Nhắc lại vụ xô xát
Ngày 31/8/2023 Tạp chí Luật sư Việt Nam có bài Vụ 'Cố ý gây thương tích' tại Ninh Thuận: Liệu giám định pháp y có 'sai 01 ly đi 01 dặm'?, phản ánh việc 1 vết thương nhưng có nhiều kết luận về cơ chế hình thành khác nhau song cơ quan điều tra không tiến hành thực nhiệm, đối chất để làm rõ...
Theo Công an và Viện KSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), tối 24/4/2022, do mâu thuẫn từ trước nên nhóm của Ngô Quang Trường (ngoài Trường có Đăng Khoa, Nam, Giỏi, Thọ, Phong, Quang, Quốc, Anh, Phương, Long, Chí, Nhật Huy,...) khi thấy nhóm của Phạm Quang Nghĩa (gồm Nghĩa, Hậu, Trường Huy, Đình Huy, Đạt và Quốc Khoa) đi ngang quán OH thì Trường cùng vài thanh niên trong nhóm lấy xe máy đuổi theo. Lúc Trường chở Đăng Khoa đi được 7-8m thì gặp xe (loại bánh căm) của Quốc Khoa chở Hậu quay ngược lại. Hậu dùng bình hơi cay xịt về phía Trường, rồi bỏ chạy.
Chạy đến bãi giữ xe của quán OH thì xe của Quốc Khoa bị Phương dùng xe máy tông trúng đuôi khiến Hậu ngã xuống, chân phải mắc vào bánh sau và bị kéo lê khoảng 2m thì ngã hẳn. Lúc này Phong, Long, Quang, Nam, Anh, Chí chạy đến dùng tay chân và mũ bảo hiểm đánh Hậu. Giỏi thấy các bạn đánh Hậu thì cầm 1 con dao cùng Quốc chạy ra rồi dùng chân đạp vào người Hậu. Còn Quốc dùng mũ bảo hiểm đánh Hậu 2-3 cái. Thấy bạn bị đánh, Nghĩa chở Đạt chạy tới. Đạt dùng bình hơi cay xịt vào nhóm đang đánh Hậu thì bị Trường dùng xe tông làm cả 2 ngã, bỏ chạy. Sau đó Trường tông xe tiếp vào hông Hậu.
Trong lúc Hậu bị đánh thì Huy, Thọ, Đăng Khoa đứng canh để các bạn đánh Hậu. Lúc này, Trường Huy chở Đình Huy chạy tới. Trường Huy lấy bình hơi cay xịt về nhóm đang đánh Hậu rồi bế Hậu lên xe chở đi cấp cứu.
Một vết thương 3 cơ chế hình thành
Qua các lần giám định, thương tích của Hậu đều được kết luận giống nhau: Gẫy 1/3 dưới 2 xương chày - mác và mẻ xương gót chân bên phải, khiến phải mổ (tỷ lệ thương tật 34%). Tuy nhiên, cơ chế hình thành thương tích lại khác nhau. Cụ thể, Trung tâm Giám định Y khoa - Pháp y tỉnh Ninh Thuận kết luận vết thương "do vật sắc gây nên". Sau đó cũng đơn vị này lại khẳng định vết thương 1 phần "do tác động với vật tày gây ra". Trước khiếu nại của gia đình các bị can Công an TP. Phan Rang - Tháp Chàm phải ra quyết định trưng cầu giám định lại và Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. HCM xác định: "Thương tích của nạn nhân Hậu là do vật tày có cạnh trực tiếp gây nên". Hơn thế, kết luận của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP.HCM còn nêu rõ: "Trong trường hợp chân phải của Hậu bị mắc kẹt vào bánh sau bên phải của mô tô loại Wave, bánh căm và kéo lê đi, có thể gây ra các thương tích trên"!
Vậy là, 1 vết thương có nhiều cơ chế hình thành khác nhau: Khi thì do vật sắc, lúc lại do vật tày cùng vật sắc, và sau cùng, do vật tày có cạnh gây ra!
Theo một số Luật sư tại TP. HCM, kết quả giám định của Phân viện Pháp y Quốc gia là thỏa đáng. Hậu bị thương là do mắc chân phải vào bánh sau xe máy rồi bị kéo lê đến 2m (sau đó mới ngã hẳn xuống đường). Đây là cơ chế xác đáng hình thành thương tích (phù hợp với kết luận điều tra của Công an và cáo trạng của Viện KSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm: Chân của Hậu mắc vào bánh xe, bị kéo lê 2m). Bởi thế, Cơ quan điều tra khẳng định nạn nhân bị các đối tượng "dùng vật tày và vật sắc đánh gây ra các thương tích với tỷ lệ tổn thương 34%" để khởi tố rồi truy tố 13 bị can trong nhóm của Trường theo điểm c, khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự (có mức án cao nhất lên đến 10 năm tù) là không đúng với tình tiết khách quan của vụ án và trái với cơ chế hình thành vết thương.
"Cáo trạng không chứng minh được vật sắc gây ra vết thương là gì, ai sử dụng vật sắc ấy,... thì rất cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ, tránh oan sai", ông Nguyễn Hữu Đức, cha của bị can Nguyễn Hữu Thọ nói.
Các Luật sư cũng nêu thắc mắc, nếu cho rằng vết thương do vật sắc gây ra thì vật sắc đó là gì? Ai sử dụng và sử dụng ra sao, khi nào?... Để làm rõ điều này Cơ quan điều tra phải thực nghiệm hiện trường và tổ chức đối chất giữa các bị can, bị hại. Thế nhưng, thật khó hiểu, cả 2 tác nghiệp rất cần thiết trong hoạt động tố tụng nói trên đã không được tiến hành!
Vì sao không trả lại hồ sơ?
Ngày 23/10/2023, TAND TP. Phan Rang - Tháp Chàm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định này đã bị gia đình các bị cáo khiếu nại và yêu cầu Tòa trả hồ sơ để dựng lại hiện trường, tổ chức đối chất. Đồng thời, làm rõ ai đã dùng vật sắc và cụ thể là vật gì, để gây vết thương cho Hậu,...
Quyết định đưa vụ án ra xét xử của TAND TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Cơ sở pháp lý của việc yêu cầu trả hồ sơ được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 280, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
"1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung khi:
a) Thiếu chứng cứ dùng để chứng minh 1 trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa"...
Trong khi, Điều 85 nêu: "Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích và động cơ phạm tội".
Thực tế, kết luận của Cơ quan điều tra đã không làm rõ có hành vi phạm tội xảy ra hay không và ai là người thực hiện, do lỗi cố ý hay vô ý?
Một trong nhiều đơn khiếu nại cáo trạng của Viện KSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm.
Ông Nguyễn Hữu Đức, cha của bị can Nguyễn Hữu Thọ (đối tượng bị khởi tố khi chưa đủ 18 tuổi) cho rằng, ngoài cơ sở pháp lý trên ông cùng gia đình các bị cáo khác khiếu nại cáo trạng của Viện KSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm (vì cáo trạng buộc tội không đúng với tình tiết khách quan của vụ án và trái kết luận giám định pháp y của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. HCM). Cũng do Viện KSND TP. Phan Rang - Tháp Chàm giải quyết không thỏa đáng đã buộc họ phải khiếu tiếp lên Viện KSND tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, cơ quan này lại "né tránh" không ban hành quyết định giải quyết mà ra văn bản trả lời "không xem xét". Như vậy là vi phạm nghiêm trọng khoản 3 Điều 6 Luật Khiếu nại năm 2011:
"Các hành vi bị nghiêm cấm:
3. Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”.
Cũng theo ông Đức, hiện ông cùng các gia đình đã khiếu nại văn bản trả lời "không xem xét" của Viện KSND tỉnh Ninh Thuận, song đến nay vẫn chưa được giải quyết!
MẠC HỒNG KỲ - LÊ HỮU QUẾ
Vụ 'Cố ý gây thương tích' tại Ninh Thuận: Liệu giám định pháp y có 'sai 01 ly đi 01 dặm'?