/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự 'Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng'

Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự 'Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng'

15/03/2021 02:52 |

(LSVN) - Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. còn có những quan điểm, cách hiểu khác nhau, dẫn đến áp dụng không thống nhất.

Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông, Bắc Kạn  xét xử vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” Ảnh: Thanh Tuyền.

1. Quy định của luật

Từ những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng, TANDTC đã ban hành công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp “một số vấn đề nghiệp vụ”, đã giải thích tình tiết giảm nhẹ TNHS “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” như sau:

Thứ nhất về “phạm tội lần đầu”:

- Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào.

- Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích thì không được coi là phạm tội lần đầu;

- Chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu TNHS nay phạm tội khác thì cũng không xem là phạm tội lần đầu;

- Chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu TNHS trong cùng lần phạm tội sau thì không được coi là phạm tội lần đầu.

Thứ hai “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 3 năm tù;

- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.

Như vậy, Tòa án chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 khi có đủ hai yếu tố “phạm tội lần đầu” và “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Nếu bị cáo phạm tội lần đầu mà không phải thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc ngược lại phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nhưng lần phạm tội này không phải là phạm tội lần đầu thì không áp dụng điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

2. Quan điểm khác nhau khi áp dụng

Kể từ ngày có công văn giải thích “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” việc hiểu và áp dụng được thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết án. Tuy nhiên, thực tiễn việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này trong từng vụ án cụ thể còn có những quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa những người tiến hành tố tụng, dẫn đến việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” không chính xác, nên quyết định hình phạt chưa đạt được mục đích của hình phạt.

Có quan điểm cho rằng: BLHS quy định “các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”. Nghĩa là, nếu các tình tiết giảm nhẹ đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, còn nếu không thuộc dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì áp dụng các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nếu có. Như vậy, nếu bị cáo phạm tội lần đầu (yếu tố thứ nhất như công văn hướng dẫn) và gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy đến 3 năm tù (yếu tố thứ hai) thì phải áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo không phân biệt bị cáo phạm tội gì.

Quan điểm của tác giả: Công văn số 01/2017 đã giải thích rất rõ thế nào là “phạm tội lần đầu” và “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, nhưng không phải bị cáo phạm bất kỳ tội gì nếu bị cáo có đủ 2 yếu tố nêu trên thì áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Cần phải xem xét đánh giá các yếu tố khác. Bởi lẽ, có rất nhiều điều trong BLHS quy định khoản 1 có khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù, nếu hành vi phạm tội kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự trị an xã hội; đối tượng phạm tội được xã hội quan tâm, bảo vệ; hành vi phạm tội của bị can, bị cáo có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; hành vi của bị can, bị cáo vi phạm đạo đức bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ… thì mặc dù bị cáo có đủ hai yếu tố như hướng dẫn của công văn nhưng không áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” cho bị cáo khi quyết định hình phạt.

Ví dụ: Bị cáo Trần Văn A. phạm tội "Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 BLHS. Bị cáo A. phạm tội lần đầu; khoản 1 Điều 146 BLHS có khung hình phạt đến 3 năm tù “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Mặc dù bị cáo A. có đầy đủ 2 yếu tố như công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 hướng dẫn, nhưng vì đối tượng phạm tội trẻ em, được Nhà nước, xã hội và công dân có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ, người phạm tội này gây bức xúc, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ nên A. không được áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

Để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, sức khỏe cho trẻ em và ngăn ngừa loại tội phạm này Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-Tgg ngày 16/5/2017 đề nghị TANDTC, VKSNDTC chỉ đạo Tòa án, Viện kiểm sát các cấp xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Hay như tội "Giết hoặc vứt con mới đẻ” quy định tại Điều 124 BLHS. Khoản 1 Điều 124 BLHS quy định có mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Người mẹ phạm tội lần đầu nhưng đã thực hiện tội phạm xâm phạm vào quyền được sống của con người, đạo đức xã hội, xâm phạm đến những quy định của luật pháp quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Nhà làm luật đã xem xét về khả năng nhận thức và hoàn cảnh của người mẹ, phong tục, tập quán, tư tưởng lạc hậu mới dẫn đến giết con hoặc vứt con dẫn đến chết đã quy định mức cao nhất của tội này là 03 năm và trong trường hợp này người mẹ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ‘‘phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’ bởi vì đối tượng phạm tội được toàn xã hội quan tâm, bảo vệ và hành vi giết hoặc vứt con mới đẻ bị dư luận xã hội đặc biệt lên án.

Đối với tội trộm cắp tài sản. Ví dụ: Nguyễn Văn B. 7 lần thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, trong khoảng thời gian 1 tháng tại một địa phương. Trong đó, có 6 lần trộm cắp tài sản dưới 2.000.000đ (những lần này chưa bị xử phạt hành chính), một lần trộm cắp tài sản có giá trị 40.000.000đ. Tổng tài sản chiếm đoạt là 47.000.000đ và đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn tại địa phương. Như vậy, B đã phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn B. thực hiện hành vi trộm cắp được xác định là “phạm tội lần đầu” và có khung hình phạt cao nhất đến 3 năm tù “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”, nhưng B. đã nhiều lần trộm cắp tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vì vậy Nguyễn Văn B. không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ ‘‘Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’.

Đối với tội “Đào ngũ”: Ví dụ: Trần Văn S. tự ý rời bỏ đơn vị nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, bị đơn vị xử lý kỷ luật về hành vi “đào ngũ”. Sau đó S. tiếp tục tự ý rời bỏ đơn vị và không trở lại đơn vị. S. bị bắt theo lệnh truy nã và bị xét xử về tội “Đào ngũ” theo khoản 1 Điều 402 BLHS. Trong vụ án này, mặc dù Trần Văn S. “phạm tội lần đầu” và “có khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù”, nhưng hành vi của S. đã được đơn vị xử lý kỷ luật, giáo dục, đáng lý ra S. phải lấy đó làm bài học mà rèn luyện, an tâm công tác nhưng S. tiếp tục thực hiện hành vi đào ngũ dẫn đến phạm tội. Hành vi phạm tội của Trần Văn S. đã xâm phạm đến sức mạnh chiến đấu của quân đội, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Do đó, không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ‘‘Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS cho Trần Văn S.

Như vậy, qua phân tích và nêu ra một số ví dụ, quan điểm của tác giả cho rằng dù người phạm tội có đủ hai yếu tố theo hướng dẫn của Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017, cũng không phải áp dụng cho tất cả các tội mà tùy vào từng tội cụ thể. Người phạm tội tuy đủ hai yếu tố “Phạm tội lần đầu” và “Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” nhưng phạm tội với lỗi cố ý, hành vi phạm tội bị dư luận xã hội bức xúc, lên án, đối tượng phạm tội được toàn xã hội quan tâm, bảo vệ hoặc hành vi phạm tội gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội; có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật là dấu hiệu định tội …thì không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” để giảm nhẹ hình phạt.

3. Đề xuất kiến nghị

Cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn để áp dụng thống nhất tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ‘‘phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng’’quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 theo hướng, chỉ áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS này khi thỏa mãn các điều kiện đó là:

- Phạm tội lần đầu;

- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ấy là đến 3 năm tù;

- Không thuộc các trường hợp: Hành vi phạm tội bị dư luận xã hội bức xúc, lên án; đối tượng phạm tội được toàn xã hội quan tâm, bảo vệ hoặc hành vi phạm tội gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội; có tính chất côn đồ, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật là dấu hiệu định tội.

Thạc sĩ LÊ ĐÌNH NGHĨA

Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Theo Tạp chí Tòa án

Từ 15/3, thuê lao động dưới 15 tuổi phải có phiếu lý lịch tư pháp

Lê Minh Hoàng