(LSO) - Theo Luật sư, khi hết thời hiệu thi hành bản án thì người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Vì vậy, những trường hợp "bỏ quên" thi hành án như thế này thì bản án đã tuyên trở nên vô nghĩa. Với những trường hợp đặc biệt thế này, cần xem xét tổng thể thật chặt chẽ để quy trách nhiệm cho các bên liên quan. Dựa vào các quy định của pháp luật thì những người có thẩm quyền liên quan có thể phạm vào tội “Không thi hành án” theo Điều 379 BLHS năm 2015.
Gần đây, theo thông tin, TAND, Viện KSND và cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Bình Phước đang tổ chức xem xét kiểm điểm trách nhiệm vì đã để xảy ra nhiều sai sót, vi phạm trong công tác thi hành án hình sự.
Trong đó, tại nhiều đơn vị đã phát hiện tình trạng TAND phải ra quyết định thi hành án hình sự nhưng chưa ra quyết định thi hành án và có quyết định thi hành án nhưng chưa được thi hành dẫn đến hết thời hiệu thi hành án, tức người bị phạt tù không phải chấp hành án phạt.
Cụ thể, tại TP. Đồng Xoài, cơ quan chức năng phát hiện Lê Thanh Tâm (trú phường Tân Bình) bị kết án 3 năm tù về tội "Lạm dụng chiếm đoạt tài sản" từ năm 2011 theo bản án phúc thẩm của TAND TP. HCM. Ngày 19/3/2012, TAND thị xã Đồng Xoài (nay là TP. Đồng Xoài) ra quyết định thi hành án nhưng chưa thi hành. Theo quy định về thời hiệu thi hành bản án hình sự tại Bộ luật Hình sự, sau 5 năm kể từ ngày kết án mà chưa thi hành án nên Lê Thanh Tâm không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Ngoài trường hợp nêu trên, tại huyện Hớn Quản, Bình Phước, cũng phát hiện 2 trường hợp khác phạm tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có"và tội "Cố ý gây thương tích", đều bị kết án từ năm 2012 nhưng không thi hành án, đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Hay tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có 3 trường hợp khác hết thời hiệu thi hành án do chưa ra quyết định thi hành án và ủy thác thi hành án đến nơi khác nhưng không gửi.
Từ những vi phạm nêu trên, cho thấy các TAND ở Bình Phước đã ban hành quyết định thi hành án nhưng không theo dõi việc thi hành, cơ quan thi hành án hình sự, Viện KSND không kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự.
Vậy, với những vi phạm nêu trên thì theo quy định của pháp luật trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Luật sư Lê Thị Thương, Công ty Luật Trung Nguyễn cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành, sau khi tòa án đã ban hành quyết định thi hành án thì cơ quan Công an là bên thực thi quyết định để đưa phạm nhân đi giam giữ theo quy định nhưng đã “bỏ quên”, trong khi đó Viện Kiểm sát với vai trò giám sát việc này lại không biết, tòa án là cơ quan quyết định thi hành án cũng không xem xét kiểm tra xem việc thi hành án có được thực hiện hay không nên mới dẫn đến những sự việc sai sót như thế này. Lỗi trong trường hợp này chắc chắn không chỉ thuộc về một người, một cơ quan, mà có sự cộng dồn trách nhiệm của một số cơ quan có thẩm quyền cần được xem xét cẩn trọng để làm gương cho những vụ án khác.
Đây rõ ràng là những vụ việc có tính nghiêm trọng. Bản án hình sự chỉ có thời hiệu thi hành trong một thời gian nhất định đối với từng loại tội phạm, cụ thể quy định tại Điều 60 BLHS năm 2015. Khi hết thời hiệu thi hành bản án thì người bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên. Như vậy, bản án đã tuyên trở nên vô nghĩa. Với những trường hợp đặc biệt thế này, cần xem xét tổng thể thật chặt chẽ để quy trách nhiệm cho các bên liên quan.
Dựa vào các quy định của pháp luật thì những người có thẩm quyền liên quan có thể phạm vào tội “Không thi hành án” theo Điều 379 BLHS năm 2015, Luật sư Thương phân tích.
Các trường hợp người bị kết án được hoãn thi hành án
Người bị xử phạt tù chỉ có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong một số trường hợp nhất định: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Theo Luật sư Thương, nếu những người bị kết án tù không thuộc một trong những trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt tù mà lại được “bỏ quên” dẫn đến hết thời hiệu và không phải thi hành bản án thì chắc chắn những vụ án này cần phải được xem xét lại.
Thời gian được hoãn thi hành hình phạt tù còn tùy vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như người phạm tội bị bệnh nặng có thể được hoãn cho tới khi sức khỏe bình phục. Giả sử, chị T. bị kết án 3 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" thì hết thời gian được hoãn thi hành án tù chị T. phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù cho đủ 3 năm như bản án đã tuyên. Nghĩa là thời gian hoãn chấp hành hình phạt tù không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù. Đây là hai khái niệm có liên quan đến nhau nhưng có sự tách biệt rõ ràng.
Điều 379. Tội không thi hành án 1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm; b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn; c) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án; d) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; b) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên. 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
THANH THANH