/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vụ ô tô tải đè 3 người tử vong: Nguyên nhân xe 'mất phanh' không được coi là bất khả kháng

Vụ ô tô tải đè 3 người tử vong: Nguyên nhân xe 'mất phanh' không được coi là bất khả kháng

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Trường hợp khi tham gia giao thông mà để xảy ra tai nạn, thì nguyên nhân xe “mất phanh” không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện, người quản lý, sử dụng xe và cả người có trách nhiệm bảo dưỡng.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội.

Ngày 05/6, Công an huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Doanh (29 tuổi, quê huyện Mỹ Đức, Hà Nội) để điều tra trách nhiệm liên quan vụ tai nạn khiến 3 người tử vong.

Trong quá trình điều tra, Nguyễn Văn Doanh khai trước khi tai nạn xảy ra, xe bị mất phanh khiến đối tượng này không làm chủ được tốc độ. Tuy nhiên, hình ảnh từ camera hành trình của ô tô cho thấy Doanh đã điều khiển phương tiện chở đất với tốc độ cao, vượt xe không đảm bảo an toàn. Sự việc khiến 3 người trên xe con tử vong tại chỗ, một người khác bị thương.

Vậy, nếu lời khai của đối tượng Doanh là đúng, pháp luật quy định như thế nào về việc xử lý tài xế gây tai nạn khi xe bị mất phanh? 

Xử lý thế nào? 

Về sự việc nêu trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định với mức độ, tính chất nghiêm trọng của vụ tai nạn trên, cơ quan điều tra cần xem xét, làm rõ các tình tiết của vụ việc cũng như nguyên nhân, hậu quả để xác định trách nhiệm và chế tài đối với tài xế xe tải.

Trên phương diện pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền có một số quan điểm. Cụ thể, đối với tài xế xe tải khi để ô tô mất phanh trong trường hợp bất khả kháng, thông thường, bất kỳ loại phương tiện nào cũng phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật, đảm bảo an toàn mới được tham gia giao thông. Tại Điều 10 Thông tư 53/2014/TT-BGTVT đã quy định rõ trách nhiệm của đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe trong việc kiểm tra tình trạng hoạt động đảm bảo an toàn kỹ thuật cho xe cơ giới trước khi tham gia giao thông.

Đồng thời, những người này cũng có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên để nắm chắc tình trạng kỹ thuật của xe. Qua đó, kịp thời phát hiện, khắc phục các hư hỏng, đảm bảo cho xe cơ giới hoạt động an toàn, ổn định.

Từ quy định trên có thể thấy, trường hợp khi tham gia giao thông mà để xảy ra tai nạn, thì nguyên nhân xe “mất phanh” không được coi là bất khả kháng mà xuất phát từ lỗi của chủ phương tiện, người quản lý, sử dụng xe và cả người có trách nhiệm bảo dưỡng. Như vậy, trong vụ việc trên, khi có tai nạn và hậu quả xảy ra, những người này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết thêm, đối với lời khai xe ô tô mất phanh trong vụ tai nạn của đối tượng nêu trên, cơ quan điều tra có thể có thể kiểm tra thông qua hệ thống hộp đen trên xe xem tài xế có thực sự đạp phanh trong tình huống gây tai nạn hay không. Ngoài ra, trên các loại xe trọng tải lớn, ngoài phanh chân thông thường, các xe này đều có hệ thống ly hợp (chân côn) và hệ thống phanh tay để giảm tốc độ xe trong trường hợp khẩn cấp.

Tuy nhiên, căn cứ vào clip được ghi lại bởi xe đối diện cho thấy, hành vi vượt xe trọng tải lớn trong hoàn cảnh không an toàn mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc tài xế không kịp xử lý và gây tai nạn. Trong trường hợp nguyên nhân của vụ tai nạn không phải do xe mất phanh mà do tài xế lái xe với tốc độ cao, vượt xe không đảm bảo an toàn, vi phạm quy định về Luật Giao thông đường bộ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Với hậu quả là làm chết 03 người, khung hình phạt đặt ra đối với tài xế Doanh là từ 7 - 15 năm tù. Ngoài ra, còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là cấm hành nghề từ 1 - 5 năm.

Ngoài ra, Luật sư Trần Xuân Tiền nhận định: "Trong các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân liên quan đến yếu tố kỹ thuật (như hệ thống phanh, máy móc, tay lái trên xe), cơ quan điều tra cần hết sức thận trọng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia thuộc lĩnh vực giao thông đường bộ, để xác định nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật hay do lỗi của người lái để làm rõ trách nhiệm pháp lý".

PV

Quốc hội thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

 

Nguyễn Mỹ Linh