/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vướng mắc về xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong vụ án ly hôn

Vướng mắc về xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong vụ án ly hôn

15/11/2022 18:34 |

(LSVN) - Hiện nay, đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Đây được xác định là thủ tục mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các vụ án ly hôn có liên quan đến người chưa thành niên, tác giả thấy quy định này có vướng mắc và bất cập.

Ảnh minh họa.

1. Những vướng mắc, bất cập liên quan đến việc xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong vụ án ly hôn.

1.1. Vụ án hôn nhân mà bị đơn có văn bản thống nhất toàn bộ ý kiến của nguyên đơn trước khi Toà án ra thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hoà giải thí nhất thiết Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án không

Theo quy định vụ án hôn nhân và gia đình nào có liên quan đến người chưa thành niên thì Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự. Đây là một quy định hoàn toàn mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) năm 2015. Việc Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp nhằm mục đích cứ để Toà án xem xét, đánh giá khi giải quyết yêu cầu ly hôn và nuôi con chung chưa thành niên của đương sự trong vụ án, đảm bảo cho quyết định của Toà án là khách quan, công bằng, vừa thấu tình nhưng cũng đạt lý.

Quá trình vận dụng quy định này trong thực tiễn đã đặt ra vấn đề là trong vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến con chưa thành niên mà đương sự thuận tình ly hôn và thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Tòa án có phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án không.

Vấn đề này tại Giải đáp 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 TAND Tối cao hướng dẫn giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có giải đáp như sau: “Khoản 3, Điều 208, BLTTDS năm 2015 quy định: “Đối với vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên, trước khi mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự thì Thẩm phán, Thẩm tra viên được Chánh án Tòa án phân công phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án”. Quy định này thể hiện tính chất đặc thù của vụ án hôn nhân và gia đình, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng, con. Do vậy, đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp là bắt buộc”. Như vậy, theo TAND Tối cao hướng dẫn thì Toà án phải bắt buộc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên.

Qua thực tiễn công tác giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên tại TAND cấp huyện hiện nay cho thấy phần lớn các đương sự trong vụ án đều thống nhất ly hôn và giải quyết việc nuôi con chung. Điều này thể hiện rất rõ qua số liệu tỉ lệ án hoà giải thành chiếm trên 50% số vụ án hôn nhân và gia đình mà Toà án thụ lý giải quyết. Việc hoà giải thành của Toà án có nhiều lý do trong đó theo tác giả là do Toà án đã làm tốt công tác thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp trước khi hoà giải. Điều này đã giúp cho các Thẩm phán nắm được toàn bộ quá trình xảy ra mâu thuẫn của vợ chồng, hiểu được nguyện vọng của vợ, chồng và con trong vụ án là gì để từ đó có hoạch hoà giải phù hợp và đạt hiệu quan. Cho nên tác giả đồng tình với hướng dẫn của TAND Tối cao về vấn đề Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp đối với vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên.

Tuy nhiên, đối với vụ án hôn nhân và gia đình mà bị đơn có văn bản thống nhất toàn bộ ý kiến của nguyên đơn về ly hôn, nuôi con chung, cấp dưỡng nuôi con trước khi Toà án ra thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hoà giải thì theo ý kiến của tác giả Toà án án không cần thiết phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Bởi vì như đã nói mục đích của việc Toà án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp trước khi hoà giải nhằm giúp cho các Thẩm phán nắm được toàn bộ quá trình xảy ra mâu thuẫn của vợ chồng, hiểu được nguyện vọng của vợ, chồng và con trong vụ án để hướng đến việc hoà giải thành hoặc làm că cứ để Hội đồng xét xử xem xét tại phiên toà liên quan đến yêu cầu ly hôn, nuôi con chung và cấp dưỡng nuôi con…Cho nên nếu bị đơn đã thật sự tự nguyện thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về ly hôn và vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con thì việc Toà án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp trước khi hoà giải trong trường hợp này là không còn cần thiết nữa. Bởi vì các đương sự đã thật sự tự nguyện thoả thuận được việc giải quyết vụ án, Thẩm phán cũng không thể nào ra một quyết định khác ngoài ý kiến và nguyện vọng của đương sự trong trường hợp này.

Tác giải xin dẫn chứng như sau: Hiện nay tại các TAND cấp huyện, trong số các vụ án hôn nhân gia đình mà Toà án thụ lý giải quyết có không ít vụ án mà nguyên đơn và bị đơn cùng đến Toà án để yêu cầu giải quyết ly hôn. Bởi vì điều kiện họ đi làm ở các tỉnh, thành phố không có điều kiện và thời gian đi lại nếu vụ án được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng hiện hành. Thông thường trong trường hợp này, Toà án sẽ hướng dẫn nguyên đơn nộp đơn khởi kiện mà không hướng dẫn đương sự yêu cầu giải quyết thuận tình ly hôn. Sau đó, Toà án tiến hành thủ tục thụ lý vụ án và bị đơn gửi luôn cho Toà án văn bản nêu ý kiến của mình chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đồng thời, nguyên đơn và bị đơn có văn bản yêu cầu Toà án tổ chức hoà giải trong ngày hôm đó. Trong trường hợp, này Toà án tổ chức hoà giải và kết quả hoà giải thành. Như vậy, đối với trường hợp này nếu Toà án không chấp nhận hoà giải ngay mà tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp rồi sau đó mới tiến hành hoà giải  trong khi kết quả hoà giải không có gì thay đổi thì xem ra không hợp lý lắm.

1.2. Nguyên nhân mà Toà án bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định là gì

Căn cứ vào quy định định tại khoản 3, Điều 208, BLTTDS năm 2015 thì nguyên nhân mà Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định trong vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên là nguyên nhân của việc ly hôn và việc nuôi con chung. Bởi vì đây là hai vấn đề mà Toà án phải xem xét giải quyết trong vụ án này. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay Thẩm phán thường chỉ tiến hành xác minh nguyên nhân mâu thuẫn của vợ chồng dẫn đến việc nguyên đơn nợp đơn ly hôn. Còn nguyên nhân mà các đương sự tranh chấp việc nuôi con chung thì ít khi Thẩm phán thực hiện. Bởi vì nếu các đương sự có tranh chấp việc nuôi con chung thì việc giải quyết ai là người trực tiếp nuôi con sẽ phải dựa vào nhiều điều kiện nuôi conh của hai bên đương sự và nguyện vọng của con.

Tuy nhiên vấn đề tác giả muốn đề cập ở đây là nếu như Thẩm phán chỉ tiến hành xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp ly hôn (tức nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn của vợ chồng) mà không thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp về nuôi con như đã nêu thì có coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không. Vì đây là một trong những căn cứ Toà án cấp trên huỷ bản án của Toà án cấp sơ thẩm. Vấn đề này hiện nay vẫn còn ý kiến khác nhau và chưa thống nhất được. Vì vậy, rất cần TAND Tối cao hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể hơn.

2. Đề xuất, kiến nghị

Từ những vướng mắc liên quan đến việc xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong vụ án ly hôn đã nêu, để việc nhận thức và áp dụng trong thực tiễn được thống nhất, tác giả kiến nghị và đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần hướng dẫn rõ hơn đối với vụ án hôn nhân mà bị đơn có văn bản thống nhất toàn bộ ý kiến của nguyên đơn trước khi Toà án ra thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hoà giải thì Toà án có bắt buộc phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án không. Theo đề xuất của tác giả trong trưởng hợp này là không bắt buộc.

Thứ hai, vụ án hôn nhân và gia đình liên quan đến người chưa thành niên mà Toà án chỉ tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp ly hôn (tức nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn của vợ chồng) mà không thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp về nuôi con thì có coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng không. Theo đề xuất của tác giả trong trường hợp này không coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Kết luận: Với quy định Toà án phải tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình tại các Toà án hiện nay. Thể hiện rõ qua việc số lượng các vụ án hôn nhân mà kết quả hoà giải thành ngày càng nhiều,số án hôn nhân mà đương sự kháng cáo ngày càng ít đi. Tuy nhiên trong quá thực hiện nhiệm vụ giải quyết, xét xử các vụ án ly hôn hiện nay các Toà án địa phương vẫn còn nhận thức khác nhau về vấn đề xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp trong vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên. Cho nên rất cần TAND Tối cao sớm có hướng dẫn hoặc giải đáp để các Toà án địa phương áp dụng pháp luật cho thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH

Học viên Trường Đại học Trà Vinh

Về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng