/ Pháp luật - Đời sống
/ Về vụ tranh chấp hợp đồng 17 năm chưa có hồi kết

Về vụ tranh chấp hợp đồng 17 năm chưa có hồi kết

22/12/2023 10:38 |

(LSVN) - Cách đây 17 năm, năm 2006, nhiều cơ quan báo chí đã dồn dập đưa tin, bình luận về vụ án “Tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” tại 2 lô đất số 32 và 33 khu D3-B1 khu Vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội giữa Công ty TNHH Hồng Lan (Công ty Hồng Lan) do bà Trần Kim Phương làm Chủ tịch và vợ chồng ông Phạm Xuân Mừng và bà Lưu Thị Hoàng Anh.

Tóm tắt nội dung vụ án

Năm 2006, ông Phạm Xuân Mừng và vợ là bà Lưu Thị Hoàng Anh thường trú tại khu tập thể trường Đảng, nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, (244 Đặng Tiến Đông), Hà Nội mua của ông Trần Văn Thơm, cán bộ Công an quận Tây Hồ hai lô đất số 32, 33 diện tích 431m2 khu D3-B1 vườn Đào, đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ. Khi bà Lưu Thị Hoàng Anh đến giao dịch thì ông Thơm cho biết: Nguồn gốc hai lô đất trên là của Công ty Hồng Lan, trụ sở 287 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội trúng thầu.

Ngày 23/02/2004, ông Thơm mua của Công ty Hồng Lan giá 28.500.000 đồng/m2, thành tiền là 12.283.500.000 đồng. Ông Thơm cho bà Hoàng Anh xem Hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa Công ty Hồng Lan với ông Thơm. Ông Thơm còn dẫn bà Hoàng Anh đến Công ty Hồng Lan để xác minh nguồn gốc đất và thông báo bà Hoàng Anh  là người thay ông tiếp tục Hợp đồng.

Sau khi xác minh đúng nguồn gốc và tính pháp lí của hai lô đất, ngày 23/12/2006, bà Hoàng Anh đặt cọc cho ông Thơm 250.000.000 đồng, thỏa thuận từ 23/02/2006 đến 20/01/2007 sẽ thanh toán đủ tiền mua đất cho ông Thơm.

Ngày 06/01/2007, ông Mừng và bà Hoàng Anh chuyển cho ông Thơm 4.111.500.000 đồng, cộng với 250.000.000 đồng đặt cọc là 4.361.500.000 đồng. Cùng ngày, ông Thơm kí hợp đồng kinh tế chuyển nhượng cho ông Mừng và bà Hoàng Anh hai lô đất liện tích 431m2 với giá 30.500.000 đồng/m2, thống nhất thanh toán 13.045.000.000 đồng. Trong hợp đồng nêu rõ ông Thơm có trách nhiệm đưa bà Hoàng Anh đến Công ty Hồng Lan làm thủ tục thanh lí hợp đồng cũ (kí ngày 23/02/2004) và làm lại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sang cho ông Mừng, bà Hoàng Anh. Đồng thời, trong tổng số tiền 4.361.500.000 đồng thỏa thuận, ông Thơm được hưởng chênh lệch 761.500.000 đồng nếu hợp đồng được thực hiện, số còn lại ông Thơm phải trả cho Công ty Hồng Lan. Số tiền mua đất còn lại theo hợp đồng, ông Thơm yêu cầu vợ chồng ông Mừng trả trực tiếp cho Công ty vào tài khoản mới do công ty Hồng Lan cung cấp. Ngày 30/01/2007, bà Hoàng Anh đã chuyển cho Công ty Hồng Lan 3.400.000.000 đồng. Ngày 11/7/2007 bà chuyển tiếp 4.000.000.000 đồng. Số tiền còn lại 1.283.500.000 đồng, ngày 11/7/2007 bà trực tiếp đến Công ty Hồng Lan nộp tiền mặt cho bà Trần Thị Thanh Thủy, kế toán của Công ty (tất cả hồ sơ chuyển tiền, nộp tiền còn lưu đầy đủ) trong hồ sơ vụ án

Như vậy, vợ chồng ông Mừng đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Hồng Lan với tổng số 12.283.500.000 đồng, còn lại 761.500.000 đồng ông Thơm được hưởng theo thỏa thuận.

Sự lật kèo từ phía Công ty Hồng Lan

Tuy nhiên, do giá đất tăng lên (giá cũ: 28.500.000đồng/m2, giá mới 50.000.000đồng/m2) nên mặc dù ông Mừng, bà Hoàng Anh đã thanh toán đầy đủ tiền mua đất theo hợp đồng, Công ty Hồng Lan vẫn nại ra nhiều lí do vô lí để phá vỡ hợp đồng, chiếm đoạt tài sản của người mua, như: Ông Thơm nộp tiền chậm, vi phạm hợp đồng thanh toán tiền, Công ty không thể giao quyền sử dụng đất cho ông Mừng, bà Hoàng Anh vì Công ty Hồng Lan chỉ bán đất cho ông Thơm không biết ông Mừng, bà Hoàng Anh là ai. Những lí do này đều bị các nhân chứng, vật chứng bác bỏ.

Để khẳng định ông Thơm và gia đình ông Mừng nộp tiền chậm, Công ty Hồng Lan còn dùng dấu của thời điểm năm 2010 đóng vào tài liệu các năm 2004-2007 nhằm hợp pháp hóa chứng từ trước cơ quan điều tra. Đây là hành động giả mạo giấy tờ, theo chúng tôi cần được điều tra xử lí nghiêm theo pháp luật.  

Không còn cách nào khác, để bảo vệ quyền lợi của mình, gia đình ông Mừng, bà Hoàng Anh đã khởi kiện vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất" ra Toà. Cả hai cấp tòa án quận Tây Hồ và thành phố Hà Nội đã ra quyết định: Tuyên bố hợp đồng kinh tế số 18/HĐKT-CNQSDĐ ngày 23/02/2004 giữa Công ty Hồng Lan với ông Trần Văn Thơm và hợp đồng kinh tế giữa ông Thơm và bà Lưu Thị Hoàng Anh ngày 6/1/2007 là giao dịch dân sự vô hiệu; Tuyên hủy 2 hợp đồng chuyển nhượng đất nói trên, buộc Công ty Hồng Lan có trách nhiệm hoàn trả cho bà Lưu Thị Hoàng Anh và ông Phạm Xuân Mừng số tiền đã nhận là 12.283.500.000 đồng và tiền bồi thường thiệt hại do lỗi làm hợp đồng vô hiệu là 10.942.000.000 đồng…

Tuy nhiên, ngày 03/12/2021, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 65/2021/KN-DS. Ngày 28/4/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm vụ án này nhận định: Các Hợp đồng chuyển nhượng đất giữa gia đình ông Mừng, bà Hoàng Anh với ông Trần Văn Thơm và Công ty Hồng Lan là hoàn toàn minh bạch, hợp pháp. Gia đình ông Mừng, bà Hoàng Anh đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng hạn việc trả tiền cho Công ty Hồng Lan. Tại Quyết định giám đốc thẩm, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội còn nhận định: “Phải xác định mức độ lỗi của Công ty Hồng Lan dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu là lỗi chính, cơ bản và chủ yếu. Lỗi của bà Hoàng Anh và ông Thơm chỉ là lỗi nhỏ và thứ yếu, và tuyên chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 65/2021/KN-DS ngày 03/12/2021 của Chánh án Toàn án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội; huỷ Bản án dân sự phúc thẩm số 195/2021/DS-PT ngày 14/5/2021 của TAND thành phố Hà Nội và Bản án dân sự sơ thẩm số 31/2020/DS-ST ngày 05/10/2020 của TAND quận Tây Hồ về vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là ông Phạm Xuân Mừng và và Lưu Thị Hoàng Anh với bị đơn là Công ty Hồng Lan, ông Trần Văn Thơm là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Như Hiền và bà Trần Thị Thanh Thuỷ; giao hồ sơ cho TAND quận Tây Hồ xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm theo quy định của pháp luật; cấm Công ty Hồng Lan chuyển dịch quyền về tài sản đối với 2 lô đất 32,33 Khu D3-B1 Vườn Đào nói trên.

Nhưng bà Phương đã chỉ đạo cho Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc công ty là cháu ruột của mình kí Hợp đồng chuyển nhượng hai lô đất số 32, 33 khu D3-B1 cho ông Ngô Thái Sơn, thường trú tại 287, phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội từ năm 2018.

Hy vọng, Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ thấy rõ hơn những vi phạm pháp luật trắng trợn có hệ thống của bà Trần Kim Phương để có phán quyết thấu tình, đạt lí, thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho người bị hại là gia đình ông bà Phạm Xuân Mừng và Lưu Thị Hoàng Anh.

Ngoài vụ việc này, bà Trần Kim Phương còn dính dáng đến nhiều vụ việc gây ầm ĩ dư luận  khác. Với chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục TDS Việt Nam, bà Phương đã đầu tư góp cổ phần để tranh chấp đất đai, tài sản vốn liếng với trường THCS và THPT Newton, dẫn đến kiện cáo nhau phải ra tòa. Kết quả là nhiều đòi hỏi vô lý của bà Phương đối với trường THPT Newton và đã bị TAND quận Bắc Từ Liêm tuyên vô hiệu.

Và đặc biệt mới đây, bà Trần Kim Phương với chức danh Chủ tịch HĐQT Trường cao đẳng ASEAN “có dấu hiệu cấu kết với Nguyễn Quốc Khải, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển giáo dục và y tế Việt Nam và một số nhân viên Bệnh viện quân y 110 tổ chức hợp thức hóa việc tuyển sinh, đào tạo và cấp Bằng Cao đẳng điều dưỡng liên thông cho 125 nhân viên Bệnh viện Quân y 110, trái với quy định pháp luật, gây thiệt hại cho quân đội” (theo Quyết định khởi tố bị can số 17/ QĐ-KTBC ngày 31/5/2022 của Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng). Vụ án đã được Tòa án Quân sự Quân khu I xét xử sơ thẩm từ ngày 30/11 - 08/12/2023 và bà Trần Kim Phương đã bị tuyên phạt 4 năm tù giam.

LÊ HỮU - ĐỖ QUÝ THÍCH

Vụ án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng QSD hai lô đất số 32 và 33 khu D3-B1 khu Vườn Đào (Tây Hồ, Hà Nội): Vì sao một vụ việc đã có 7 bản án vẫn không thể kết thúc?

Nguyễn Mỹ Linh