(LSVN) - Hành vi gây tai nạn giao thông gây hậu quả nghiệm trọng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng hậu quả, tính chất, mức độ mà hành vi này sẽ phải đối diện với các trách nhiệm pháp lý như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, xử phạt hành chính.
Như tin đã đưa vào lúc 01 giờ 20 phút ngày 22/11, tại km 118+500 Quốc lộ 6 thuộc xóm Tâm Bát, xã Phú Cường, Tân Lạc, Hoà bình xảy ra vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng. Xe ô tô khách mang biển kiểm soát 20B-009.11 loại giường nằm, 38 chỗ nằm, 2 chỗ ngồi, trên xe chở 35 hành khách. Lái xe là anh Nguyễn Đức Phụng (sinh năm 1974, trú tại: Phúc Khánh, Hưng Hà, Thái Bình) điều khiển xe chạy theo hướng Sơn La đi Hà Nội. Khi đến địa điểm trên đã đâm vào hệ thống lan can phòng hộ bằng tôn lượn sóng bên trái đường theo hướng Sơn La – Hà Nội, sau đó tiếp tục đâm vào miệng rãnh thoát nước bên phải đường theo hướng Sơn La – Hà Nội và lật nghiêng bên trái.
Hậu quả xe ô tô khách bị hư hỏng nặng; anh Lường Văn Mai (sinh năm 1968 trú tại bản Pá Phang 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La) và anh Hoàng Văn Phọng (sinh năm 1991, trú tại bản Pho Lúa, xã Mường Hung, huyện Sông Mã, Sơn La) tử vong tại chỗ. Ngoài ra còn 10 hành khách ngồi trên xe bị thương.
Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý của lái xe và chủ xe gây tai nạn?
Với lái xe điều khiển xe gây tai nạn chết người
Trách nhiệm hình sự
Trường hợp lái xe gây tai nạn không chấp hành đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Để cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, chủ thể bắt buộc phải có hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Hành vi này có thể là không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các quy định an toàn giao thông đường bộ, việc xác định hành vi vi phạm các quy định về điểu khiển phương tiện giao thông đường bộ không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự mà phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.
Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được thực hiện do lỗi vô ý do tự tin hoặc lỗi vô ý do cẩu thả. Dù là lỗi vô ý do quá tự tin hay vô ý do cẩu thả và đáp ứng đủ các điều kiện cấu thành tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" thì lái xe gây tai nạn có thể phải đối mặt với mức cao nhất của khung hình phạt 15 năm tù nếu làm chết 03 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, Điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 bổ sung nội dung “có sử dụng chất ma túy” là tình tiết định khung tăng nặng.
Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: ... b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; đ) Làm chết 02 người; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; ... 3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; ... |
Trách nhiệm dân sự
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi trong trường hợp người nào có lỗi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Trường hợp xâm phạm gây thiệt hại đến tính mạng của người khác thì còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các nạn nhân theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật quy định. ... |
Xử phạt vi phạm hành chính
Thêm vào đó, nếu lái xe sử dụng chất ma túy gây tại nạn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện kiểm tra vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều tài xế tìm mọi cách để trốn tránh, tỏ thái độ thiếu hợp tác, không cho lấy nước tiểu để xét nghiệm. Bởi quy trình kiểm tra lái xe trong cơ thể có sử dụng ma túy phải mất khá nhiều thời gian.
Nếu phát hiện lái xe dương tính với ma túy sau khi kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng còn phải đưa lái xe đến bệnh viện xét nghiệm để bảo đảm có đủ căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề kiểm tra sức khỏe định kỳ cho các lái xe. Trong khi nhiều lái xe phải chịu áp lực lớn về mức doanh thu và thời gian vận chuyển hàng hóa do các doanh nghiệp đưa ra.
Có thể nói rằng, chế tài xử phạt trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã tăng cao, đã có tính răn đe lớn, nhưng các hành vi vi phạm do người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia, ma túy vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi.
Để xử lý nghiêm minh, có tính răn đe và phòng ngừa hậu quả nghiêm trọng xảy ra đối với người sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện giao thông, đề nghị ban soạn thảo bổ sung hình thức xử phạt tước vĩnh viễn quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với hành vi vi phạm này, vì thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông nhiều nhất với hậu quả nặng nề nhất hiện nay phần lớn là do lái xe sử dụng ma túy.
Với chủ doanh nghiệp lái xe
Trách nhiệm hình sự
Trường hợp chủ doanh nghiệp lái xe của lái xe gây tai nạn không chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dấu hiệu bắt buộc của tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" là người giao phương tiện giao thông đường bộ cho người khác điều khiển phải biết người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp lái xe của lái xe gây tai nạn không chấp hành đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật và có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội "Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ" thì phải chịu trách nhiệm liên đới với lái xe gây tai nạn và có thể phải đối mặt với mức cao nhất của khung hình phạt lên đến 07 năm tù theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Điều 264. Tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ. 1. Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; ... 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên. |
Xử phạt vi phạm hành chính
Bên cạnh đó, nếu chủ doanh nghiệp lái xe còn có thể bị phạt tiền nếu không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định theo Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Theo đó:
Điều 28. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ ... Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: đ) Không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ các nội dung theo quy định. ... |
Như vậy, chủ doanh nghiệp lái xe còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 20.00.000 đồng nếu không đảm bảo được các yêu cầu về sức khỏe của lái xe tại doanh nghiệp mình khi tham gia hoạt động kinh doanh vận tải.
Khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm quy định này, chủ doanh nghiệp lái xe sẽ bị xử phạt theo khoản 6 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm trong đó có.
Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng gây hoang mang trong dư luận, có liên quan đến việc lái xe dùng ma túy. Dù chưa có thông tin chính thức về việc lái xe gây tai nạn ở Hòa Bình có điều khiển xe khi sử dụng chất ma túy hay không thì việc các chủ doanh nghiệp lái xe đảm bảo sức khỏe cũng như việc kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe là vô cùng quan trọng. Trên thực tế, pháp luật cũng quy định rất cụ thể vấn đề này.
Cụ thể, Điều 4 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cũng quy định về quy trình bảo đảm an toàn giao thông liên quan đến kiểm nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe.
Điều 4. Quy định chi tiết về quy trình bảo đảm an toàn giao thông Quy trình đảm bảo an toàn giao thông phải đảm bảo theo trình tự các bước và nội dung tối thiểu như sau: ... Trước khi giao nhiệm vụ vận chuyển mới cho người lái xe, Bộ phận quản lý các điều kiện về an toàn giao thông tại các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe công-ten-nơ hoặc cán bộ được phân công theo dõi an toàn giao thông tại các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá (sau đây gọi chung là Bộ phận (cán bộ) quản lý an toàn giao thông) phải thực hiện các nhiệm vụ: c) Kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy đối với người lái xe (nếu đơn vị có trang bị thiết bị, dụng cụ kiểm tra). ... |
Đồng thời, theo quy định tại Điều 11 Thông tư 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe thì chủ doanh nghiệp vận tải có trách nhiệm sử dụng lái xe bảo đảm sức khỏe theo tiêu chuẩn, quản lý và theo dõi sức khỏe, hồ sơ sức khỏe của lái xe.
MỸ LINH - THANH LOAN