/ Trao đổi - Ý kiến
/ Vụ cháu bé 3 tuổi nghi bị bố dượng, mẹ đẻ bạo hành đến chết: Tội ác không thể biện minh

Vụ cháu bé 3 tuổi nghi bị bố dượng, mẹ đẻ bạo hành đến chết: Tội ác không thể biện minh

05/01/2021 18:01 |

(LSO) - Hình ảnh cháu bị tử vong với nhiều thương tích trên thi thể đã khiến cho mọi người không khỏi xót thương, cùng với đó là sự phẫn nộ phải xử lý nghiêm các đối tượng.

Mới đây, mạng xã hội đăng tải nội dung về việc bé gái tên N.N.M.M. (3 tuổi, tạm trú ở phường Phương Liên, quận Đống Đa) nghi bị bố dượng và mẹ đẻ bạo hành đến chết khiến dư luận phẫn nộ.

Liên quan đến vụ việc, sáng 01/4/2020, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội cho biết, sau khi nhận báo cáo sơ bộ từ Công an quận Đống Đa đã chỉ đạo bắt giữ khẩn cấp cặp vợ chồng này để điều tra, làm rõ sự việc.

Thông tin từ Bệnh viện đại học y Hà Nội cho biết sáng 30/3, đơn vị tiếp nhận cháu gái N.N.M.M. được đưa vào cấp cứu. Trên người cháu bé có nhiều thương tích, dấu hiệu bạo hành nên đã trình báo sự việc với cơ quan công an.

Nguồn tin từ cơ quan tố tụng xác định, cháu bé bị tử vong do nhiều vết thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định cháu bé bị bố dượng và mẹ ruột bạo hành.

Nhiều người cho rằng, nếu sự việc đúng như mạng xã hội phản ánh thì hành động của cha mẹ cháu bé đáng bị pháp luật trừng trị nghiêm minh. Có thể nói đây là tội ác không có lời nào biện minh cho sự tàn nhẫn, táng tận lương tâm của các đối tượng.

Ngày 1/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có công văn hỏa tốc gửi Giám đốc Công an TP về việc khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc bạo hành cháu gái N.N.M.M. khiến cháu tử vong.

Về việc này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Giám đốc Công an TP chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 15/4; thông tin báo chí theo quy định.

Theo Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết, không chỉ có pháp luật quốc tế mà ngay tại Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và cụ thể hóa, xuyên suốt trong hệ thống văn bản pháp luật nước ta đều quy định quyền sống là quyền cơ bản nhất của con người. Đặc biệt, trẻ em là đối tượng được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.

Luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt.

Theo sự việc được đăng tải trên mạng xã hội, cháu bé đã phải chịu thiệt thòi khi còn nhỏ khi phải sống trong môi trường thiếu thốn tình cảm của cả bố lẫn mẹ (do bố mẹ ly hôn), phải gửi cháu về cho bà ngoại chăm sóc.

Hình ảnh cháu bị tử vong với nhiều thương tích trên thi thểđã khiến cho mọi người không khỏi xót thương, cùng với đó là sự phẫn nộ phải xửlý nghiêm các đối tượng.

Luật sư Kiên cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vàocuộc điều tra, nếu có căn cứ xác định người mẹ và cha dượng đã có hành vi sử dụngvũ lực bạo hành cháu bé gây tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội“Giết người” theo điểm b, n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 với tình tiết định khungcơ bản là giết người dưới 16 tuổi và có tính chất côn đồ.

“Nếu nghi phạm có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải đối mặt mức hình phạt cao nhất là tử hình. Đối với những loại tội phạm nguy hiểm, gây căm phẫn trong quần chúng nhân dân như thế này, cơ quan pháp luật cần phải xử lý thật nghiêm khắc mới đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm”, Luật sư Kiên nhấn mạnh.

Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 123. Tội Giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Hoàng Yến

/be-gai-tu-vong-nghi-do-bi-tra-tan-bat-khan-cap-bo-duong-va-me-de.html