/ Góc nhìn
/ Vứt con mới đẻ là tội ác

Vứt con mới đẻ là tội ác

17/04/2022 17:40 |

(LSVN) - Hành vi bỏ con mới đẻ không chỉ vi phạm đạo đức, lối sống mà còn vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra, là sau những trường hợp vứt con mới đẻ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm và xử lý vi phạm, mà đó còn là vấn nạn xuất phát một phần từ các tệ nạn đang xảy ra trong xã hội và sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên và sự rạn nứt về các mối quan hệ gia đình trong xã hội.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, ngày 13/4, tại trụ sở Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, V.T.Th. (19 tuổi, quê huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) khai nhận, cuối tháng 1, chị mang thai và tự đẻ bé trai tại phòng vệ sinh của một công ty khu công nghiệp Đình Trám. Sau đó, Th. để con trai sang phòng khác rồi bỏ đi. Các công nhân công ty khi phát hiện vụ việc thì bé trai đã tử vong. Th. cho biết chưa lập gia đình, cũng không biết bố của đứa bé là ai. Vì vậy, khi con trai ra đời, Th. lo sợ bị gièm pha, đánh giá từ gia đình và xã hội nên vứt bỏ đứa con.

Đây là một trong số rất nhiều vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa, người thương, kẻ trách cho người mẹ đã vô tâm bỏ đi đứa con do mình đứt ruột đẻ ra. Không người mẹ nào muốn vứt đi đứa con ruột do mình mang nặng đẻ đau, họ vứt con là do hoàn cảnh đưa đẩy, không có lối thoát.

Có thể, người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, bị chính gia đình ruồng bỏ, họ hàng, bạn bè xa lánh… nên quẫn trí phải vứt đi đứa con của mình. Hoặc, có thể người mẹ bị bệnh nan y hay do hoàn cảnh nghèo túng không đủ khả năng chăm sóc đứa con của mình. Ngoài ra, có thể người phụ nữ là nạn nhân của sự bạo hành của người chồng và gia đình chồng hoặc những đứa trẻ vô tội bị vứt đi có thể nạn nhân của định kiến giới… Và vô vàng những lý do khác nhau dẫn đến cái kết đau lòng của những đứa trẻ sơ sinh không được chào đón, yêu thương từ người mẹ như bao đứa trẻ khác.

Những bà mẹ vứt con đều có những hoàn cảnh khác nhau, vừa đáng thương, vừa đáng trách. Đáng thương, khi người mẹ đó xuất phát từ những lý do trên không thể chăm sóc nên đã vứt con, nhưng vứt con ở những địa chỉ có thể nương tựa như trước cửa chùa, trại trẻ mồ côi, trước cổng bệnh viện hoặc trước ngõ một gia đình tốt bụng nào đó để họ có thể giúp đỡ, cưu mang đứa con của mình và hy vọng đứa con của mình có được chỗ dựa tốt.

Thực tế, rất nhiều gia đình có được những đứa con nuôi nhờ “nhặt” được. Còn đáng trách, có thể kể đến những bà mẹ vì hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hoặc một phút suy nghĩ nông cạn đã cố tình vứt con vào sọt rác, vào bụi rậm, vào cống thoát nước,… và khi bị vứt ở những địa điểm như vậy hầu hết các bé đều bị tử vong, không thể sống sót do nhiễm trùng, đa chấn thương… Tuy nhiên, đáng trách nhất là lối sống buông thả, ích kỷ, không biết giữ mình và xuống cấp về mặt đạo đức của một bộ phận cô gái trẻ hiện nay. Hậu quả của lối sống buông thả đó là mình mang thai nhưng khổ nỗi lại không biết cha đứa trẻ là ai thì còn gì để nói. Để tránh sự truy hỏi của người thân nên cô gái đã vứt bỏ đứa con mới sinh như vụ việc nêu trên cần phải bị lên án và xử lý thật nghiêm theo quy định.

Những bà mẹ vứt con dù đáng thương hay là đáng trách thì đó cũng là tội ác với chính những đứa trẻ. Đây là hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức, thể hiện lối sống thiếu suy nghĩ, thiếu lành mạnh của một bộ giới trẻ hiện nay. Nếu như trong mỗi gia đình đều biết thương yêu, sẵn sàng chia sẽ trách nhiệm... thì sẽ không xảy ra những đứa trẻ vô tội bị vứt bỏ khi vừa mới chào đời.

Hành vi bỏ con mới đẻ không chỉ vi phạm đạo đức, lối sống mà còn vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra, là sau những trường hợp vứt con mới đẻ không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm và xử lý vi phạm, mà đó còn là vấn nạn xuất phát một phần từ các tệ nạn đang xảy ra trong xã hội và sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên và sự rạn nứt về các mối quan hệ gia đình trong xã hội.

Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, đẩy mạnh giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên và sức khỏe sinh sản cho nữ giới. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con cái.

Tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất cho các trung tâm bảo trợ xã hội, xã hội hóa các cơ sở chăm sóc, cưu mang trẻ em lang thang, cơ nhỡ, sẵn sàng tiếp nhận và giúp đỡ những đứa bé sơ sinh do những người mẹ nhẫn tâm vứt đi.

Ngoài ra, cần phải có chính sách để bảo vệ, giúp đỡ người phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có điều kiện tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đứa con của mình, không để họ rơi vào hoàn cảnh phải vứt đi đứa con ruột của chính mình như những vụ việc đau lòng đã xảy ra như trên.

ĐỖ VĂN NHÂN

Giữ gìn hình ảnh nghề nghiệp

Lê Minh Hoàng