/ Trao đổi - Ý kiến
/ Về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

Về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015

05/11/2024 06:37 |

(LSVN) - Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt bởi lẽ thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Mặc dù chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu nguồn nguy hiểm cao độ có thể không có lỗi đối với thiệt hại nhưng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc họ có trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong giải quyết các vụ việc vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc nên được nghiên cứu để hoàn thiện trong thời gian tới.

Quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.

Theo đó, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 cũng như các hướng dẫn một số quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.

Tuy nhiên, qua quy định trên, ta có thể hiểu: “Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật chất nhất định do pháp luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người mà con người không thể kiểm soát được một cách tuyệt đối”. Thực tế, việc xác định nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ căn cứ vào khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 mà còn phải căn cứ vào các văn bản và các quy định khác có liên quan.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:  

- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

Thứ hai, thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, có thể hiểu một cách khái quát bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là trách nhiệm của chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ và do hoạt động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi. Có thể nói, quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người bị thiệt hại.

Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Thứ nhất, đó là vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trên thực tế, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một trong những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp, đặc biệt là việc hiểu và vận dụng không được thống nhất.

Thứ hai, tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015, ngoài những loại nguồn nguy hiểm cao độ đã được liệt kê, còn có những loại nguồn nguy hiểm cao độ khác theo quy định của pháp luật. Trong thực tế có những sự vật chưa từng được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng nếu có đầy đủ tính chất của nguồn nguy hiểm cao độ thì có được coi là nguồn nguy hiểm cao độ không. Đây là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau. Ngoài ra, trong thực tế còn xảy ra trường hợp thiệt hại vừa do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra vừa do lỗi cố ý của người bị thiệt hại như vậy thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật thì thú dữ gây thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải đang chịu sự quản lý của một chủ thể nhất định, nếu không có sự quản lí như: ở môi trường tự nhiên, thiên nhiên hoang dã thì trách nhiệm bồi thường không phát sinh, mặc dù tài sản này thuộc sở hữu của Nhà nước. Như vậy, trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây thiệt hại như thú dữ trong rừng tấn công gây thiệt hại cho người đi rừng thì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm bồi thường. Đây cũng được xem là một bất cập trong các quy định của pháp luật, qua đó đặt ra vấn đề đối với nhà nước là cần phải có những biện pháp hợp lý hơn trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên để bảo vệ quyền lợi của nhân dân.

Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện

Một là, về khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ. Trong các quy định chưa có một khái niệm cụ thể về thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê những nguồn nguy hiểm cao độ vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, cần xác định tiêu chí chung để thế nào thì được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Ngoài ra theo thời gian cũng có thể bổ sung thêm các loại nguồn nguy hiểm cao độ để phù hợp với tình hình thực tế.

Hai là, về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Một trong những điều kiện để nguồn nguy hiểm cao độ phát sinh là khi tự thân nó gây thiệt hại. Đây là một điều kiện rất quan trọng, tuy nhiên luật lại không nói chi tiết vấn đề này. Thực tiễn cho thấy khi xét xử, nhiều trường hợp cứ thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Ba là, pháp luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng.

PHẠM VĂN PHƯƠNG
Toà án quân sự Quân khu 7

Các tin khác