Ảnh minh họa.
Về mặt học thuật, Bộ luật Hình sự được xem là luật nội dung, Bộ luật Tố tụng hình sự là luật hình thức. Giữa luật hình sự và luật tố tụng hình sự có mối quan hệ phụ thuộc, trong đó quan hệ pháp luật hình sự quyết định quan hệ pháp luật tố tụng hình sự, nghĩa là: những quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự phải phù hợp với nội dung quy phạm của Bộ luật Hình sự.
Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Nghiên cứu nội dung Phần thứ nhất trong Bộ luật Hình sự năm 2015, ta thấy quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trái với Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời không sát thực tiễn.
Tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Theo nội dung nêu trên, người thực hiện hành vi pham tội chỉ có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi xác định được tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng… sau khi có kết quả điều tra.
Xét trên phương diện lý luận, khởi tố vụ án, khởi tố bị can là biện pháp tố tụng pháp lý ban đầu không thể bỏ qua khi hành vi nguy hiểm có dấu hiệu tội phạm đã xảy ra, bởi lẽ: tội phạm là hành vi nguy cho xã hội, để làm rõ nguyên nhân, động cơ phạm tội; tính chất, mức độ và hậu quả thiệt hại của tội phạm, bắt buộc phải thông qua quy trình điều tra mới có đủ căn cứ kết luận tội phạm thuộc trường hợp ít nghiệm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng; tội phạm do vô ý hoặc cố ý… Nếu không khởi tố điều tra thì không có căn cứ để xác định tính chất, mức độ tội phạm để quyết định khởi tố theo yêu cầu người bị hại.
Về mặt thực tiễn, khởi tố điều tra có những ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất: Mục đích của điều tra không chỉ nhằm để trừng trị kẻ phạm tội, mà còn để tìm ra nguồn gốc xuất phát của tội phạm, nguyên nhân, những bất hợp lý, sơ hở trong quá trình lãnh đạo, quản lý xã hội của chính quyền để chấn chỉnh nhằm tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm tốt hơn. Không tiến hành khởi tố điều tra thì không thể tìm ra những vấn đề nêu trên, do đó tất cả những hành vi nguy hiểm có dấu hiệu tội phạm bắt buộc phải khởi tố điều tra là yêu cầu mang tính khách quan.
Thứ hai: Việc khởi tố điều tra còn là một biện pháp răn đe đối với người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự, có ý nghĩa tác động trực tiếp đến tâm lý người bị điều tra, ngăn ngừa họ tái phạm sau này và cũng để răn đe mọi người…
Với những cơ sở như đã phân tích nêu trên, thiết nghĩ, nên bỏ Điều 155 (Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại) và điều chỉnh một số nội dung có liên quan tại Điều 248 (Đình chỉ vụ án), Điều 157 (Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự) của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cho phù hợp với lý luận và thực tiễn đặt ra.
Luật sư ĐOÀN CÔNG THIỆN
Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang
Hỏi cung bị can theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành