/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc từ việc xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT và tổ chức BHYT

Vướng mắc từ việc xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT và tổ chức BHYT

06/11/2023 06:16 |

(LSVN) - Trong giải quyết các vụ án nói chung, giải quyết các vụ án hình sự nói riêng, việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án mà còn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan tiến hành tố tụng cũng xác định chính xác được tư cách tham gia tố tụng của các đương sự bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Trong giải quyết các vụ án nói chung, giải quyết các vụ án hình sự nói riêng, việc xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết đúng đắn vụ án mà còn đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào cơ quan tiến hành tố tụng cũng xác định chính xác được tư cách tham gia tố tụng của các đương sự bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân nên Nguyễn Văn P. đã sử dụng khúc gỗ dài 80cm đánh nhiều nhát vào cánh tay phải, lưng của Lê Thanh L.; Lê Thanh L. bị thương được đưa đi chữa trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh ĐN. Tổng số tiền điều trị cho Lê Thanh L. là 24.465.300 đồng. Do Lê Thanh L. có tham gia BHYT nên số tiền đã bỏ ra để điều trị cho Lê Thanh L. đã được tổ chức BHYT thanh toán theo quy định. Trong quá trình điều tra vụ án, Bệnh viện đa khoa tỉnh ĐN. xác nhận là do tổ chức BHYT đã thanh toán số tiền đã chi phí điều trị cho Lê Thanh L. nên bệnh viện không bị thiệt hại gì, vì vậy không yêu cầu người phạm tội phải bồi hoàn số tiền đã điều trị cho Lê Thanh L. Còn đối với tổ chức BHYT cũng có văn bản không yêu cầu người phạm tội phải bồi hoàn khoản tiền đã bỏ ra để điều trị cho Lê Thanh L., vì đây là quyền của người tham gia BHYT được hưởng.

Vướng mắc

Từ nội dung vụ án như trên cũng như ý kiến của bệnh viện (các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT) và tổ chức BHYT về chi phí đã bỏ ra để điều trị cho bị hại thì đã xảy ra những vướng mắc như sau:

Thứ nhất, trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT không yêu cầu người phạm tội phải bồi hoàn các chi phí đã bỏ ra để điều trị cho bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng có xác định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay không?

Thứ hai, trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có văn bản xác nhận số tiền đã bỏ ra để điều trị cho bị hại đã được tổ chức BHYT thanh toán đầy đủ nên không yêu cầu người phạm tội bồi hoàn thì cơ quan tiến hành tố tụng có xác định tư cách tham gia tố tụng của tổ chức BHYT là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?

Về vướng mắc trên, hiện nay có ba quan điểm khác nhau để giải quyết về việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT và tổ chức BHYT như sau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng, vì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT không yêu cầu người phạm tội phải bồi hoàn số tiền đã chi phí điều trị cho bị hại cho nên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không xem xét đến tư cách tham gia tố tụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Còn đối với tổ chức BHYT, do họ bị thiệt hại về số tiền bảo hiểm từ hành vi phạm tội của người khác nên cần phải xác định họ với tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để buộc người phạm tội phải bồi hoàn cho tổ chức BHYT về số tiền đã bỏ ra để điều trị cho bị hại;

- Quan điểm thứ hai cho rằng, vì số tiền bảo hiểm đã bỏ ra để điều trị cho bị hại là tài sản của Nhà nước, cho nên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT không có quyền từ chối việc hoàn trả của người phạm tội, vì vậy vẫn phải xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và cơ quan tiến hành tố tụng phải buộc người phạm tội phải hoàn trả số tiền đó cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Do đã buộc người phạm tội phải hoàn trả số tiền đó cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho nên sẽ không cần thiết phải xem xét đến tư cách tham gia tố tụng của tổ chức BHYT nữa;

- Quan điểm thứ ba cho rằng, không xác định tư cách tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT và tổ chức BHYT, vì đây là quyền lợi của người tham gia BHYT được hưởng.

Từ những quan điểm nêu trên, theo chúng tôi, để có xác định tư cách tham gia tố tụng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT hay tổ chức BHYT trong trường hợp trên hay không thì cần làm rõ được các vấn đề sau:

Thứ nhất, số tiền mà tổ chức bảo hiểm thanh toán chi phí điều trị cho bị hại thì người phạm tội có trách nhiệm hoàn trả hay không?

Thứ hai, cơ quan nào là cơ quan bị thiệt hại từ việc thanh toán chi phí điều trị cho bị hại?

Chúng tôi cho rằng, về nguyên tắc chung, theo quy định tại Điều 590, 591, Bộ luật Dân sự, thì chi phí điều trị cho bị hại là chi phí hợp lý và người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn toàn bộ. Do đó, bị hại được tổ chức BHYT thanh toán số tiền đã chi phí điều trị đó thì người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi hoàn.

Còn cơ quan nào là cơ quan bị thiệt hại từ việc thanh toán số tiền đã chi phí điều trị cho bị hại? Theo quy định tại khoản 2, Điều 42, Luật BHYT năm 2014, thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT “Được tổ chức BHYT tạm ứng kinh phí và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh đã ký”. Như vậy, rõ ràng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT hoàn toàn không bị thiệt hại nào vì họ đã được tổ chức BHYT thanh toán tiền khám bệnh, chữa bệnh, cho nên thực chất cơ quan bị thiệt hại về số tiền khám bệnh, chữa bệnh đó phải là tổ chức BHYT.

Vậy, tổ chức BHYT có quyền yêu cầu người gây thiệt hại hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bị hại mà tổ chức BHYT đã thanh toán hay không? Chúng tôi thấy rằng, theo quy định tại khoản 5, Điều 40, Luật BHYT năm 2014 quy định quyền của tổ chức BHYT là “Yêu cầu người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tham gia BHYT hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà tổ chức BHYT đã chi trả”. Như vậy, từ quy định này thì tổ chức BHYT hoàn toàn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại cho bị hại phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bị hại mà tổ chức BHYT đã thanh toán chi trả. Đây là số tiền của Nhà nước nên về bản chất thì các tổ chức BHYT không có quyền từ chối không nhận số tiền này.

Từ những phân tích như trên, theo chúng tôi trong các vụ án mà bị hại có tham gia BHYT, số tiền đã chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho bị hại được tổ chức BHYT thanh toán thì cần phải xác định tư cách tham gia tố tụng của tổ chức BHYT với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chứ không phải là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Vì vậy, trong mọi trường hợp thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thu thập chứng cứ để xác định việc tổ chức BHYT có yêu cầu gì hay không về số tiền đã chi trả cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Kiến nghị

Do có những vướng mắc như trên từ thực tiễn công tác giải quyết vụ án, cho nên chúng tôi thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có sự hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Hoàn thiện pháp luật về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam

Nguyễn Hoàng Lâm