Bà Nguyễn Phương Hằng cùng khách mời livestream ngày 22/3/2022.
Ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục lấy lời khai, thu thập chứng cứ thực hiện các bước điều tra đối với bị can Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331, Bộ luật Hình sự.
Theo kết quả điều tra bước đầu, Công an TP. Hồ Chí Minh xác định, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi bị bắt tạm giam, bà Hằng đã thông qua các tài khoản mạng xã hội như: Youtube, Facebook, TikTok để phát ngôn trực tiếp thông qua mạng Internet, đưa các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, bà Hằng liên tục sử dụng nhiều từ ngữ tục tĩu để phát ngôn trên không gian mạng, ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa dân tộc, gây bất bình trong dư luận.
Trước lúc bị khởi tố, bắt tạm giam, Công an TP. Hồ Chí Minh xác định bà Hằng đã quản lý, sử dụng 12 kênh mạng xã hội để trực tiếp livestream với nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều người. Dù nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng bà Hằng vẫn cố ý né tránh không chấp hành mà tiếp tục các hành vi trên.
Đáng nói, trong những buổi livestream của bà Hằng có sự tham gia, “hỗ trợ” của nhiều cá nhân thậm chí cả một ekip. Trong đó, có nhiều cá nhân xuất hiện cùng bà Hằng thể hiện mình là người am tường pháp luật.
Hiện cơ quan Công an đang mở rộng điều tra, xác minh làm rõ các hành vi cũng như vai trò những người liên quan, giúp bà Hằng thực hiện các buổi livestream, khách mời có phát ngôn trong các livestream để có biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng trong vụ việc này, ngoài việc khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ tư vấn, hỗ trợ bà Hằng để tham gia livestream trên mạng xã hội.
Cụ thể, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những yếu tố đồng phạm khi xác định rõ vai trò cá thể của từng cá nhân trong khi thực hiện, đó là người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức, người cổ vũ… Vì vậy, nếu như có đủ căn cứ, những người này có thể sẽ bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử chung cùng tội danh với người cầm đầu. Tuy nhiên, mức án phạt có thể sẽ thấp hơn người chủ mưu.
Trường hợp có căn cứ, những người được coi là đồng phạm sẽ bị xử lý về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với hành vi này, mức phạt thấp nhất là 06 tháng tù, cao nhất là 07 năm tù.
Theo Luật sư Tùng: "Những người cùng giúp sức bà Hằng trong các cuộc livestream mà có dấu hiệu cấu thành tội phạm có tổ chức thì họ sẽ bị triệu tập lên để xác minh. Khi có đầy đủ căn cứ, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự giống như bà Hằng. Đây cũng là một bài học cho những người thường xuyên lên mạng có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí là bôi nhọ, vu khống người khác".
Cùng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng nhấn mạnh "rất có thể vụ án sẽ có đồng phạm!". Hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ thực hiện trên không gian mạng không chỉ có một người thực hiện mà có cả ekip cùng tham gia.
Các hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội của bà Hằng không chỉ có một mình bà Hằng tham gia mà còn có những người khác chuẩn bị nội dung, thu thập thông tin, chuẩn bị công cụ phương tiện, thậm chí có những người cùng tham gia tán thưởng, cùng bà Hằng công kích, chửi bới, xúc phạm người khác. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ mục đích, vai trò, nhận thức và hành vi của những người này.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy những người này đã có hành vi xúi giục, giúp sức hoặc cùng bà Hằng trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân thì những người này cũng sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, đồng phạm là từ hai người trở lên có cùng ý chí thực hiện một tội phạm. Đồng phạm có thể là người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức, người xúi giục. Người chủ mưu là người lên kế hoạch, quyết định việc thực hiện hành vi xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội có những lời lẽ, ngôn ngữ xúc phạm danh dự nhân phẩm của tổ chức, cá nhân. Người xúi giục là người có sự tác động về mặt tinh thần, xúi giục người thực hiện hành vi phạm tội quyết tâm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người giúp sức là người tạo những điều kiện về vật chất, tinh thần cho người khác để thực hiện hành vi phạm tội...
Bên cạnh đó, theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Như vậy, việc bà Hằng quản lý, sử dụng 12 kênh mạng xã hội để trực tiếp livestream với nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều người gây hoang mang dư luận là một trong những hành vi bị cấm. Hành vi này xâm phạm đến quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác được pháp luật bảo vệ và có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ vi phạm.
Người thực hiện hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Cụ thể, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Trong đó, mức phạt nêu trên được áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng một phần hai mức phạt này, tức là phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.
Thêm vào đó, căn cứ khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm còn phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
TIẾN HƯNG
Vì sao bị can Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam 3 tháng