Ảnh minh họa.
Thẩm quyền ban hành lệnh trích xuất
Khi muốn trích xuất bị cáo để tham gia phiên tòa xét xử vụ án hình sự, Tòa án phải gửi Lệnh trích xuất cho Cơ quan Thi hành án hình sự, Trại Tạm giam, Trại giam, Nhà tạm giữ. Tùy từng trường hợp sẽ phải gửi cho các chủ thể nêu trên các văn bản khác đi kèm như Quyết định áp giải, Công văn đề nghị, Lịch phiên tòa…
Trong trường hợp bị cáo đang bị tạm giam (không phải phạm nhân), lúc này Tòa án phải ban hành và gửi Lệnh trích xuất cho Trại Tạm giam, Nhà tạm giữ. Vấn đề này đã được quy định tại Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015. Tuy nhiên, về thẩm quyền ký Lệnh trích xuất, Điều 20, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam chỉ quy định “Việc trích xuất chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và Luật này”. Trong đó, rà soát các quy định của các văn bản này đều không quy định ai là người có thẩm quyền ban hành Lệnh trích xuất. Trong khi đó, đối với Quyết định áp giải thì BLTTHS lại quy định rất cụ thể là “Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa”.
Điều này dẫn đến tình trạng có lệnh trích xuất do Chánh án, Phó Chánh án ký; có lệnh trích xuất lại do Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ký. Từ đó, gây ra tình trạng không thống nhất trong thực tiễn, thậm chí khó khăn trong công tác phối hợp do yêu cầu khác biệt của các cơ quan hữu quan khác nhau. Theo quan điểm của tác giả, Lệnh trích xuất do Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ký ban hành là phù hợp bởi xuất phát từ nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tính thuận tiện, không có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động giải quyết án và hoạt động của các Cơ quan khác.
Về thời hạn ban hành và gửi Lệnh trích xuất
Hiện nay, xuất phát từ việc chưa có quy định về thời hạn ban hành và gửi Lệnh trích xuất nên cũng có rất nhiều khác biệt trên thực tế. Trong đó, ghi nhận nhiều nhất trên thực tiễn là Lệnh trích xuất sẽ do Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa ký ban hành và sẽ tiến hành giao, gửi cùng ngày với Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Tác giả thấy điều này là phù hợp, bởi khi ban hành được Quyết định đưa vụ án ra xét xử có nghĩa thành phần triệu tập, thời gian, địa điểm xét xử đã được ấn định cụ thể. Đây cũng chính là những thông tin cần thiết ghi trong Lệnh trích xuất. Do đó, vừa bảo đảm tính chính xác, vừa bảo đảm cơ quan hữu quan có thời gian để bố trí, sắp xếp thực hiện việc trích xuất. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp Lệnh trích xuất được ban hành sau, gần sát ngày xét xử. Chính vì không có quy định, nên cũng không thể nói việc ban hành vào thời gian nào là đúng, là sai. Nhưng xét trên yếu tố hợp lý, tác giả thấy Lệnh trích xuất cần được ban hành và giao, gửi cùng với Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trường hợp bị cáo bị TAND xét xử, án chưa có hiệu lực (chưa phải là phạm nhân) đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ, Trại Tạm giam Công an
Khi Tòa án Quân sự muốn trích xuất bị cáo này để xét xử thì gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như trường hợp án đã có hiệu lực, bị cáo đã chấp hành án thì việc trích xuất được thực hiện theo Điều 40, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra lệnh trích xuất đối với phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam hoặc phạm nhân do cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trực tiếp quản lý” và khoản 4, Điều 4, TTLT số 01/2020/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC thì: “Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cấp quân khu, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cấp khu vực khi có yêu cầu trích xuất phạm nhân thì gửi văn bản đến Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cơ quan yêu cầu trích xuất có trụ sở để ra lệnh trích xuất hoặc đề nghị ra lệnh trích xuất”.
Tuy nhiên, nếu trường hợp Tòa án quân sự cần trích xuất bị cáo không phải phạm nhân và đang bị tạm giam ở Nhà tạm giữ, Trại Tạm giam Công an thì rất khó khăn. Lúc này, trình tự, thủ tục đề nghị như thế nào; ai là người thi hành Lệnh trích xuất, áp giải; thời hạn như thế nào để bảo đảm nằm trong thời hạn từ khi đề nghị đến khi mở phiên tòa. Đó là những vấn đề chưa được quy định. Theo tác giả, trình tự, thủ tục và các chủ thể thực hiện trong trường hợp này cần làm tương tự quy định về trích xuất phạm nhân sẽ phù hợp và bảo đảm các yếu tố.
Một số vướng mắc nêu dù cho trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết như thế nào cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án hình sự của Tòa án. Do đó, để khắc phục điều này, bảo đảm tính thống nhất thì cần có văn bản hướng dẫn, giải đáp nghiệp vụ từ các cơ quan Trung ương, bảo đảm thuận lợi trong trích xuất bị cáo phục vụ việc xét xử của Tòa án.
VĂN LINH
Tòa án Quân sự khu vực Hải quân
Một số ý kiến đóng góp đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản