(LSVN) - Việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo là cần thiết, vừa đảm bảo quyền tố cáo, vừa khuyến khích được công dân tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống, đây là các biện pháp cần thiết được quy định khá đầy đủ và chặt chẽ trong nhiều điều luật tại Luật Tố cáo, đặc biệt là tại Chương VI dành hẳn một chương quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Ảnh minh họa.
Luật Tố cáo năm 2018 tại Điều 6 đã quy định trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết tố cáo. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp với người giải quyết tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo thẩm quyền; xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo kết luận nội dung tố cáo; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.
Đặc biệt tại khoản 8, Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo có quy định “Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo”; nghiêm cấm cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo “Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo” (khoản 6 Điều 8 Luật Tố cáo).
Theo điểm e, khoản 1, Điều 9 Luật Tố cáo thì người tố cáo có quyền “Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo”. Sau khi có yêu cầu bảo vệ của người tố cáo thì người giải quyết tố cáo phải xem xét “Áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo” theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 11 Luật Tố cáo
Đối với trường hợp được yêu cầu bảo vệ tố cáo thì tại Điều 47, Luật Tố cáo năm 2018 quy định về việc bảo vệ và phạm vi được bảo vệ đối với người tố cáo. Trong đó, bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1, Điều 47, Luật Tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Còn đối với trường hợp không yêu cầu được bảo vệ tố cáo, quy định pháp luật cũng nêu rõ việc bảo vệ người tố cáo là việc làm cần thiết, nếu việc tố cáo khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1, Điều 47, Luật Tố cáo đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc kể cả người tố cáo không đề nghị, nhưng cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo nhận thấy vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người họ có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì vẫn có quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ họ; mà không cần có đơn yêu cầu.
Ngoài ra, theo Điều 49, Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Theo đó, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo. Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người được bảo vệ. Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ.
Các biện pháp bảo vệ bao gồm: Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin; Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm; Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm được quy định lần lượt tại các Điều 56, 57, 58 Luật Tố cáo năm 2018.
Trước đó, ngay khi kết quả kỳ thi vào lớp 10 của tỉnh Thái Bình được công bố, nhiều phụ huynh, giáo viên, thí sinh bất ngờ bởi điểm số không phản ánh đúng kết quả bài làm.
Khi có kết quả chấm phúc khảo bài thi, dư luận tại địa phương lại tiếp tục xôn xao trước việc điểm các môn chênh lệch rất cao so với điểm được chấm lần 1. Nhiều phụ huynh đã gửi đơn tố cáo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, cùng những người liên quan đến công tác tuyển sinh trong kỳ thi vào lớp 10 đến UBND tỉnh Thái Bình. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình, sau khi tố cáo điểm thi cao bất thường so với điểm thi trước đó, bà P.T.D. (trú tại huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã có đơn đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Trả lời đề nghị của bà D., Thanh tra tỉnh Thái Bình đã có phúc đáp. Theo đó, Thanh tra tỉnh Thái Bình đề nghị bà D. nếu có đủ căn cứ về việc tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của bà và người thân đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm phạm hay bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo thì có văn bản đề nghị và cung cấp chứng cứ cho cơ quan Công an để xem xét áp dụng biện pháp bảo vệ theo quy định. Liên quan đến vụ việc trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra đột xuất việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở GD&ĐT và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức kỳ thi lớp 10 vừa qua. UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Viết Hiển, từ ngày 31/7 để phục vụ thanh tra việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10. Thời hạn tạm đình chỉ công tác là 15 ngày. Theo quyết định, trong thời gian thanh tra, ông Nguyễn Viết Hiển có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan theo yêu cầu của trưởng đoàn thanh tra và cấp có thẩm quyền. |
Luật sư HÀ THỊ KHUYÊN
Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Luật Dẫn độ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đối với tội phạm