Ảnh minh họa.
Tối 28/7, tài xế Hà Thanh Hưng (45 tuổi, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) điều khiển xe ô tô mang BKS 30E - 455.34, nhãn hiệu Hyundai Santafe, màu đen, gây ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 04 xe ô tô và hàng loạt xe máy khiến một người chết ở Hà Đông. Tại cơ quan Công an, lái xe Hưng thừa nhận bản thân không làm chủ được tốc độ, đồng thời cho biết bản thân có tiền sử bị bệnh động kinh nặng, mỗi khi lên cơn gần như trí nhớ không còn. Thời điểm xảy ra tai nạn, Hưng khai không biết đã gây ra chuyện gì.
Vụ việc xảy ra, nhiều ý kiến đã bày tỏ quan tâm về việc lái xe Santafe bị tiền sử động kinh mà vẫn được cấp giấy phép lái xe, điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ai sẽ chịu trách nhiệm? Lái xe gây tai nạn khi sức khỏe có vấn đề thì có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?
Theo Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn giao thông do yếu tố kỹ thuật hay do lỗi của người điều khiển xe Santafe, từ đó xác định có khởi tố vụ án hình sự hay không.
Trong trường hợp, Cơ quan điều tra xác minh nguyên nhân gây tai nạn là do lỗi của người điều khiển xe Santefe gây ra thì sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý theo quy định của pháp luật. Khi đó, người điều khiển xe Santafe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ". Vụ tai nạn khiến 01 người tử vong, người điều khiển xe Santafe sẽ đối mặt với mức hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù theo quy định tại khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, người điều khiển xe Santafe gây tai nạn còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Bao gồm chi phí cứu chữa đối với những nạn nhân bị thương, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân thường tích, chi phí mai táng đối với nạn nhân đã tử vong và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đồng quan điểm, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cũng cho biết, nếu lời khai của lái xe Santafe (Hà Thanh Hưng) rằng có tiền sử bị bệnh động kinh là đúng thì cần làm rõ nhiều vấn đề, thời điểm tài xế Hưng bị bệnh, thời gian sát hạch và được cấp bằng lái xe, có trách nhiệm của đơn vị đã cấp bằng lái xe và trách nhiệm của đơn vị cấp giấy khám sức khỏe cho tài xế hay không...
Theo Luật sư Bình, tại Điều 10 của Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT) đã quy định trách nhiệm của người lái xe đó là: Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe...
"Điều kiện về sức khỏe của tài xế là yếu tố vô cùng quan trọng, yếu tố sức khỏe sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn khi tham gia giao thông, bởi chỉ khi đủ sức khỏe tối thiểu thì lái xe mới có thể tham gia giao thông an toàn", Luật sư Bình cho hay.
Theo Luật sư, đối với điều kiện sức khỏe của lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã quy định cụ thể đó là, người tham gia thi bằng lái xe ô tô chỉ cần thực hiện khám sức khỏe tại các trung tâm y tế và đưa giấy khám sức khỏe vào hồ sơ học lái xe ô tô.
Luật sư Bình dẫn chứng, theo phụ lục số 01 Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ GTVT) quy định những trường hợp không được thi bằng lái xe ô tô gồm có:
Người bị rối loạn tâm thần cấp tính, hoặc đã chữa khỏi nhưng chưa quá 24 tháng; Người bị rối loạn tâm thần mạn tính; Động kinh; Người có thị lực dưới 5/10 (Thị lực được đo thi đeo kính); Người tật về mắt bao gồm quáng gà, bệnh chói sáng; Khuyết tật cụt 2 ngón tay trở lên; Khuyết tật cụt một bàn chân trở lên.
Bên cạnh đó, tại Điều 10 của Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của người lái xe đó là: Cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh, tật của bản thân và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp khi khám sức khỏe; tuân thủ các hướng dẫn, chỉ định của nhân viên y tế trong quá trình thực hiện khám sức khỏe; phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe; chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế hoặc cơ quan quản lý nhà nước về GTVT...
"Như vậy, theo quy định người bị động kinh không được phép học, thi cũng như điều khiển phương tiện. Ở đây là tài xế Hưng khi đi khám sức khỏe có khai báo trung thực về tiền sử bệnh tật của mình hay không? Đây không được xem là sự kiện bất ngờ hay bất khả kháng nếu bản thân Hưng biết sai nhưng vẫn thực hiện", Luật sư Bình khẳng định.
Bị động kinh gây tai nạn, ai chịu trách nhiệm?
Về việc tài xế Hưng gây tai nạn khi bị vấn đề sức khỏe như vậy, thì liệu có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trong trường hợp người tài xế bị động kinh là nguyên nhân gây ra tai nạn thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự và dân sự.
Về vấn đề này, theo Luật sư Hà Thị Khuyên, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra sẽ yêu cầu gia đình cung cấp hồ sơ bệnh án, đơn thuốc và quá trình điều trị tâm thần của tài xế. Đồng thời, điều tra làm rõ trình tự thủ tục cấp Giấy phép lái xe của đơn vị đã cấp bằng lái xe cho người này có đúng quy định hay không.
Nếu có căn cứ cho thấy có hành vi cấp Giấy phép lái xe cho người tâm thần dẫn đến hậu quả người này tham gia giao thông và gây tai nạn chết người thì Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Giả mạo trong công tác" quy định tại Điều 359, Bộ luật Hình sự năm 2015 hoặc tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015, hoặc tội danh khác có liên quan đến thủ tục cấp Giấy phép lái xe.
Nếu tại thời điểm thi sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cho người điều khiển xe Santafe mà người này không bị tâm thần hoặc đã điều trị ổn định, kết quả khám sức khỏe đủ điều kiện để lái xe mà sau khi được cấp Giấy phép lái xe mới bị bệnh hoặc mới tái phát, thì cơ quan chức năng không xem xét trách nhiệm của đơn vị cấp Giấy phép lái xe.
"Tai nạn giao thông là sự cố bất ngờ xảy ra trong quá trình tham gia giao thông, gây ra bởi phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông làm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Do đó, khi tham gia giao thông người dân cần chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ; điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định, chú ý quan sát, không chạy quá tốc độ cho phép, giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông. Ngoài ra, cần siết chặt hoạt động đào tạo, thi sách hạch, cấp Giấy phép lái xe cho người tham gia giao thông. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo lái xe, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung về đào tạo lái xe, kịp thời phát hiện các vi phạm", Luật sư Hà Thị Khuyên bày tỏ quan điểm.
HOÀNG NGUYỄN
Xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí không dừng: Trách nhiệm thuộc về ai?