/ Trao đổi - Ý kiến
/ Về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số

Về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số

23/08/2021 23:54 |

(lsvn) - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khi Việt Nam đã ký kết tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thời đại của công nghệ 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, đòi hỏi việc hoàn thiện khung pháp lý về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số càng trở nên cấp thiết.

Ảnh minh họa. 

Luật Sở hữu trí tuệ được thực thi 15 năm và trong bối cảnh phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là môi trường số hóa, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như đáp ứng các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặt ra yêu cầu tổng kết thực tiễn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Nội dung cần sửa đổi, bổ sung

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành gồm 222 điều, trong đó có 15 điều quy định chung, 45 điều quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Qua thực tiễn áp dụng và nghiên cứu, chúng tôi thấy nhiều nội dung cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp điều kiện và hoàn cảnh mới, trong đó gồm các nhóm chính sách lớn về sở hữu trí tuệ, bao gồm: các quy định về quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền lên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, khai thác, phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tăng cường bổ trợ về sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi về sở hữu trí tuệ, đảm bảo thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập. Đây là các nhóm chính sách lớn có ảnh hưởng đến quan điểm, định hướng đối với cả hệ thống sở hữu trí tuệ, từ khâu sáng tạo, xác lập quyền, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, các quy định liên quan đến việc xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản cần được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng, chuyển giao quyền tác giả được thuận lợi, phù hợp với thông lệ chung.

Thứ hai, các quy định về việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước cấp kinh phí cần được quy định rõ ràng và chi tiết, để từ đó khuyến khích cộng đồng nghiên cứu khoa học và phổ biến tri thức từ các kết quả nghiên cứu thành tài sản được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện cho xã hội hóa các tài sản này có ích cho xã hội và nền kinh tế.

Thứ ba, nghiên cứu quy định đầy đủ các thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ theo hướng gọn nhẹ, minh bạch và nhanh chóng nhằm khuyến khích tác giả gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, tạo cơ sở và bằng chứng trong việc xác lập chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm cơ sở cho việc khai thác, sử dụng đúng pháp luật.

Thứ tư, cần rà soát các quy định liên quan đến việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với mức độ cần bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể và một bên là quyền của người sử dụng, người tiếp cận tri thức, công nghệ chung của xã hội.

Thứ năm, xem xét các quy định hỗ trợ theo hướng quy định rõ trách nhiệm, phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết, như cắt giảm các điều kiện kinh doanh phù hợp với quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng chính phủ điện tử và giao dịch qua cổng thông tin dịch vụ quốc gia thuận tiện và hiệu quả.

Thứ sáu, quy định đầy đủ cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả và khả thi, các tranh chấp được xử lý theo quy định của pháp luật; đồng thời các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ phải phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Một số đề xuất cụ thể

Cần quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm vì mục đích phi thương mại không cần phải xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, không phải trả tiền bản quyền như:

Sao chép vì mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cá nhân không nhằm mục đích thương mại, làm tài liệu dùng trong nội bộ cơ quan nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Trích dẫn ý tác phẩm không làm sai ý tác giả để viết báo, chương trình phát sóng thời sự, phim tài liệu, giảng dạy trong nhà trường không nhằm mục đích thương mại. Biểu diễn tác phẩm trên sân khấu, âm nhạc, sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền, cổ động không vì mục đích thương mại.

Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình phát sóng nhằm mục đích đưa tin thời sự mà trong đó có các chương trình được nghe thấy, nhìn thấy; sử dụng các ấn phẩm để minh họa trong các ấn phẩm, bản ghi âm, ghi hình nhằm giảng dạy cho học sinh, sinh viên vì họ không có điều kiện tiếp cận các tác phẩm đó và cũng không nhằm mục đích thương mại; đồng thời, cần quy định việc sử dụng tác phẩm, tác giả phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tác phẩm, tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả cũng như nguồn gốc xuất xứ của tác phẩm, tác giả theo quy định của pháp luật nói chung và Luật Sở hữu trí tuệ nói riêng.

NGUYỄN VĂN LƯƠNG

                                                                    Trường nghiệp vụ 8 T09, Bộ Công an

Làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý về đất đai

Lê Minh Hoàng