(LSVN) - Luật sư cho biết, chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke An Phú tại tỉnh Bình Dương.
Sáng 11/9, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ báo cáo tình hình và kết quả điều tra ban đầu vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy" xảy ra ngày 06/9 tại cơ sở kinh doanh karaoke An Phú có địa chỉ ở 166C đường Trần Quang Diệu, khu phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An.
Theo đó, qua điều tra ban đầu, Cơ quan CSĐT xác định nguyên nhân của vụ cháy là do chập điện trên trần tầng 2 của quán karaoke này. Do cơ sở được thiết kế xây dựng với nhiều vật liệu dễ cháy nên đám cháy bùng phát nhanh, rất khó khăn trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. 32 nạn nhân tử vong trong đám cháy hiện đã xác định được danh tính 30 nạn nhân và bàn giao cho gia đình mai tang; 15 người bị thương nhẹ đã xuất viện và 02 người bị thương nặng vẫn điều trị tại bệnh viện.
Vậy, trách nhiệm pháp lý đối với chủ cơ sở karaoke An Phú trong vụ việc này như thế nào?
Có thể bị xử lý hình sự
Theo Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, trong vụ cháy này, trách nhiệm của chủ cơ sở kinh doanh kraraoke và những người có liên quan như thế nào còn phụ thuộc vào nguyên nhân của vụ cháy và các thiệt hại đã xảy ra.
Theo đó, nếu nguyên nhân của vụ cháy và các thiệt hại đã xảy ra là do cơ sở kinh doanh karaoke đã không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn, phòng chống cháy nổ thì chủ cơ sở có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" (Điều 313, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt quy định cho tội danh này là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 12 năm.
Với hậu quả làm hơn 30 người chết thì nếu bị kết án về tội danh này, người phạm tội sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng định khung là “làm chết 03 người trở lên”, với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 12 năm (khoản 3, Điều 314, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, nếu bị kết luận có lỗi gây ra vụ cháy thì chủ cơ sở kinh doanh karaoke này còn có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về sức khỏe và tính mạng cho các nạn nhân theo quy định tại các Điều 584, Điều 585, Điều 590 và Điều 591, Bộ luật Dân sự 2015.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, theo quy định của pháp luật thì kinh doanh dịch vụ karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về an toàn, phòng, chống cháy nổ theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ và Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an, thì cơ sở kinh doanh mới được cấp giấp phép hoạt động, và phải duy trì các điều kiện này trong suốt thời gian hoạt động. Đồng thời, trong quá trình hoạt động, các cơ sở kinh doanh karaoke cũng phải chịu sự kiểm tra, giám sát về công tác an toàn, phòng chống cháy nổ của các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Theo quy định tại Mục 5, Phục lục III (kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ) thì “cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cao từ 03 tầng trở lên hoặc khối tích từ 1.000m3 trở lên” sẽ thuộc danh mục các cơ sở do cơ quan Công an quản lý về phòng cháy và chữa cháy.
Tại Điều 9 và Điều 10, Thông tư số 147/2020/TT-BCA ngày 31/12/2020 của Bộ Trưởng Bộ Công quy định: “Cơ quan Công an thực hiện kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 16, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 83/2017/NĐ-CP)".
Và Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm “hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, tại điểm d, khoản 3 Điều 16, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ cũng quy định: “Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức kiểm tra đột xuất phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo văn bản chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền đối với các đối tượng quy định tại điểm a và điểm b, khoản 1, Điều này trong phạm vi quản lý của mình”.
Đối chiếu với các quy định trên thì trách nhiệm quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh karaoke An Phú (nếu có) trước hết thuộc về cơ quan Công an quản lý về phòng cháy và chữa cháy tại địa phương, Tiếp đó, là trách nhiệm phối hợp, kiểm tra của UBND địa phương theo quy định của pháp luật.
Nếu nguyên nhân của vụ cháy là do cơ sở kinh doanh karaoke An Phú đã không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định, không đủ điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ, và các cơ quan quản lý đã không kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng định của pháp luật thì cũng cần phải xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan và những người có trách nhiệm quản lý công tác phòng chống cháy nổ tại địa phương.
Nếu có các dấu hiệu thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc tiêu cực, cố tình bỏ lọt sai phạm, thì cần phải được điều tra, kiểm tra, xác minh, làm rõ và kịp thời xử lý, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Với hậu quả làm 32 người chết thì đây là vụ việc hết sức thương tâm, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều tra, xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, để xử lý nghiêm minh các sai phạm (nếu có), cũng như bảo đảm các quyền lợi hợp pháp cho các nạn nhân theo đúng quy định của pháp luật.
QUÝ NGUYỄN
Vụ môi giới mại dâm liên quan đến giới showbiz: Những người mua dâm bị xử lý thế nào?