(LSO) - Hậu quả vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ tử vong là hậu quả nghiêm trọng, vì vậy người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo Điều 123 Bộ luật Hình sự hoặc tội "Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" theo Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hình phạt có thể là vài năm tù, hoặc có thể là lâu hơn… Tuy nhiên bản án mà người phụ nữ này sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời là bạn án lương tâm, lương tâm sẽ không tha thứ cho hành động tội lỗi của người phụ nữ này.
Theo thông tin từ bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vào khoảng 13h30 ngày 29/6, bé Nguyễn Văn An bị bỏ rơi dưới hố gas đã tử vong. Được biết, nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là do em bé đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết. Trong suốt 3 tuần qua, Khoa Sơ sinh, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã phối hợp hội chẩn chặt chặt chẽ với bệnh viện Nhi Trung ương, các chuyên gia Anh Quốc để nỗ lực cứu chữa cho cháu bé nhưng bệnh quá nặng và không thể qua khỏi.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng, sự việc một em bé sơ sinh bị bỏ rơi tại hố gas 3 ngày dưới trời nắng 40 độ là một hành vi vô cùng tàn nhẫn, vô cảm, khiến dư luận xã hội hết sức bất bình. Hành vi này không chỉ không chấp nhận được về mặt đạo đức mà còn có dấu hiệu tội phạm. Cơ quan điều tra vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ để có căn cứ xử lý đúng quy định pháp luật.
Hành vi của người phụ nữ này có dấu hiệu của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ 1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. |
Tội danh này chỉ được áp dụng đối với người mẹ đã đẻ ra đứa trẻ, nguyên nhân giết hoặc vứt bỏ đứa trẻ là do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà thực hiện hành vi giết con hoặc vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến hậu quả đứa trẻ tử vong.
Trong quá trình xác minh tin báo, cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai là mẹ đẻ của đứa trẻ này, đồng thời việc bỏ rơi đứa trẻ như vậy thì nhận thức chủ quan của người này như thế nào, có nhận thức rằng đứa trẻ có thể chết hoặc bỏ mặc cho đứa trẻ chết hay không. Ngoài ra cần làm rõ việc bỏ rơi đứa trẻ trong trường hợp này có phải do ảnh hưởng nặng nề tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt hay không?
Nếu trường hợp không phải là do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc không phải do hoàn cảnh đặc biệt đến mức phải bỏ con. Việc bỏ con là do mâu thuẫn với cha của đứa trẻ hoặc do nguyên nhân khác không phải là hoàn cảnh khách quan đặc biệt thì không xử lý về tội danh này mà có thể xử lý về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Đây là yếu tố quan trọng để xác định có hành vi vi phạm pháp luật hình sự hay không và là cơ sở để xác định tội danh, Luật sư Cường phân tích.
Trong vụ việc này, cháu bé được phát hiện kịp thời và được đưa đến bệnh viện cấp cứu, tình trạng sức khỏe ban đầu hồi phục đáng kể khiến nhiều người rất vui mừng và nghĩ rằng điều kỳ diệu đã xảy ra, đứa trẻ đã thoát chết kỳ diệu. Tuy nhiên hiện nay thông tin mới nhất cho thấy đứa trẻ đã tử vong nguyên nhân bởi việc vứt bỏ lâu dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, các bác sĩ đã rất cố gắng nhưng không thể cứu chữa được cho cháu bé.
Hậu quả vứt bỏ con mới đẻ dẫn đến đứa trẻ tử vong là hậu quả nghiêm trọng, vì vậy người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự hoặc Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ theo Điều 124 Bộ luật hình sự năm 2015.
Với hậu quả đứa trẻ đã tử vong nên việc xử lý hình sự đối với người phụ nữ này là chắc chắn, vấn đề xử lý về tội danh nào sẽ phụ thuộc vào việc các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được có chứng minh được là người phụ nữ này đã bị ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hay không hoặc có trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt buộc phải bỏ rơi đứa trẻ hay không… Nếu không thuộc 02 trường hợp này thì người phụ nữ này sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người với mức hình phạt thấp nhất là 07 năm tù, cao nhất là tử hình.
Nếu thuộc trường hợp khách quan đặc biệt mà phải bỏ rơi đứa trẻ hoặc do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu mà phải bỏ rơi đứa trẻ thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ, trong trường hợp xử lý theo khoản 2, Điều 124 Bộ luật Hình sự thì hình phạt cao nhất là 02 năm tù.
Với hậu quả chết người như trên thì người phụ nữ này sẽ bị trừng phạt của pháp luật là chế tài hình sự. Hình phạt có thể là vài năm tù, hoặc có thể là lâu hơn… Tuy nhiên bản án mà người phụ nữ này sẽ đeo đẳng suốt cuộc đời là bạn án lương tâm, lương tâm sẽ không tha thứ cho hành động tội lỗi của người phụ nữ này.
Có thể nói vụ việc này không phải là mới, không phải trường hợp đầu tiên về việc mẹ bỏ rơi con khi mới sinh. Đây là tình trạng đáng báo động về đạo đức xã hội bởi có khá nhiều vụ việc được phát hiện trong thời gian qua. Trên thực tế, đối tượng thường bỏ rơi con nhỏ, trẻ sơ sinh là những phụ nữ gặp hoàn cảnh éo le. Họ thường bị chồng bỏ, lỡ mang thai cùng người mình yêu, gia đình không chấp nhận, thân phận làm công nhân không đủ chi phí sinh nở và nuôi con… Đó là những đứa con ra đời “không mong muốn”. Phần lớn những phụ nữ này chưa đủ trình độ, kiến thức pháp luật để nhìn nhận lỗi lầm của bản thân.
Mặt khác, nhiều vụ việc trẻ bị bỏ rơi, không tìm được cha mẹ để xử lý trách nhiệm nên một bộ phận người dân mặc định hành vi này không hoặc ít bị xử lý thích đáng. Đáng nói, ngoài những trường hợp bỏ rơi trẻ ở bệnh viện, chùa miếu, trước cửa nhà dân, một số trường hợp nhẫn tâm bỏ rơi con vừa sinh ở các địa điểm nguy hiểm như: Chỗ tối vắng, treo cành cây, nhà vệ sinh, thùng rác.. dẫn đến nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong vì bị bỏ rơi ở những địa điểm vừa nêu, không phải ai cũng có sức sống mãnh liệt, sự may mắn do “thần chết bỏ quên” như em bé sơ sinh trong vụ việc nêu trên.
Nguyên nhân của tình trạng này cũng chủ yếu do lối sống buông thả, dễ dãi, lệch lạc của nhiều người trẻ hiện nay cũng như thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống, nhận thức pháp luật hạn chế. Vì vậy để hạn chế những vụ việc đau lòng như trên diễn ra thì chúng ta cần tập trung tuyên truyền giáo dục pháp luật về sức khỏe giới tính, sinh sản, nâng cao trình độ nhận thức, đạo đức, kiến thứcpháp luật cho người dân , đặc biệt là bộ phận thanh niên trẻ. Ngoài ra cần tăng cường phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.
Khởi tố đối tượng bỏ rơi con dưới hố gas tại Hà Nội khiến bé tử vong
Ngày 30/6, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Sơn Tây đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành (SN 1989) để điều tra về hành vi vứt bỏ con mới đẻ. Trước đó, tại cơ quan Công an, Thành khai nhận ngày 06/6 đã đón xe buýt lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h đêm ngày 06/6 thì thấy mình vỡ nước ối và trở dạ. Thành đã đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay khi sinh, Thành đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt bỏ. Sau đó, Thành xoá dấu vết, rồi đi về trung tâm thành phố Hà Nội.
THANH THANH