ khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 (cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự) và khoản 1 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự) thì VPLS không được đại diện cho nguyên đơn tham gia hoạt động tố tụng tại Tòa án.

Văn phòng Luật sư H. cho rằng, nội dung quyết định của Tòa án nhân dân thành phố C. đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của VPLS khi tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nguyên đơn. Quyết định này sẽ tạo ra một tiền lệ xấu làm hạ thấp vai trò, chức năng xã hội của Luật sư cũng như vai trò của các VPLS. Điều này còn tạo ra sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa loại hình công ty luật và VPLS (mặc dù cả hai loại hình này đều là các tổ chức hành nghề Luật sư và VPLS còn phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của cá nhân Luật sư). 

Cá nhân tác giả cũng hoàn toàn đồng thuận với quan điểm của nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, cần làm rõ việc VPLS được nhận ủy quyền của khách hàng trong giao dịch dân sự khi tham gia tố tụng, theo hướng không nhất trí với quan điểm của Tòa án nhân dân thành phố C., không nhất trí với quan điểm bác bỏ giấy ủy quyền của khách hàng cho VPLS khi tham gia tố tụng dân sự, cụ thể như sau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định “Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự” mà không quy định “Người đại diện chỉ là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự”. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì đối tượng được nhận ủy quyền đại diện trong tố tụng dân sự không chỉ duy nhất có 02 chủ thể là cá nhân và pháp nhân, mà còn có thêm chủ thể khác nữa được quy định như sau: “… tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền”.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ngoài đối tượng là cá nhân, pháp nhân, còn có nhiều chủ thể khác tham gia quan hệ giao dịch dân sự như hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân vẫn được ủy quyền tham gia giao dịch dân sự. Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” mà không quy định “cá nhân, pháp nhân chỉ được ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Theo tinh thần của Bộ luật Dân sự, các chủ thể dân sự được đối xử bình đẳng khi tham gia các giao dịch dân sự mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

Thứ hai, VPLS là tổ chức hành nghề Luật sư được thành lập và hoạt động theo Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn. Theo khoản 1 Điều 39 Luật Luật sư thì một trong các quyền của tổ chức hành nghề Luật sư là “thực hiện dịch vụ pháp lý”. Như vậy, xét về bản chất, trong trường hợp này VPLS đang thực hiện một dịch vụ pháp lý được khách hàng ủy quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, theo khoản 3 Điều 39 Luật Luật sư, VPLS được thuê Luật sư Việt Nam, Luật sư nước ngoài và nhân viên làm việc cho tổ chức hành nghề Luật sư và theo khoản 2 Điều 22 Luật Luật sư, Luật sư được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật. Như vậy, có thể thấy trong vụ việc này Luật sư đang tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện của khách hàng trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý được xác lập giữa VPLS với khách hàng. Nói cách khác, VPLS đang nhận ủy quyền của khách hàng và phân công các Luật sư của VPLS đại diện cho khách hàng tham gia tố tụng dân sự. Cách thức nhận và thực hiện ủy quyền này của VPLS cũng không có gì khác biệt mà về thực chất cũng tương tự như các công ty luật khi nhận và thực hiện ủy quyền từ khách hàng.

Hơn nữa, xét trong mối tương quan với Bộ luật Dân sự, thì Luật Luật sư được hiểu là luật khác, luật chuyên ngành. Bởi vậy, theo nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung” đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ khoản 2 Điều 4 Luật Thương mại năm 2005) và khoản 1, khoản 2 Điều 4 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp nhận ủy quyền như trên, Luật Luật sư sẽ được ưu tiên áp dụng.

Luật sư, Thạc sĩ Đào Ngọc Lý, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý, Phó Chủ nhiệm, Trưởng Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Thứ ba, so sánh việc cá nhân ủy quyền cho Luật sư với việc cá nhân ủy quyền cho VPLS (do Luật sư thành lập là trưởng văn phòng) thì hoàn toàn không có sự khác biệt về bản chất. Thậm chí, VPLS còn được cấp phép hoạt động và chịu sự quản lý của Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền nên xét về khía cạnh nào đó thì tính chịu trách nhiệm còn cao hơn so với đối tượng là cá nhân.

Ngoài ra, pháp luật về dân sự cũng có quy định bên nhận ủy quyền có thể ủy quyền lại cho bên thứ ba thực hiện nghĩa vụ nên VPLS cũng có thể ủy quyền lại hoặc phân công cho các Luật sư thuộc văn phòng mình thực hiện công việc đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Điều đó tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề Luật sư có sự chủ động, linh hoạt và điều chỉnh nhân sự phù hợp để thực hiện công việc kịp thời, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ tư, VPLS và công ty luật là hai loại hình khác nhau về chế độ trách nhiệm tài sản, cụ thể là trách nhiệm vô hạn và trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên, xét ở góc độ hành nghề thì cả hai loại hình này đều là tổ chức hành nghề Luật sư, đều có cùng nội dung lĩnh vực hành nghề như nhau và nội dung này đều được ghi cụ thể và rõ nét trong giấy đăng ký hoạt động do Sở Tư pháp cấp, bao gồm: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; dịch vụ pháp lý khác.

Như vậy, nếu công ty luật có quyền nhận đại diện theo ủy quyền mà VPLS không được nhận ủy quyền thì rõ ràng là không hợp lý, không bình đẳng và không phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ năm, về vấn đề chủ thể là doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại tương tự do quan điểm của một số cơ quan chức năng còn có sự nhầm lẫn, chưa đúng quy định của pháp luật, xâm hại quyền lợi hợp pháp của những chủ thể là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Đơn cử trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi ban hành Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 16/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (có hiệu lực từ ngày 01/3/2017), tại khoản 6 Điều 1 quy định “đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng chỉ gồm cá nhân và tổ chức là pháp nhân” và điểm c, khoản 2 Điều 4 quy định “sau 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thực hiện đóng tài khoản đối với những tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân chưa hoàn thành việc chuyển đổi hình thức tài khoản theo quy định tại điểm b khoản này”. Nội dung không đúng này đã được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp rà soát, phát hiện và chỉ rõ pháp luật hiện hành không có quy định cấm (hay không cho) các tổ chức không có tư cách pháp nhân mở (giao kết hợp đồng) tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời, thông qua vấn đề này, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng cho rằng việc không cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân, trong đó có các chủ thể kinh doanh, tổ chức hành nghề (doanh nghiệp tư nhân, VPLS…) mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng sẽ gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức này trong tổ chức hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng… của hàng chục ngàn doanh nghiệp tư nhân, VPLS. Ngoài ra, việc hạn chế quyền trên cũng không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân.

Bởi vậy, ngày 28/02/2019 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 nói trên (có hiệu lực từ 01/3/2019) đã quy định nhiều nội dung, trong đó có việc bãi bỏ Thông tư số 32/2016/TT-NHNN ngày 16/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trên đây là sơ lược một số ý kiến chia sẻ và quan điểm của tác giả, đồng thuận với các chuyên gia pháp lý có chung quan điểm đề nghị VPLS được nhận ủy quyền của khách hàng trong quan hệ dân sự khi tham gia tố tụng, trừ những nội dung bị cấm theo quy định của pháp luật. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi, chia sẻ của các đồng nghiệp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thống nhất áp dụng vấn đề này trong thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Luật sư và VPLS thực hiện được đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình khi hành nghề, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, cũng như tuân thủ đúng Luật Luật sư và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thạc sĩ, Luật sư ĐÀO NGỌC LÝ

Giám đốc Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Luật sư với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật

Lê Minh Hoàng