Vượt đèn đỏ khi “đuổi bắt cướp” có bị xử phạt vi phạm hành chính?

05/11/2017 23:48 | 6 năm trước

LSVNO - Vừa qua, em trai tôi bị cảnh sát giao thông phạt tiền vì hành vi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên vì lý do đuổi bắt cướp mà em tôi mới vượt đèn đỏ. Vậy xin hỏi luật sư, trong trường hợp này em tôi bị...

LSVNO - Vừa qua, em trai tôi bị cảnh sát giao thông phạt tiền vì hành vi vượt đèn đỏ. Tuy nhiên vì lý do đuổi bắt cướp mà em tôi mới vượt đèn đỏ. Vậy xin hỏi luật sư, trong trường hợp này em tôi bị xử phạt vi phạm hành chính như vậy là đúng hay sai? (Nguyễn Hùng Mạnh-HN).

Ảnh minh họa.

Luật sư tư vấn:

Theo Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định như sau:

 “Đèn tín hiệu giao thông có ba màu, ý nghĩa từng màu như sau:

a) Tín hiệu xanh là được đi;

b) Tín hiệu đỏ là cấm đi;

c) Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu. Khi đèn vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp;

d) Tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng cần chú ý.”

Như vậy, người tham gia giao thông cần tuân thủ các quy định về đèn tín hiệu nêu trên, hành vi vượt đèn đỏ là vi phạm pháp luật về không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP mức phạt như sau:

“4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

…c) Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông;”

Tuy nhiên, trong trường hợp vi phạm tín hiệu đèn khi đang “bắt cướp” thì lưu ý những điều sau đây:

Trong trường hợp không gây hậu quả

Theo Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

“1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;

2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;

3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;

4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;…”

Và theo Điều 16 Bộ luật hình sự 1999 thì tình thế cấp thiết được quy định như sau:

“ Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà Nước, của tập thể, lợi ích chính đáng của chính mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm”

Như vậy trong trường hợp vượt đèn đỏ do “bắt cướp” có thể được xem là hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết thì sẽ được xem xét miễn xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng nếu trong trường hợp hậu quả đáng tiếc xảy ra do hành vi vượt đèn đỏ như đâm chết người, làm người khác bị thương… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 16 Bộ luật Hình sự 1999: “2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Luật sư Phạm Thị Thu

(Công ty Luật Số 1, Hà Nội)