/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ đại biểu HĐND Quảng Nam bị tố đánh nữ nhân viên phục vụ golf: Hành vi có dấu hiệu hình sự?

Vụ đại biểu HĐND Quảng Nam bị tố đánh nữ nhân viên phục vụ golf: Hành vi có dấu hiệu hình sự?

15/12/2022 10:51 |

(LSVN) – Pháp luật quy định tội “Cố ý gây thương tích” là tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nếu thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng xử lý theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp thương tích nghiêm trọng đến mức xử lý theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại.

Đại biểu HĐND Quảng Nam bị tố đánh nữ nhân viên phục vụ golf.

Vừa qua, ông N.V.D., đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021) và khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026), bị tố đánh chị L., một nữ nhân viên phục vụ khách chơi golf nhập viện.

Cụ thể, chiều 11/12, thông tin từ Công ty CP Tập đoàn BRG cho biết có thể sẽ dừng cung cấp dịch vụ đối với ông N.V.D. liên quan vụ đánh nữ nhân viên phục vụ chơi golf vì đã vi phạm các quy định, nguyên tắc, chuẩn mực tại sân golf BRG Danang Golf Resort.

Liên quan đến vụ việc này, lãnh đạo HĐND tỉnh này cho biết đang chờ xác nhận thông tin chính thức mới đưa ra hướng xử lý cụ thể.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết: Hành vi đánh người là hành vi vi phạm pháp luật, coi thường sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi cố ý gây thương tích có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

- Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

- Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

- Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

- Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

- Có tổ chức;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

- Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

- Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

- Có tính chất côn đồ;

- Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Như vậy, trong trường hợp thương tích của nạn nhân dưới 11 %, cơ quan điều tra cũng có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, gậy chơi golf thường là những vật dụng cứng chắc, hoàn toàn có thể gây ra sát thương cho con người, vì vậy dưới góc độ pháp lý đây là hung khí nguy hiểm, hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm để gây thương tích cho người khác là hành vi tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Pháp luật quy định tội “Cố ý gây thương tích” là tội danh khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại nếu thương tích ở mức độ ít nghiêm trọng xử lý theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp thương tích nghiêm trọng đến mức xử lý theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự thì sẽ không phụ thuộc vào yêu cầu của người bị hại. Khi đó, dù người bị hại không có yêu cầu hoặc có rút đơn yêu cầu thì cơ quan điều tra vẫn xử lý hình sự với người đã gây thương tích cho nạn nhân theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, người thực hiện hành vi gây tổn hại đến sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân và một khoản tiền tổn thất về tinh thần khoảng 50 tháng lương cơ bản. Hai bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì có thể đề nghị cơ quan chức năng giải quyết.

“Bên cạnh đó, trong trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên hoặc người của cơ quan tổ chức mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm đạo đức công vụ thì ngoài việc phải bị xử lý theo quy định của pháp luật còn bị xem xét xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật về mặt chính quyền, kỷ luật nghề nghiệp”, Luật sư Cường phận tích thêm.

TIẾN HƯNG

Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế

 

 

Bùi Thị Thanh Loan