Vừa qua, TAND Tối cao đã bác kiến nghị của VKSND cùng cấp về việc hủy quyết định giám đốc thẩm, xét xử lại vụ ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Quyết định được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đưa ra sau phiên họp chiều 07/4. Quan điểm cụ thể của toà chưa được công bố.
Như vậy, đây là quyết định cuối cùng theo quy trình tố tụng, khép lại vụ Tranh chấp hôn nhân gia đình giữa ông Vũ và bà Thảo kéo dài 7 năm.
Trước đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã có kiến nghị về việc xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (người sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Đồng thời kiến nghị đề nghị hủy các bản án, quyết định vụ "Tranh chấp hôn nhân gia đình" giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xét xử lại.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết vụ án này đã đi đến tận cùng của các thủ tục pháp lý và việc TAND Tối cao bác kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao là thủ tục cuối cùng đối với vụ án này, trừ trường hợp có tình tiết chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ án có thể xem xét theo thủ tục tái thẩm.
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì Tòa án xét xử hai cấp là sơ thẩm và phúc thẩm. Nếu bản án sơ thẩm không có kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn luật định thì sẽ có hiệu lực pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị thì Tòa án sẽ tiếp tục giải quyết theo thủ tục phúc thẩm, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật và các đương sự phải có nghĩa vụ chấp hành. Tuy nhiên trong quá trình chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng vẫn không đồng ý với nội dung bản án thì các đương sự có quyền kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm. Viện Kiểm sát cũng có thẩm quyền kiến nghị xem xét giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Thực tế vụ trong án này, sau khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm TAND Tối cao không có kháng nghị nhưng căn cứ vào đơn kiến nghị của bà Thảo thì Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án này. Theo quy định của pháp luật thì sau khi có văn bản kháng nghị giám đốc thẩm thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao sẽ phải tiến hành xem xét nội dung văn bản kháng nghị đó theo thủ tục giám đốc thẩm. Thẩm quyền của Hội đồng Thẩm phán có quyền chấp nhận một phần hoặc toàn bộ kháng nghị hoặc bác toàn bộ kháng nghị. Trong vụ này, khi xem xét kháng nghị của Viện trưởng VKSNN Tối cao, Hội đồng Thẩm phán đã quyết định bác toàn bộ kháng nghị để giữ nguyên bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, bắt buộc các đương sự phải chấp hành.
Nếu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2003 trước đây thì thủ tục như vậy là kết thúc, sẽ không còn thủ tục nào xem xét lại quyết định giám đốc thẩm. Tuy nhiên Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về thủ tục đặc biệt là xem xét lại cả quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Cụ thể, Điều 358 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, đương sự đã không thể biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc đề nghị của Chánh án TAND Tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại quyết định đó.
Trường hợp có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Trường hợp có kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc Chánh án TAND Tối cao phát hiện vi phạm, tình tiết mới thì Chánh án TAND Tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán TAND Tối caoxem xét kiến nghị, đề nghị đó.
Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét kiến nghị, đề nghị quy định tại khoản 3 Điều này phải có sự tham dự của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Như vậy, theo quy định này thì quyết định giám đốc thẩm trong vụ án dân sự chưa phải là quyết định cuối cùng. Nếu có căn cứ cho thấy có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì có thể tiến hành thủ tục đặc biệt, trong đó Viện trưởng VKSND Tối cao cũng có thẩm quyền kiến nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm đã ban hành trước đó.
Sau khi nhận được yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội hoặc sau khi Chánh án TAND Tối cao có văn bản đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 358 của Bộ luật này, TAND Tối cao gửi cho VKSND Tối cao bản sao văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc đề nghị đó kèm theo hồ sơ vụ án để VKSND Tối cao nghiên cứu và chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị, yêu cầu. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, VKSND Tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho TAND Tối cao.
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án TAND Tối cao có văn bản đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị.
TAND Tối cao thông báo bằng văn bản về thời gian mở phiên họp để xem xét kiến nghị, đề nghị cho Viện trưởng VKSND Tối cao.
Đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được mời tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để xem xét kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội.
Theo Điều 360 Bộ luật Dân sự năm 2015, sau khi nghe Chánh án TAND Tối cao báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được mời tham dự (nếu có) và khi xét thấy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định thì tùy từng trường hợp, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quyết định như sau:
- Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;
- Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TAND Tối cao có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật;
- Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp dưới giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao biểu quyết tán thành.
Trong vụ án này, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, sau khi có kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã họp xem xét nội dung và đã quyết định không chấp nhận kiến nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành trước đó để giữ nguyên bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. Như vậy đây là thủ tục tố tụng cuối cùng để xem xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đối với vụ ly hôn này. Nếu không đồng ý với nội dung phán quyết này của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì tất cả các đương sự cũng như các cơ quan tổ chức có thẩm quyền cũng không còn quyền nào để yêu cầu cấp có thẩm quyền xem xét lại.
Tuy nhiên, pháp luật còn quy định thủ tục tái thẩm. Nếu có căn cứ để đề nghị xem xét tái thẩm đối với vụ án này thì cơ quan có thẩm quyền và các đương sự có quyền đề nghị xem xét. Tuy nhiên căn cứ để đề nghị tái thẩm được pháp luật quy định rất rõ ràng như sau: Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó.
Điều 352. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây: 1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án; 2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ; 3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; 4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy bỏ. |
Như vậy, trong trường hợp có tình tiết mới quan trọng mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án có cơ sở để chứng minh kết luận của bản án sơ thẩm và phúc thẩm là không đúng pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên đường sự thì khi đó vụ án mới có thể được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Còn các tình tiết chứng cứ mà các đương sự có, đã xuất trình cho Tòa án và Tòa án đã xem xét nhưng không chấp nhận thì Tòa án sẽ không xem xét lại những tình tiết chứng cứ đó. Những tình tiết chứng cứ mới phải có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án mà Tòa án trước đây chưa xem xét thì mới có cơ hội để thực hiện thủ tục tái thẩm.
"Có thể thấy rằng vụ án này đã kéo dài nhiều năm, rất phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, quyền lợi của nhiều bên đường sự. Sau khi thụ lý đơn, Tòa án đã mất một thời gian rất dài để xem xét giải quyết và đã có kết luận trong bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. Tất cả các thủ tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục đặc biệt đều không được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận. Đến nay cũng không có tài liệu chứng cứ gì mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án nên có lẽ vụ án này sẽ dừng lại ở đây. Các bên đường sự có nghĩa vụ phải chấp hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án theo quy định của pháp luật", Luật sư Cường đánh giá.
TIẾN HƯNG
Vụ ly hôn vợ chồng Trung Nguyên: VKSND Tối cao kiến nghị tăng tỉ lệ tài sản bà Thảo được chia