Vụ trộm xe ô tô của chính mình tại bãi trông giữ xe tang vật: Chưa đủ căn cứ truy tố bị can tội 'Trộm cắp tài sản'

16/09/2022 03:06 | 2 năm trước

(LSVN) - Luật sư Đặng Xuân Cường cho rằng, bị can Bình bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” là chưa đủ căn cứ.

Trộm xe ô tô của chính mình tại bãi trông giữ xe tang vật.

"Trộm xe" ô tô của chính mình tại bãi trông giữ xe tang vật

Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Bình (SN 1979), trú tại Chí Linh, Hải Dương để điều tra về hạnh vi trộm cắp tài sản.

Theo tài liệu điều tra, tháng 4/2020, Bình mua chiếc ô tô hiệu Toyota Corolla Altis không có giấy tờ với giá 65 triệu đồng để phục vụ nhu cầu đi lại và dạy lái. Tháng 12/2021, Bình về quê nhưng không gửi xe vào bãi mà đậu xe không đúng quy định trên đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm nên bị Đội CSGT số 6 Công an TP. Hà Nội lập biên bản vi phạm, tạm giữ, đưa về bãi xe số 3 Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm. Thời điểm bàn giao xe giữa cơ quan Công an và bảo vệ bãi xe, chiếc ô tô đã được khoá cửa và tháo hơi bánh xe.

Khoảng tháng 5/2022, Bình phát hiện xe ô tô của mình đang để tại bãi xe số 3 Lê Quang Đạo. Hai tháng sau, Bình đến kiểm tra một lần nữa và thấy xe vẫn ở đó, nên nảy sinh ý định trộm, lấy lại chiếc xe. Sau đó, Bình đã đến bãi gửi xe và tự lái xe về một gara ở đường Nguyễn Văn Giáp, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm. 

Phát hiện xe bị mất, nhân viên bãi xe đến trình báo cơ quan Công an. Kết quả giám định sơ bộ của cơ quan Công an xác định chiếc xe tang vật mà Bình lấy trộm trị giá 80 triệu đồng.

Chưa có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản

Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự TAT Law Firm cho rằng, chưa có cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự của bị can Bình về hành vi trộm cắp tài sản quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Luật sư phân tích rõ, tội “Trộm cắp tài sản” quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là tội phạm có cấu thành vật chất, tức hậu quả của hành vi là yêu cầu bắt buộc để xác định người thực hiện hành vi có phạm tội hay không phạm tội. Cụ thể, giá trị tài sản bị trộm cắp tối thiểu phải từ 2.000.000 đồng thì mới thoả điều kiện về hậu quả của hành vi để cấu thành tội phạm (trừ các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự).

Trong vụ việc này, theo kết quả giám định cho thấy chiếc ô tô được cho là "bị đánh cắp" trị giá khoảng 80 triệu đồng. Như vậy, đã thoả mãn yếu tố về mặt hậu quả trong cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”. Hành vi lén lút "lấy lại" chiếc xe của bị can Bình là hành vi trái pháp luật, vì chiếc xe đang là vật chứng trong vụ việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đỗ xe không đúng quy định.

Cụ thể tội danh và hình phạt được Bộ luật Hình sự quy định như sau:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

"Về hình thức, hành vi lén lút của bị can Bình có vẻ như là một sự chiếm đoạt, tuy nhiên trong vụ việc này, bị can Bình bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” là chưa đủ căn cứ. Bởi lẽ, tại phần giả định của khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự đã quy định rằng: "Người nào trộm cắp tài sản của người khác...". Như vậy, tài sản bị trộm cắp ở đây ngoài việc phải đáp ứng giá trị tối thiểu như đã phân tích thì phải đảm bảo thuộc tính là "của người khác".

Trong khi đó, chiếc ô tô được bị can Bình mua từ một người khác. Quyền sở hữu đã được chuyển giao cho bị can Bình. Việc CSGT lập biên bản vi phạm, tạm giữ, đưa xe về gửi tại bãi xe số 3 Lê Quang Đạo không làm mất đi quyền chủ sở hữu xe của bị can Bình mà chỉ tạm làm mất đi quyền quản lý, sử dụng xe. Do đó, cho đến thời điểm bị can Bình thực hiện hành vi lén lút lấy lại xe thì bị can Bình vẫn là chủ sở hữu của chiếc xe này", Luật sư Luật sư Đặng Xuân Cường bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, hành vi của ông Bình trong tình huống này là hành vi sai trái, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, do đó cũng cần phải có biện pháp xử lý phù hợp để tránh xảy ra thêm những trường hợp tương tự.

TIẾN HƯNG

Vụ cháu bé tự kỷ tử vong: Cần xác định rõ trách nhiệm pháp lý của cơ sở điều trị