/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa

Xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa

02/06/2023 06:12 |

(LSVN) - Điều 296, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) có quy định về sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa khi Hội đồng xét xử xét thấy cần thiết để giải quyết vụ án. Tuy nhiên, về tư cách tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa lại đang có những ý kiến, quan điểm khác nhau.

Ảnh minh họa.

Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam là tố tụng thẩm vấn và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, theo đó trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và cơ quan Toà án). Bản án, quyết định của Tòa án phải dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và tranh tụng tại phiên tòa.

Do đó, các tài liệu, chứng cứ được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Điều tra viên, cán bộ điều tra, Kiểm sát viên) thu thập trong giai đoạn điều tra có trong hồ sơ vụ án là chứng cứ rất quan trọng, được coi là có giá trị chứng minh để Hội đồng xét xử đưa ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Chính vì vậy, Điều 296, BLTTHS năm 2015 quy định khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án là hết sức cần thiết, quy định này đã giải quyết được những vướng mắc, khó khăn trong việc xem xét, đánh giá chứng cứ ở giai đoạn xét xử.

Việc xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên khi có giấy triệu tập tham gia phiên tòa có hai quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Điều tra viên tham gia phiên tòa với tư cách là người tiến hành tố tụng bởi theo điểm a, khoản 2, Điều 34, BLTTHS đã quy định  những người tiến hành tố tụng bao gồm cả Điều tra viên. Nhưng Điều tra viên là người tiến hành tố tụng, tương ứng với những quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 37, BLTTHS, các quyền và nghĩa vụ trong Điều luật này đều nói về công tác điều tra án hình sự, giải quyết các tin tố giác tội phạm. Điều này có nghĩa là Điều tra viên chỉ giữ vai trò người tiến hành tố tụng trong giai đoạn điều tra vụ án. Khi vụ án hình sự chuyển sang giai đoạn truy tố, xét xử thì Điều tra viên không còn là người tiến hành tố tụng đối với vụ án đó nữa. Như vậy, xác định Điều tra viên là người tiến hành tố tụng khi tham gia phiên tòa là không hợp lý.

Theo quan điểm thứ hai tại phiên tòa, người tiến hành tố tụng chỉ bao gồm: Các thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký và Kiểm sát viên- Đại diện Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Điều tra viên tham gia phiên tòa được xác định tư cách là người tham gia tố tụng.

Căn cứ theo Điều 55, BLTTHS quy định người tham gia tố tụng gồm có: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của bộ Luật này. Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa có trách nhiệm trình bày để giải thích, làm rõ tính có căn cứ của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra theo yêu cầu của Hội đồng xét xử. Như vậy, có thể xác định Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, Điều tra viên là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến Điều tra viên cũng có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 65, Điều 66, BLTTHS là chưa hợp lý. Đối với nhưng phiên tòa xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên là người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì Điều tra viên không có đầy đủ các quyền theo Điều 65, BLTTHS ví dụ: Quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án; quyền yêu cầu giám định, định giá hay quyền khiếu nại hành vi tố tụng của người có thẩm quyền. Căn cứ theo Điều 317, BLTTHS, tại phiên tòa Điều tra viên chỉ có trách nhiệm trình bày để giải thích, làm rõ tính có căn cứ của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng mà mình đã thực hiện trong quá trình điều tra theo yêu cầu của Hội đồng xét xử. BLTTHS cũng không có quy định về việc hỏi Điều tra viên như đối với người làm chứng.

Ngoài ra, Điều tra viên cũng không tham gia tranh luận tại phiên tòa. Có thể khẳng định nếu xác định Điều tra viên được triệu tập đến phiên tòa là người tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng không phản ánh đúng, gây hiểu nhầm về vị trí, vai trò của Điều tra viên.

Xuất phát từ những khó khăn trong xác định tư cách tố tụng của Điều tra viên tham gia phiên tòa, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp, hướng tới việc xét xử khách quan, công bằng, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và trật tự pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền cần soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về việc tham dự phiên tòa của Điều tra viên. Đặc biệt, phải quy định rõ về địa vị pháp lý và quyền, nghĩa vụ của Điều tra viên được triệu tập tại phiên tòa.

VŨ HOÀNG

Tòa án Quân sự Quân khu 3

Bàn về quy định hòa giải tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Nguyễn Hoàng Lâm