Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài khoảng 05 phút ghi lại cảnh một nhóm người đang hành hạ rồi đào hố để "chôn sống" một nạn nhân.
Hình ảnh từ clip cho thấy, khu vực xảy ra vụ "hành hạ, chôn sống" này là bãi đất hoang ở ven sông. Nam thanh niên bị một nhóm thanh niên lột quần áo, trói hai tay ra phía sau. Nạn nhân bị bắt quỳ dưới đất để tra hỏi.
Một thanh niên dùng dép đánh vào mặt nạn nhân. Nạn nhân sau đó bị nhóm người kéo đi, đưa xuống một cái hố đào sẵn. Tại đây, nam thanh niên bị trói hai tay ra phía sau, một thanh niên khác cầm sợi dây, dùng chân đạp vào người bắt nằm xuống hố.
Nạm thanh niên sau đó ngồi dậy van xin nhưng không được buông tha. Nạn nhân bị trùm đầu bằng một cái bao chuẩn bị sẵn rồi bị đẩy xuống hố, lấp cát để chôn sống.
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, số đông người không khỏi ngán ngẩm trước hành động phản cảm và lệch lạc của nhóm thanh niên trên. Một số người còn nhận định, địa điểm xảy ra vụ việc có thể ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).
Đến chiều ngày 27/3, lãnh đạo Công an TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, cho biết đơn vị đang tạm giữ hình sự với 13 nghi can liên quan tới clip trên. Đồng thời, phía cơ quan điều tra cũng đã mời gia đình nạn nhân trong clip lên trụ sở để phối hợp làm rõ vụ việc.
Lực lượng chức năng cho biết, nạn nhân trong vụ việc này là N.Q.V. (17 tuổi, trú thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân).
Hiện, Công an huyện Nghi Xuân đang phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, xác minh vị trí nạn nhân V. bị nhóm thanh niên vùi lấp và làm rõ mục đích vụ việc.
Sau khi sự việc xảy ra, nhiều ý kiến và phản ánh đều cho rằng, hành vi “Chôn sống” nạn nhân trong đoạn clip là hành vi vô cùng phản cảm, cổ suý lệch lạc và gây nguy hiểm cho xã hội. Mọi người đều đặt ra câu hỏi làm thế nào để tình trạng trên không còn được tái diễn và có thể chấm dứt triệt để, đồng thời cần phải có những biện pháp gì theo quy định trong pháp luật hiện hành để đảm bảo sự việc tương tự sẽ không còn xảy ra.
Theo Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho biết, dưới lăng kính của Luật sư thì hành vi của nhóm người trên được đánh giá là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự rất rõ ràng.
Cụ thể, Luật sư Ninh cho biết, nếu tất cả các hành vi hành hạ, “Chôn sống” như trong clip trên có gây thương tích thì sẽ bị xử lý theo hành vi về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngoài ra, đây có thể được xem xét là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhiều người gây thương tích cho một người, có tính chất côn đồ vì đã có biện pháp, thủ đoạn dã man.
Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 đã quy định về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" như sau: 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; đ) Có tổ chức; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; i) Có tính chất côn đồ; k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Làm chết 02 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. |
Còn nếu không xảy ra thương tích, hoặc thương tích không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự, thì sẽ không bị xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” mà xử lý về tội “Làm nhục người khác”.
Điều 155, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Làm nhục người khác" cụ thể như sau: 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người đang thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%75. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76; b) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Bởi theo Luật sư Ninh, những hành động như “Chôn sống” nạn nhân có thể nói là vô cùng tàn nhẫn, dã man và cực kỳ phản cảm. Ngoài ra, nó còn có thể mang hơi hướng tính chất man rợ.
Bên cạnh đó, Luật sư Ninh cũng cho biết, nếu như xác định được về động cơ hành vi thì có thể còn được xem là tình tiết động cơ đê hèn và nếu như chứng minh được mục đích cướp đoạt tính mạng, thì có thể được xem là phạm tội “Giết người”.
“Cho nên cơ quan điều tra sẽ phải đấu tranh làm rõ, mục đích của nhóm người này là có muốn tước đoạt sinh mạng hay không. Nếu là nhằm tước đoạt sinh mạng, ngay cả khi người đó chưa chết thì vẫn xử lý tội “Giết người” với nhiều tình tiết tăng nặng tương tự như là tội "Cố ý gây thương tích”, Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa nhận định.
Đối với vụ việc này, Luật sư Ninh cho rằng, ngoài xử lý về hành vi vi phạm đã nêu, các đối tượng còn có thể bị xử lý về hành vi “Phát tán clip không phù hợp lên mạng xã hội”. Việc đưa clip này lên mạng có thể xem là một hành vi cổ súy cho các clip, hình ảnh lệch lạc, phản cảm, có tính chất gây nguy hiểm cho xã hội và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
Về tội danh trên có thể bị xử lý về hành vi của tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” vì hành vi của đối tượng có dấu hiệu về tội đó. Và nếu như người đưa clip có liên quan đến nhóm người trên, thì còn có thể xử lý về hành vi “Làm nhục người khác” vì người đăng tải clip là người lan truyền điều đó trên không gian mạng.
Điều 326, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" như sau: 1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB); b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị; d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người; đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. 2.338 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB); c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh; d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị; đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người; e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi; g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội; h) Tái phạm nguy hiểm. 3.339 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên; b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên; c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên; d) Phổ biến cho 101 người trở lên. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa nhận định, cơ quan điều tra cần điều tra, làm rõ để xử lý theo tội danh theo đúng khung hình phạt tương ứng. Ngoài ra, cũng cần phải đưa ra xét xử lưu động và phải truyền hình trực tiếp để có tính răn đe rồi từ đó, thông qua việc này để tuyên truyền cho nhân dân biết được các hành vi nêu trên là vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là các cơ quan truyền thông về lĩnh vực pháp luật cần đẩy mạnh và tuyên truyền cho người dân để người dân hiểu, không vi phạm và tránh tái diễn hành vi trên.
“Vừa phải xử lý nghiêm, vừa phải tuyên truyền. Mà tuyên truyền bằng thực tiễn, bằng chính vụ việc này”, Chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa nhận định.
LÂM HOÀNG