Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, cái mọi người nhìn thấy và thấu hiểu ở người Luật sư có lẽ chỉ là những giá trị, những ánh hào quang bên ngoài, những sự chỉn chu về tác phong và thái độ làm việc, những lợi ích Luật sư đem lại mà mấy ai biết đằng sau những kết quả to lớn đó là đầy rẫy những khó khăn, vất vả và vô vàn những hi sinh của người Luật sư, nghề Luật sư.
Điều đầu tiên phải kể đến là quá trình học tập và thi cử vô cùng gian nan của người Luật sư. Nghề Luật sư là một nghề khó, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, bởi đây là nghề tốn nhiều chi phí và đòi hỏi cần có một trình độ cao, am hiểu sâu rộng. Mức độ khó được thể hiện thông qua quá trình đào tạo lâu dài, thời gian tập sự nhất định và các Luật sư phải trải qua một kỳ thi cấp quốc gia để có chứng chỉ Luật sư.
Tại Việt Nam, con đường trở thành một Luật sư nếu thuận lợi, suôn sẻ ít cũng phải trải qua 7 năm rưỡi đến 8 năm mới được chính thức hành nghề. Thời gian đó bao gồm: 4 năm học Đại học để trở thành cử nhân, 1 năm học đào tạo ở Học viện Tư pháp, 1 năm tập sự tại các văn phòng, công ty luật, thời gian chờ đăng ký thi (Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức 01 năm 02 lần thi). Sau khi đủ điều kiện đăng ký thi, người tập sự còn phải trải qua một kỳ thi nghiêm túc và khốc liệt với tỉ lệ đậu thấp. Tại Việt Nam, đã từng có nhiều trường hợp trượt nhiều lần, thậm chí đến 10 lần vẫn chưa đạt. Như vậy, để được công nhận là Luật sư thì cần phải có những trình độ, kiến thức nhất định và phải trải qua nhiều vất vả, khó nhọc chứ không phải là nhàn hạ. Thậm chí, ngay cả khi đã trở thành Luật sư, các Luật sư vẫn luôn luôn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, học tập các kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân mình trước sứ mệnh nghề nghiệp, đặc biệt là các Luật sư trẻ.
Khó khăn thứ hai là quá trình học tập, thi cử để trở thành Luật sư tốn kém nhiều chi phí. Chi phí cho việc học và thi cử lên tới hàng trăm triệu. Chưa kể hàng năm các Luật sư còn phải đóng phí thành viên.
Bị gây khó dễ, cản trở trong khi hành nghề là một trong những khó khăn lớn của người Luật sư. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn có những tư tưởng, suy nghĩ, cách làm việc cũ, lạc hậu nên rất e ngại khi Luật sư tham gia vào các hoạt động hành chính, tư pháp. Họ chưa hiểu hết giá trị trong hoạt động hành nghề Luật sư, coi nhẹ sự có mặt của Luật sư trong các quan hệ hành chính pháp lý. Bởi vậy, nhiều người tìm cách lảng tránh, thậm chí gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động hành nghề Luật sư. Không ít trường hợp, các cán bộ, công chức đã có hành vi “xúi giục” người dân “từ chối”, không nhờ Luật sư bảo vệ quyền lợi.
Tư duy nhận thức của người dân vẫn chưa thấu hiểu Luật sư, không hiểu hết được giá trị và những lợi ích mà Luật sư đem lại, đâu đó họ vẫn có cái nhìn dò xét và hoài nghi cũng là một trong những khó khăn, rào cản lớn để Luật sư thực hiện công việc. Cũng giống như nghề Bác sĩ, Luật sư cần vận dụng toàn bộ các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để “chẩn đoán” căn bệnh pháp lý của khách hàng, từ đó đưa ra “phác đồ điều trị” cho phù hợp nhất và hiệu quả nhất. Không có một bệnh nhân nào khi đến bệnh viện khám mà đưa ra yêu cầu Bác sĩ cam kết phải chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân. Nhưng hầu hết và đa số “bệnh nhân pháp lý” khi tìm đến Luật sư là yêu cầu Luật sư phải cam kết thắng, cam kết kết quả, hứa chữa “khỏi vấn đề”. Đây là một thực trạng diễn ra vô cùng phổ biến khi khách hàng không hiểu về nghề Luật sư và tính chất, công việc của những Luật sư. Bởi vậy, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư đã có những quy định cấm các Luật sư hứa hẹn trước kết quả. Vậy mà khi giải thích về điều đó, vẫn còn nhiều khách hàng “chưa thoải mái” trước sự không hứa hẹn của những Luật sư.
Bên cạnh đó, không ít khách hàng cho rằng phí Luật sư là cao, là đắt. Nhưng họ không biết rằng: Để có thể “bắt đúng mạch bệnh” và “kê đơn thuốc” cho những vướng mắc pháp lý đó, Luật sư phải 10 năm, 20 năm cho việc học tập và tích lũy kinh nghiệm cùng với rất nhiều chi phí để có thể làm được điều đó, chưa kể trong quá trình bảo vệ khách hàng, khối lượng công việc Luật sư phải làm là rất nhiều cùng với thời gian theo đuổi 1 vụ việc ít cũng 1 năm, không thì thông thường cũng mất vài năm, thậm chí hàng chục năm.
Nghề Luật sư là một nghề đầy rẫy những nguy hiểm, khó khăn chực chờ. Để làm được nghề Luật sư, nhiệm vụ của Luật sư không chỉ là phải bảo vệ công lý, bảo vệ thân chủ mà quan trọng nhất còn phải bảo vệ chính mình. Không ít trường hợp Luật sư đã bị hành hung ngay tại phiên tòa, bị tấn công và trả thù trong quá trình hành nghề.
Trong cuộc sống, Luật sư cũng là những công dân bình thường, cũng đầy ắp những nỗi lo toan về gia đình cuộc sống. Xác định đến với nghề, là xác định phải hi sinh việc chăm lo gia đình. Hầu hết các Luật sư thường không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Với khối lượng công việc nhiều, tính chất công việc phải thường xuyên đi lại, câu chuyện nay đây mai đó đối với người Luật sư là điều dễ hiểu.
Có quá nhiều góc khuất, những gian nan, vất vả, khó khăn nguy hiểm mà Luật sư phải đối mặt, hi sinh khi hành nghề. Không ai thấu, không ai hiểu, chỉ có chính bản thân và người thân của Luật sư mới hiểu được những gian truân, khắc nghiệt của nghề là như thế nào. Chẳng vậy mà nếu không có niềm đam mê mãnh liệt, sự nghiêm túc, chăm chỉ và hy sinh thì không thể theo đuổi được nghề Luật sư, hoàn thành sứ mệnh mà nhà nước, người dân giao cho.
Phát biểu về cái vui, cái khó của nghề, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm bộc bạch: “Phải thú thực, trong nghề Luật sư, càng đi lâu, càng đi dài, càng phát hiện ra có rất nhiều niềm vui, bên cạnh đó cũng vô khối nỗi buồn”.
Luật sư ĐOÀN THỊ PHƯƠNG THẢO
TAT Law Firm