Kiểm điểm có được miễn trách nhiệm hình sự?
Sau nhiều lần tạm hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 22/8 vừa qua TAND Huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Hủy hoại rừng” xảy ra vào tháng 10/2018. Các bị can bị truy tố về tội "Hủy hoại rừng" gồm các ông Lê Hoàng Phúc, Lục Văn Khoa và Lê Văn Tuyển.
Diễn biến tại các phiên toà lần trước đã được Tạp chí Luật sư Việt nam cập nhật, thông tin về những “màn” tranh cãi nảy lửa giữa đại diện VKS với các Luật sư báo chữa về căn cứ pháp lý của tấm bản đồ hiện trạng, khu vực hủy hoại có phải là rừng, diện tích hủy hoại từ 03 sào lên 03ha… Đặc biệt là trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc tạo “điều kiện” cho hành vi phạm tội mà TAND Huyện Krông Pa đã từng yêu cầu cơ quan CSĐT điều tra làm rõ để tránh bỏ lọt tội phạm…
Ngày 12/04/2023, VKSND Huyện Krông Pa đã có Văn bản số 30/YC-VKS, yêu cầu Cơ quan CSĐT, Công an Huyện Krông Pa điều tra làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện quản lý nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại khu vực triển khai đầu tư dự án trồng rừng của Công ty TNHH Nông sản Phúc Phong Gia Lai, trách nhiệm của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Sông Ba, tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội…
Văn bản yêu cầu điều tra bổ sung của VKSND Huyện Krông Pa.
Căn cứ vào kết quả điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT, ngày 12/6/2023, VKSND Huyện Krông Pa đã ban hành Cáo trạng số 21/CT-VKS, bản cáo trạng nhận định, các cán bộ bao gồm: ông Nay Hem, Chủ tịch UBND xã Chư Drăng; ông Tạ Chí Khanh, Phó Chủ tịch UBND Huyện Krông Pa; ông Hoàng Thi Thơ, cán bộ Ban QLRPH Nam Sông Ba; ông Vũ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai… đã bị cơ quan kiểm điểm phê bình trước tập thể vì vậy không có căn cứ để xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên toà các Luật sư bào chữa tiếp tục tranh luận với đại diện VKS về nội dung “bỏ lọt tội phạm” khi không truy cứu trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong việc lập bản đồ, phê duyệt bản đồ hiện trạng… bởi đây là căn cứ để Ban QLRPH Nam Sông Ba lập biên bản bàn giao đất cho Công ty Phúc Phong phát dọn thực bì. Tuy nhiên, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm, không có căn cứ để xử lý tội hình sự vì các cán bộ (nêu trên) đã bị kiểm điểm trước tập thể.
Có đủ yếu để cấu thành tội "Hủy hoại rừng"?
Tại các phiên tòa xét xử lần trước và tại phiên toà ngày 22/8 vừa qua, cả 03 bị cáo Phúc, Khoa, Tuyển đều cho rằng, việc phát dọn thực bì là căn cứ vào bản đồ vị trí khu vực lập dự án trồng rừng đã được Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, Trưởng Ban QLRPH Nam Sông Ba, UBND huyện Krông Pa, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai ký xác nhận, chứ không hề có động cơ, mục đích phá rừng.
Bị cáo Lục Văn Khoa phần trần: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vì cuộc sống, bị cáo đã cầm cố hết tài sản, nhà cửa để có tiền thuê đất trồng rừng, với mong muốn cuộc sống khá hơn. Bị cáo tin tưởng vào bản đồ của các cơ quan nhà nước nên mới phát dọn thực bì, chứ không có mục đích, động cơ phá rừng. Nếu bị cáo có ý định phá rừng thì thử hỏi bị cáo có dám đánh đổi, cầm cố hết tài sản để trồng rừng không?”.
Tại phiên tòa, Luật sư An Văn Dương (thuộc Văn phòng Luật sư ATK, TP. Hà Nội - người bào chữa cho bị cáo Lê Hoàng Phúc) cho rằng, cáo buộc của VKSND Huyện Krông Pa trong bản cáo trạng là không có cơ sở, bởi, Công ty Phúc Phong thực hiện việc phát dọn thực bì, chuẩn bị trồng rừng là theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai.
“Dưới góc độ cấu thành tội phạm, tội “Hủy hoại rừng” được hiểu là hành vi đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác làm cho rừng mất hoàn toàn giá trị hoặc làm giảm giá trị đáng kể mà chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong vụ án này, chúng tôi nhận thấy Công ty Phúc Phong đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sản xuất tại xã Chư Drăng. Song song với việc phát dọn thực bì, tổ chức trồng rừng theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai thì phía Công ty Phúc Phong cũng đang trong quá trình hoàn tất thủ tục xin thuê đất theo đúng quy định của pháp luật”.
Luật sư Dương cũng viện dẫn Công văn 954/SNNPTNT-CCKL ngày 16/6/2017 của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai về triển khai công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh, Công văn 2144/UBND-NL ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh Gia Lai về việc triển khai công tác trồng rừng năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Văn bản 2144 có nội dung: “Hiện nay thời vụ trồng rừng năm 2017 đã đến, UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp đang hoàn chỉnh dự án đầu tư, hồ sơ thuê đất (trong đó có Công ty Phúc Phong) được thực hiện đào hố, phát dọn thực bì trên phần diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng không có tranh chấp, đất không có dân sản xuất nông nghiệp”.
Nhằm thực hiện kế hoạch trồng rừng của tỉnh năm 2017, mặc dù chưa có quyết định giao đất, nhưng Công ty Phúc Phong đã trồng được 800ha/6.222ha để đảm bảo kế hoạch và kịp thời vụ. Vì vậy, việc Công ty Phúc Phong triển khai phát dọn thực bì, trồng rừng (trong đó có 03ha thuộc Lô 3) là theo đúng các kế hoạch của cơ quan, ban ngành tỉnh Gia Lai.
Cũng theo Luật sư Dương, Công ty Phúc Phong không hề tác động đến diện tích rừng tự nhiên như kết luận của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi, ngay tại thời điểm được UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chủ trương khảo sát diện tích đất lâm nghiệp đủ điều kiện để đầu tư rừng sản xuất tại xã Chư Drăng thì Nghị quyết số 100/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 chưa được thông qua. Tại thời điểm này, theo Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 04/02/2008 của UBND tỉnh Gia Lai thì Khoảnh 1, 3, Tiểu khu 1396 không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp. Do vậy, việc cơ quan điều tra căn cứ vào Nghị quyết số 100/NQ-HĐND để xác định Công ty Phúc Phong chặt phá rừng trái phép là không có cơ sở.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng tại phiên toà.
Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Giám đốc Công ty Luật Phúc Khánh Hưng - người bào chữa cho các bị cáo Lục Văn Khoa, Lê Văn Tuyển) cho rằng, theo quy định thì rừng sản xuất phải đạt các tiêu chí như: Độ tàn che của các loài cây thân gỗ, tre nứa, cây họ cau là thành phần chính của rừng từ 0,1 trở lên; diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên; chiều cao trung bình của cây rừng là thành phần chính rừng trên đồi, núi đất và đồng bằng từ 5,0m trở lên…
“Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, chúng tôi nhận thấy không có bất kỳ văn bản hay trả lời nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định Lô 3, Khoảnh 3, Tiểu khu 1396 đạt các tiêu chí rừng sản xuất. Do vậy, không đủ cơ sở để xác định Lô 3, Khoảnh 3, Tiểu khu 1396 là rừng”, Luật sư Hưng nhấn mạnh.
Căn cứ vào các hồ sơ tài liệu, diễn biến tại phiên toà, các Luật sư cho rằng, các bị cáo Phúc, Khoa, Tuyển chỉ thực hiện việc phát dọn thực bì, chuẩn bị trồng rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai. Việc phát dọn thực bì được thực hiện trong phạm vi bản đồ hiện trạng được phê duyệt, đồng thời tại vị trí thuộc Lô 3 không phải là rừng tự nhiên. Do đó, đủ cơ sở để khẳng định hành vi của các bị cáo không cấu thành tội “Hủy hoại rừng” như cáo buộc của VKSND huyện Krông Pa.
Sau 01 ngày xét xử, ông Ksor Pep - Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, cho biết: “Vì vụ án có nhiều tình tiết phức tạp nên Hội đồng xét xử cần nghiên cứu thêm và sẽ tuyên án vào lúc 15h ngày 25/8/2023”.
Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tại phiên toà trong chiều ngày hôm nay.
TẢ THANH THIÊN
Sóc Sơn: Góc nhìn của Luật sư về việc một thửa đất bán cho nhiều người