/ Pháp luật - Đời sống
/ Vô ý mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông xử lý thế nào?

Vô ý mở cửa xe ô tô gây tai nạn giao thông xử lý thế nào?

12/09/2023 18:53 |

(LSVN) - Theo Luật sư, hành vi mở cửa xe thiếu chú ý quan sát và không đảm bảo an toàn của tài xế xe ô tô thường là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm và ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Ảnh minh họa.

Mở cửa xe ô tô là một thao tác căn bản của người sử dụng loại phương tiện này và đã có không ít người tỏ ra thiếu cẩn trọng, dẫn đến các tai nạn đáng tiếc cho bản thân và người khác.

Đây có thể được xem như "họa vô đơn chí" đối với an toàn của người tham gia giao thông và sự bất cẩn của người điều khiển xe ô tô khi tham gia giao thông.

Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hành vi mở cửa xe thiếu chú ý quan sát và không đảm bảo an toàn của tài xế xe ô tô thường là những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới nhiều vụ tai nạn thương tâm và ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Theo quy định hiện nay, trong trường hợp các cơ quan chức năng qua điều tra xử lý thu thập đủ căn cứ xác định được tài xế xe ô tô đang đỗ mở cửa thiếu chú ý quan sát, không đủ điều kiện an toàn nhưng vẫn mở cửa dẫn đến tai nạn chết người thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với tài xế xe ô tô do hành vi mở cửa bất cẩn gây ra tai nạn về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì cấu thành tội phạm này. Khung hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Chủ thể của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" này là những người tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người tham gia giao thông đường bộ được quy định tại khoản 22, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ gồm: Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ, bao gồm tất cả những người tham gia giao thông đường bộ.

Cũng theo Luật sư, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, tại điểm đ, khoản 2, Điều 18, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn”. 

Vì vậy, mà hành vi mở cửa xe thiếu chú ý quan sát và không đảm bảo an toàn của tài xế xe ô tô thường là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm.

Theo quy định tại Điều 601, Bộ luật Dân sự năm 2015 phương tiện giao thông vận tải cơ giới được xem là nguồn nguy hiểm cao độ, nên chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp như: thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài bị xem xét trách nhiệm hình sự, tài xế vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591, Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản bồi thường bao gồm chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

NGUYỄN QUÝ

Cảnh báo bẫy lừa đảo qua hình thức góp vốn, đầu tư

Nguyễn Hoàng Lâm