Luật Dẫn độ sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đối với tội phạm

05/08/2024 14:30 | 1 tháng trước

(LSVN) - Dự thảo Luật Dẫn độ do Bộ Công an đang xây dựng có nhiều nội dung tiến bộ, mang tính quốc tế, tăng cường công tác ngoại giao giữa Việt Nam với nước ngoài và đảm bảo công tác truy cứu trách nhiệm hình sự của Việt Nam ngày càng nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Ảnh minh họa.

Trước tình hình nâng cao phát triển hội nhập quốc tế ngày nay thì tình trạng tội phạm truy nã xuyên quốc gia ngày càng có dấu hiệu gia tăng, việc sửa đổi, bổ sung các bộ quy định về dẫn độ tội phạm trong và ngoài nước là một nhiệm vụ quan trọng cần phải được hoàn thành với tỉ lệ cao nhất có thể, không chỉ để nhằm điều chỉnh các mối quan hệ trong thời điểm hiện tại mà còn phải bao quát được các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai.

Dự thảo Luật Dẫn độ do Bộ Công an đang xây dựng có nhiều nội dung tiến bộ, mang tính quốc tế, tăng cường công tác ngoại giao giữa Việt Nam với nước ngoài và đảm bảo công tác truy cứu trách nhiệm hình sự của Việt Nam ngày càng nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm.

Tại Dự thảo Luật Dẫn độ có bổ sung một nguyên tắc mới là nguyên tắc có qua có lại khi tiến hành dẫn độ với các quốc gia chưa ký điều ước quốc tế với Việt Nam. Nguyên tắc có qua có lại được áp dụng với điều kiện không trái pháp luật Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc có qua có lại này nếu chỉ hiểu theo quy định hiện hành thì sẽ làm phát sinh nhiều tình huống vướng mắc khó giải quyết trên thực tiễn.

Một trong những trường hợp đặc biệt có thể kể đến như người nước ngoài là tội phạm bị truy nã bởi hành vi vi phạm pháp luật ở nước ngoài trốn qua Việt Nam và bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ về hành vi phạm tội thực hiện ở lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp này thì theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người này vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng, nếu như nước ngoài có yêu cầu dẫn độ cá nhân này và giữa Việt Nam với nước này chưa ký kết điều ước quốc tế thì các bên phải áp dụng nguyên tắc có qua có lại, điều này lại càng khó khăn hơn nếu hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam được quy định mức án tối đa là tử hình như ở nước ngoài yêu cầu không được tử hình thì giữa hai quốc gia không thể đi đến được sự thống nhất chung. Dự thảo Luật Dẫn độ hiện đang giao trách nhiệm xây dựng trình tự, thủ tục áp dụng nguyên tắc có qua có lại cho Chính phủ chứ chưa được quy định rõ trong Dự thảo, đây là nội dung rất quan trọng, xét thấy cần phải Luật hóa các quy định trong chính các điều khoản của Luật Dẫn độ, để từ đó tạo điều kiện cho việc thi hành pháp luật đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã chỉnh sửa và quy định chi tiết về quyền từ chối dẫn độ của Việt Nam hơn so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp 2007. Dự thảo Luật phân rõ 02 điều khoản quy định về các trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam “sẽ từ chối” dẫn độ và “có thể từ chối” dẫn độ. Quy định này tạo được tính chủ động cho phía cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong việc quyết định trong việc có dẫn độ theo yêu cầu của nước ngoài hay không.

Tuy nhiên, quy định về quyền từ chối dẫn độ vẫn còn không rõ ràng do quy định hiện nay của Dự thảo Luật chỉ mới nêu Cơ quan Trung ương của nước Việt Nam là Bộ Công an ra thông báo từ chối dẫn độ mà không cần Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ, thế nhưng tại điều khoản về tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ vẫn chưa quy định về quyền ra thông báo từ chối của Bộ Công an. Đây là một trong những điểm còn thiếu sót còn phải hoàn thiện hơn để tăng hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tế.

Ngoài ra, quy định về trình tự, thủ tục dịch thuật và việc chứng thực các tài liệu được dịch thuật được thực hiện được quy định tại Dự thảo Luật theo hướng tuân theo quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước được yêu cầu dẫn độ. Tuy nhiên, nếu giữa quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước được yêu cầu dẫn độ trên thực tế có sự khác nhau thì việc tiến hành dịch thuật theo pháp luật của nước được yêu cầu dẫn độ có thể dẫn đến tình trạng chậm trễ trong công tác dịch thuật, kéo theo việc chậm trễ khi làm hồ sơ yêu cầu dẫn độ.

Do đó, để có thể tăng tính linh hoạt của quy định trên thực tế và đảm bảo quy trình hồ sơ theo đúng thời hạn giải quyết được quy định bởi pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài thì nên sửa đổi quy định này theo hướng cho phép các bên lựa chọn áp dụng pháp luật của một bên để thực hiện việc dịch thuật và chứng thực tài liệu được dịch thuật.

Về điều khoản quy định về quy trình quá cảnh khi dẫn độ, Dự thảo Luật chỉ mới quy định trường hợp vì lý do bất khả kháng mà phương tiện vận chuyển buộc phải quá cảnh lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì phải thông báo ngay cho Cơ quan Trung ương về dẫn độ của Việt Nam.

Tuy nhiên, để đảm bảo về vấn đề an toàn, bảo toàn về chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự, thì việc thông báo này phải được thực hiện trước khi phương tiện vận chuyển vào lãnh thổ của Việt Nam.

Việc thông báo trước khi vào lãnh thổ Việt Nam là hoàn toàn hợp lý vì quá trình thực hiện dẫn độ sẽ luôn được giám sát chặt chẽ và được thông báo cho cả nước yêu cầu và nước được yêu cầu biết về quá trình dẫn độ.

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Dẫn độ, nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ đồng bộ, hiện đại, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với quốc tế; nâng cao hiệu quả truy bắt những người thực hiện hành vi phạm tội rồi bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.

Theo Bộ Công an, dẫn độ góp phần giải quyết các vụ án hình sự mà tội phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam. Từ năm 2018 đến nay Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 41 yêu cầu dẫn độ nước ngoài gửi đến, và chuyển 95 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến nước ngoài.

Bộ Công an đánh giá, quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 đã bộc lộ 07 hạn chế, sau 15 năm thi hành.

Trong đó, Luật TTTP điều chỉnh chung cả 04 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng và bộ ngành phụ trách riêng, nên việc áp dụng chung luật như hiện tại, là bất cập.

Luật TTTP chưa đáp ứng yêu cầu mới do sự phát triển trong từng lĩnh vực, thiếu những quy định cụ thể phù hợp cho từng trường hợp; chưa có quy định về trình tự, thủ tục để dẫn độ, thủ tục dẫn độ đơn giản, quá cảnh dẫn độ và áp dụng các biện pháp ngăn chặn...

Hiện, nhiều nước đã xây dựng luật dẫn độ riêng, trong khi quy định dẫn độ ở Luật TTTP nước ta chưa tương thích với pháp luật, điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế.

Ví dụ, luật hiện hành không quy định biện pháp "bắt khẩn cấp" (bắt trước khi nước yêu cầu dẫn độ đưa ra yêu cầu chính thức), nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn. Trong khi theo thông lệ quốc tế và nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết, đều có quy định này.

Một số quy định của Luật TTTP chưa dự báo được hết các vấn đề có thể phát sinh như: trường hợp người bị dẫn độ là công dân Việt Nam bị nước ngoài yêu cầu dẫn độ để thi hành án, trường hợp người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn khỏi Việt Nam trước khi có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn...

Do đó, Bộ Công an xây dựng Luật Dẫn độ nhằm hoàn thiện pháp luật về dẫn độ đồng bộ, hiện đại, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với quốc tế, nâng cao hiệu quả truy bắt những người thực hiện hành vi phạm tội rồi bỏ trốn ra nước ngoài.

Dự kiến, Bộ Công an sẽ trình Chính phủ dự án Luật Dẫn độ trong tháng 01/2025.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

Ủy viên Ban Thường vụ

Chủ nhiệm Cơ quan Truyền thông Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Đề xuất sửa quy định về hoạt động và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán