(LSVN) - Tội "Dùng nhục hình" trên thực tế đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của nền tư pháp, đi ngược lại tiến trình cải cách tư pháp. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, cá nhân tôi có quan điểm người thực hiện tội phạm không đủ điều kiện để được hưởng án treo và Tòa án cần áp dụng hình phạt tù giam.
Ngày 17/11, Cơ quan Điều tra VKSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đại úy Đặng Thế Đông là Trưởng Công an thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Đồng thời, cơ quan Điều tra VKSND Tối cao cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Trọng Tấn, Nguyễn Vũ Hiệp, Công an viên thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Các bị can bị khởi tố để điều tra tội "Dùng nhục hình” quy định tại khoản 2, Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thông tin điều tra ban đầu xác định, trong quá trình làm việc với ông Vũ Đình H., trú tại thị trấn Vĩnh Tuy, Đặng Thế Đông, Hoàng Trọng Tấn, Nguyễn Vũ Hiệp đã có hành vi tát, bẻ tay ra sau lưng, dùng thuốc đang cháy dí vào móng tay của ông Vũ Đình H. gây cháy, bỏng móng tay, dùng còng số 8 treo 2 tay lên tường… Kết luận giám định xác định ông H. bị tổn thương cơ thể 12%.
Điều 373. Tội dùng nhục hình 1. Người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Phạm tội 02 lần trở lên; b) Đối với 02 người trở lên; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; đ) Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 60%. ... 5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |
Khoản 2, Điều 373 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù. Điều 54,Bộ Luật Hình sự quy định Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt khi người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Cụ thể, Tòa án có thể tuyên mức hình phạt dưới 02 năm tù trong trường hợp này.
Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng 1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này. 2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. 3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án. |
Trong vụ án này, các nghi can rất có thể đủ điều kiện để được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; lập công chuộc tội; bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả,…
Điều 65 Bộ Luật Hình sự quy định về án treo, theo đó khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách.
Điều 65. Án treo 1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. 2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. 3. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này. 4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách. 5. Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này. |
Chế định án treo là chế định mang tính chất tùy nghi nhưng có vai trò vị, trí đặt biệt quan trọng trong chính sách hình sự. Để áp dụng đúng và thống nhất quy định về án treo, ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự. Cụ thể, tại Điều 1 của Nghị quyết quy định: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.
Nghị quyết đã quy định cụ thể những trường hợp không cho hưởng án treo tại Điều 3: “1. Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng...”.
Đối chiếu quy định thấy rằng các nghi can có thể thuộc các trường hợp không được hưởng án treo được Nghị quyết quy định. Cụ thể, các nghi can thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong vụ án này đều là người có chức vụ, quyền hạn và thực hiện hành vi vi phạm trong khi thi hành công vụ. Do vậy, rất có thể bị xem xét, đánh giá thuộc trường hợp "Lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi". Yếu tố trục lợi ở đây không chỉ bao gồm lợi ích vật chất, tiền bạc mà cả các lợi ích khác mà người thực hiện hướng đến và có thể được hưởng như được ghi nhận chiến công, được khen thưởng…
Hành vi "dùng nhục hình" không những gây hậu quả trực tiếp cho người bị hại về thể chất (ông H. bị tổn thương cơ thể 12%), tổn thất về tinh thần,... mà hành vi này còn gây ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của nền tư pháp nước nhà, uy tín ngành Công an… Do vậy, hành vi này có thể bị xem xét dưới góc độ "cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Trường hợp có sự chỉ đạo, phân công, phân nhiệm khi thực hiện hành vi, có thể có một hoặc một số nghi can bị áp dụng tình tiết "Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy".
Mặt khác, Nghị quyết cũng quy định một trong các điều kiện để được hưởng án treo: "Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội".
Đối với loại tội thuộc nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong đó có tội "Dùng nhục hình" trên thực tế đã gây ra sự phẫn nộ rất lớn trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của nền tư pháp, đi ngược lại tiến trình cải cách tư pháp. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, cá nhân tôi có quan điểm người thực hiện tội phạm trong trường hợp này không đủ điều kiện để được hưởng án treo và Tòa án cần áp dụng hình phạt tù giam.
Xin lưu ý, đây chỉ là những phân tích, đánh giá, nhận định mang tính chất chủ quan, dưới góc độ nghiên cứu khoa học, việc xét xử và tuyên bản án tù giam hay cho người phạm tội hưởng án treo là quyền của Hội đồng xét xử trên cơ sở đã xem xét, đánh giá khách quan toàn diện, triệt để, và đầy đủ tài liệu, chứng cứ được thu thập hợp pháp theo quy định của pháp luật. |
Luật sư TRẦN VĂN AN Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang |