/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Ai phải bồi thường?

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Ai phải bồi thường?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật sư cho biết, trách nhiệm của các bên trong vụ cháy này sẽ tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng thuê quán karaoke được ký kết. Nếu bên thuê không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, không thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì các trang thiết bị tại cơ sở kinh doanh, thực hiện việc sửa chữa ngoài phạm vi hợp đồng… thì bên thuê phải chịu trách nhiệm khi để vụ cháy xảy ra và gây ra thiệt hại về người và của.

Cơ sở karaoke An Phú được thiết kế, xây dựng gồm 03 tầng với khoảng 30 phòng hát, hoạt động từ năm 2016 cho đến nay.

Liên quan đến vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, ngày 11/9, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị nghiệp vụ báo cáo tình hình và kết quả điều tra ban đầu vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về PCCC" xảy ra ngày 06/9/2022 tại cơ sở kinh doanh karaoke An Phú.

Theo thông tin được biết, cơ sở karaoke An Phú hoạt động từ năm 2016 do ông Lê Anh Xuân (Sinh năm 1980, TP. Hồ Chí Minh) đứng tên đăng ký kinh doanh, nhưng đến tháng 02/2021, ông Xuân cho ông Phạm Quốc Khải (Sinh năm 1989, Hậu Giang) thuê lại.

Được biết, sau khi thuê, ông Khải đã được giao toàn quyền quản lý cơ sở kinh doanh karaoke An Phú và thời điểm xảy ra vụ cháy, ông Xuân không có mặt tại hiện trường.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trách nhiệm của các bên trong vụ cháy này sẽ tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng thuê quán karaoke được ký kết giữa ông Xuân và ông Khải và lỗi của các bên.

Cụ thể, nếu bên thuê không tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC), không thực hiện việc bảo dưỡng, bảo trì các trang thiết bị tại cơ sở kinh doanh, thực hiện việc sửa chữa ngoài phạm vi hợp đồng… thì bên thuê phải chịu trách nhiệm khi để vụ cháy xảy ra và gây ra thiệt hại về người và của.

Ngược lại, chủ cơ sở có thể phải chịu trách nhiệm nếu trước tháng 02/2021 (tức tại thời điểm ký kết hợp đồng thuê), cơ sở karaoke này không thực hiện đầy đủ các quy định về PCCC hoặc sau thời điểm này hai bên có thỏa thuận khác về việc bên thuê phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc xảy ra các sự cố cháy, nổ,...

Trong trường hợp, Cơ quan điều tra có căn cứ xác định quán karaoke An Phú không đáp ứng các tiêu chuẩn về PCCC dẫn tới hậu quả làm nhiều người chết và bị thương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản thì tùy vào các yếu tố đã đề cập ở trên mà chủ cơ sở - ông Xuân hoặc bên thuê cơ sở - ông Khải sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 313, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.

Trách nhiệm bồi thường thế nào?

Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, theo Luật sư Tiền, việc này chỉ đặt ra khi đáp ứng đủ 03 yếu tố theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, bao gồm: Có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng xảy ra.

Đối chiếu với quy định trên, bên cho thuê sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu như họ không có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác và ngược lại, bên thuê phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.

Trường hợp cả bên thuê và bên cho thuê đều có lỗi thì phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, nếu cơ sở kinh doanh karaoke An Phú đã mua bảo hiểm cháy nổ và không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì việc bồi thường cho người bị thiệt hại trước tiên sẽ do công ty bảo hiểm chi trả theo quy định tại Chương II Nghị định 23/2018/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 97/2021/NĐ - CP.

Trường hợp công ty bảo hiểm từ chối chi trả hoặc cơ sở kinh doanh karaoke không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định thì thiệt hại xảy ra do cơ sở kinh doanh karaoke bồi thường toàn bộ.

Theo đó, cơ quan sẽ xác định lỗi trong vụ việc, từ đó buộc những người này có phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình và nạn nhân bị tử vong; các nạn nhân bị thương tích trong vụ hỏa hoạn do đã gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của họ căn cứ theo Điều 584, Điều 590 và Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015.

Cụ thể, người này phải bồi thường chi phí khám chữa bệnh, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại,... đối với những người bị thương.

Còn đối với người tử vong thì sẽ phải chịu thêm chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (nếu có),... Ngoài ra, người thực hiện hành vi này có phải chịu trách nhiệm bồi thường về tinh thần cho các nạn nhân với mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

TRẦN QUÝ

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương: Hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù

Lê Minh Hoàng