Trong một vụ án cụ thể, cáo trạng của viện kiểm sát truy tố X.Q.H về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự, vì từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018 bằng thủ đoạn gian dối, H đã nhận tiền (294 triệu đồng) và hồ sơ của 38 người có nhu cầu học lái xe ô tô để chuyển về cho các cơ sở đào tạo lái xe ô tô thuộc tỉnh T.N. Do H không thực hiện theo thỏa thuận buộc những người gửi tiền cho H phải làm đơn tố cáo, yêu cầu cơ quan điều tra phải khởi tố. Cáo trạng của viện kiểm sát có nêu tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” và khi luận tội tại phiên tòa, kiểm sát viên cũng đề nghị áp dụng tình tiết này.
Luật sư bào chữa cho bị cáo H đề nghị hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” đối với bị cáo H trong trường hợp này, bởi lẽ khoản 2 Điều 52 Bộ luật Hình sự đã quy định “Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Ở vụ án này, bị cáo H lừa đảo nhiều người, nhiều lần (mỗi lần ít nhất là 02 triệu, trung bình từ 06 triệu trở lên, cộng lại mới đến số tiền là 294 triệu đồng. Số tiền này là tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 3 Điều 174 Bộ luật Hình sự luật thì không được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở” lên quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự nữa.
Bảo vệ quan điểm của mình, đại diện viện kiểm sát viện dẫn Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính. Tại điểm 4 Công văn này có nêu:
“Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự”.
Chúng tôi cho rằng, Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao không phải là văn bản được quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp pháp luật ngày 22/6/2015. Mặt khác, về hiệu lực, khoản 1 Điều 3 của Luật này giải thích “Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”.
Về hiệu lực áp dụng, không phải ngẫu nhiên mà phần cuối của Công văn số 64/TANDTC-PC nói trên lại ghi “Trên đây là kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo để các tòa án nghiên cứu tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền”; tức là nó chỉ có ý nghĩa cho những người làm công việc lấy thêm thông tin, nhằm tìm hiểu thêm để học hỏi, nghiên cứu, xử lý công việc cho logic hơn.
Công văn số 64/TANDTC-PC cho rằng “Việc áp dụng khung hình phạt tăng nặng trong trường hợp này là căn cứ vào trị giá tài sản chiếm đoạt, còn việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội, nên hoàn toàn không trái với quy định tại khoản 2 Điều 52 của Bộ luật Hình sự (các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng). Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật như trên còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự), bảo đảm sự phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như các chế định nhân đạo khác đối với người phạm tội”.
Nội dung giải thích trên là không hợp lý, vì Điều 52 Bộ luật Hình sự quy định nhiều tình tiết về nhân thân người phạm tội nếu bị áp dụng sẽ gây hậu quả pháp lý bất lợi cho họ, như: phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội vì động cơ đê hèn, tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Dưới góc độ nghiên cứu và với thái độ cầu thị, mong muốn bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi cho rằng hướng dẫn tại Công văn số 64/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao cần được xem xét lại cho phù hợp.
Luật sư NGUYỄN THÀNH MINH
Đoàn Luật sư tỉnh Tuyên Quang