/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ nữ doanh nhân kiện bà Phương Hằng: Căn cứ yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm

Vụ nữ doanh nhân kiện bà Phương Hằng: Căn cứ yêu cầu bồi thường danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm

03/06/2021 04:29 |

(LSVN) - Danh dự, uy tín của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Trường hợp cá nhân có căn cứ cho thấy có người đã xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc sử dụng thông tin hình ảnh của cá nhân trái phép, xâm phạm bí mật cá nhân và bí mật gia đình trái pháp luật thì có quyền yêu cầu người vi phạm phải dừng hành vi vi phạm pháp luật, cải chính xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Hành vi đưa thông tin sai sự thật, vu khống xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì tùy vào tính chất mức độ, hậu quả mà hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ việc bà Lê Thị Giàu đã khởi kiện bà Nguyễn Phương Hằng vì cho rằng bị bà Hằng "xúc phạm quá đáng danh dự, nhân phẩm". Bà Giàu đòi bà Hằng phải bồi thường 1.000 tỉ đồng.

Theo đơn khởi kiện của bà Lê Thị Giàu cho biết, năm 2017 bà có quan hệ quen biết với bà Hằng khi đến viếng chùa Phước Sơn thiền viện tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Bà Giàu cho rằng mình và bà Hằng không có quan hệ làm ăn, không phải là bạn bè, nhưng thời gian này bà Hằng thường nhắn tin cho bà với lời lẽ xúc phạm, mang tính đe dọa, bà đã lập vi bằng về các tin nhắn này.

Đến ngày 14/5/2021, bà Phương Hằng livestream công bố các thông tin về bà Lê Thị Giàu và sư thầy Bửu Chánh.

Nguyên đơn Lê Thị Giàu cho rằng bà Phương Hằng đã xúc phạm danh dự, uy tín của mình, bịa đặt, vu khống bà "ép bức sư Bửu Chánh - trụ trì chùa Phước Sơn - trả lại tiền và xe cho bà Hằng", "thùng tiền công đức của chùa do bà Giàu quản lý", "bà Giàu là "doanh nhân siêu lừa đảo", "hung dữ, mua tượng Phật và hoa không trả tiền".

Do đó, bà Lê Thị Giàu đã khởi kiện, yêu cầu TAND quận 1 buộc bà Nguyễn Phương Hằng chấm dứt ngay hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của bà, buộc bà Hằng gỡ bài nói về bà, công khai xin lỗi và cải chính trên mạng YouTube. Bà Giàu cũng yêu cầu tòa án buộc bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường tổn thất vật chất và tinh thần cho bà với số tiền 1.000 tỉ đồng.

Chia sẻ về một số vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc này, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của công dân tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả của xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì mọi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến như vậy phải trên cơ sở pháp luật, tôn trọng pháp luật và tôn trọng các quyền tự do cơ bản khác của công dân. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật thì chỉ có cơ quan chức năng mới có quyền kết luận là hành vi của ai đó có vi phạm pháp luật hay không. Bởi vậy, không cá nhân nào được lợi dụng quyền tự do ngôn luận để thay cơ quan chức năng quy kết hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, không được chửi bới, sỉ nhục, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Việc bày tỏ thái độ, quan điểm, lối sống, thực hiện các quyền tự do ngôn luận không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân... 

Các quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, quyền được bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, quyền được bảo vệ về danh dự nhân phẩm... Ngoài ra, Bộ luật Dân sự và các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng có nhiều quy định để bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Việc thực hiện các quyền cơ bản này phải trên cơ sở pháp luật, phải trong khuôn khổ pháp luật, bị giới hạn bởi pháp luật theo nguyên tắc “quyền tự do của chủ thể này bị giới hạn bởi quyền tự do của chủ thể khác”. Nếu người nào thực hiện quyền tự do của mình đi quá giới hạn thì sẽ xâm phạm đến quyền tự do của người khác.

Pháp luật Việt Nam cho phép thậm chí khuyến khích công dân sử dụng internet, sử dụng mạng xã hội và thực hiện các tính năng của mạng xã hội trong đó có tính năng phát trực tiếp. Tuy nhiên việc thực hiện các dịch vụ mạng xã hội phải trên cơ sở các quy định của pháp luật, nghiêm cấm việc sử dụng thông tin trên mạng internet, mạng viễn thông để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân.

Hiện nay, việc đưa tin trên mạng xã hội phải tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng năm 2018. Theo đó Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm tại Điều 8, Điều 16, Điều 17, Điều 18 để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân. Thực hiện các hành vi bị cấm trên không gian mạng là sẽ gây nguy hiểm cho xã hội, gây tổn hại đến lợi ích kinh tế, đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Trong các hành vi bị cấm trên không gian mạng có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác, tiết lộ bí mật đời tư của người khác gây ra những tổn thương về đời sống tâm lý, sức khỏe của người khác.

Theo Hiến pháp 2013 thì "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình". 

Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định rõ: Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

Như vậy, danh dự, uy tín của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Trường hợp cá nhân có căn cứ cho thấy có người đã xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của cá nhân hoặc sử dụng thông tin hình ảnh của cá nhân trái phép, xâm phạm bí mật cá nhân và bí mật gia đình trái pháp luật thì có quyền yêu cầu người vi phạm phải dừng hành vi vi phạm pháp luật, cải chính xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Hành vi tiết lộ bí mật đời tư cá nhân, đưa thông tin sai sự thật, vu khống xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì tùy vào tính chất mức độ, hậu quả mà hành vi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Về chế tài hành chính: Nếu hành vi xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, vụ không, bịa đặt, xuyên tạc thông tin về người khác mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP mức phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng nếu như hành vi diễn ra trong đời sống xã hội. 

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”.

Còn trường hợp hành vi vi phạm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác trên không gian mạng (như trên Facebook, YouTube...) thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức chế tài có thể lên đến 20.000.000 đồng. 

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;”.

Điểm g, khoản 3 Điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng quy định hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Chế tài hình sự được áp dụng trong trường hợp nào?

Trường hợp hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác đến mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, đời sống, sức khỏe của nạn nhân, gây ra dư luận xấu trong xã hội thì hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, khi đó sẽ không xử phạt hành chính theo các văn bản pháp luật nêu trên mà sẽ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 hoặc tội "Vu khống" theo Điều 156, tội "Truyền hoặc đưa trái phép thông tin mạng máy tính mạng viễn thông" theo Điều 288, tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuỳ thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.

Bởi vậy, trong trường hợp nguyên đơn khởi kiện vụ án dân sự cho rằng bị đơn đã xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của nguyên đơn. Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án xét thấy hành vi là vu khống và xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của nguyên đơn, hành vi được xác định đến mức nguy hiểm cho xã hội thì tòa án dân sự cũng có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với hành vi sai phạm của bị đơn. Còn trường hợp, trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án thấy có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và buộc bị đơn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Theo Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 thì các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quan hệ dân sự như sau: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”.

Về cách xác định thiệt hại được quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo Luật sư Cường, trong vụ kiện này thì nữ doanh nhân có trách nhiệm cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi của bà Phương Hằng là đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nữ doanh nhân này và gây thiệt hại đến nữ doanh nhân.

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định nguyên đơn có quyền khởi kiện và có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa án chỉ giải quyết khi đương sự có yêu cầu và trong phạm vi yêu cầu của các đương sự. Đương sự đưa ra yêu cầu thì phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình bằng các chứng cứ. Trong trường hợp đương sự không thể thu thập được chứng cứ tài liệu thì có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định pháp luật.

Việc kết luận hành vi của bị đơn có vi phạm pháp luật hay không sẽ phụ thuộc vào chứng cứ mà hai bên đương sự cung cấp và phụ thuộc vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Tòa án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai để kết luận bà Phương Hằng có vi phạm pháp luật hay không, có xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hay không trên cơ sở đó sẽ xem xét đến việc bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại trên thực tế phát sinh. Có hành vi vi phạm pháp luật thì nguyên đơn chứng minh thiệt hại đến đâu, tòa án xem xét có căn cứ thì sẽ chấp nhận đến đó, không phụ thuộc vào mức yêu cầu ban đầu mà nguyên đơn đưa ra.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì người yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí. Bởi vậy, trong vụ án này nguyên đơn có yêu cầu bồi thường thiệt hại bao nhiêu tiền chăng nữa thì cũng không phải nộp tiền tạm ứng án phí, nếu có thua kiện thì cũng không phải chịu án phí. 

Ngược lại, nếu tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định bị đơn có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nguyên đơn đồng thời nguyên đơn chứng minh được có thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra thì tòa án sẽ chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở các tài liệu chứng cứ để chứng minh thiệt hại. Trong trường hợp bị đơn thua kiện, phải bồi thường thiệt hại thì đồng nghĩa với việc phải nộp án phí cho nhà nước trên cơ sở giá trị phần trăm của số tiền bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Luật sư Cường chia sẻ thêm, trong trường hợp tòa án kết luận hành vi của bà Hằng là sai phạm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì đồng nghĩa với việc nguyên đơn sẽ được xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại trên cơ sở những thiệt hại thực tế xảy ra. Có thể thiệt hại không đến 1000 tỉ như yêu cầu ban đầu của nguyên đơn nhưng riêng về thiệt hại tinh thần, tòa án sẽ xem xét trong phạm vi không quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên.

HỒNG HẠNH

Nữ doanh nhân kiện bà Phương Hằng đòi bồi thường 1.000 tỉ đồng

Lê Minh Hoàng