Ảnh minh họa.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm, coi trọng thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các hoạt động của Chính phủ, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ công cuộc đổi mới của đất nước, phục vụ người dân và doanh nhiệp ngày càng tốt hơn. Ngày 17/10/2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 58-CT/TW về đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu rõ: “Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực, song có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp...”, đồng thời xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2020 “triển khai có hiệu quả chương trình cải cách hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao và trong nhiều lĩnh vực”. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện chủ trương, định hướng nêu trên của Đảng, Chính phủ đã chủ động tổ chức triển khai, ban hành nghị quyết, kế hoạch và chương trình hành động. Ngày 15/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị; ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Ngày 27/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1605/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015; ngày 26/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, nhằm hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”. Ngày 07/3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2015, định hướng đến năm 2030.
Thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách và định hướng của Đảng và Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị; các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT. Chính phủ điện tử ở nước ta đã từng bước được xây dựng và triển khai mạnh mẽ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy đổi mới lề lối, phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức và cán bộ, công chức nhà nước, chuyển đổi từ thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, tương tác trực tiếp sang làm việc, giao tiếp qua môi trường điện tử, giảm thiểu tối đa sử dụng văn bản giấy; người dân giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường điện tử dẫn tới giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cán bộ, công chức, dẫn tới giảm thiểu nguy cơ, cơ hội nhũng nhiễu, tiêu tực. Nền hành chính hoạt động theo phương thức truyền thống dần chuyển sang nền hành chính hiện đại, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, thú đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Các kết quả nổi bật: (1) Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hiệp quốc duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014-2020 từ vị trí 99 lên vị trí 86. Năm 2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Chỉ số hạ tầng viễn thông xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018. Tuy nhiên, chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018, xếp thứ 59 [1]. (2) Công tác chỉ đạo, điều hành về phát triển Chính phủ điện tử được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều lãnh đạo cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. (3) Môi trường pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử từng bước được hoàn thiện. Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, Nghị định về công tác văn thư. Đồng thời, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành chuyên môn tiếp tục tham mưu, đề xuất để hoàn thiện môi trường pháp lý cho xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. (4) Nhiều ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước phát huy hiệu quả, khoảng 87% văn bản giữa các cơ quan nhà nước được trao đổi qua mạng; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cung cấp cho người dân và doanh nghiệp ngày càng tăng, tại một số lĩnh vực có hiệu quả cao như thuế (99,8% doanh nghiệp khai thuế điện tử), hải quan (99,7% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử). (5) Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương, từng bước tích hợp dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; một số hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia được hình thành, tạo nền tảng cho Chính phủ điện tử như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn 8 tháng vận hành đã kết nối với 18 bộ, cơ quan, 63/63 địa phương và 8 ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử; chuẩn bị tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000; có gần 56,4 triệu lượt truy cập; hơn 220.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái; trên 260.000 hồ sơ được thực hiện. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công ước tính hơn 13.000 tỷ đồng/năm, trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp trên 6.700 tỷ đồng/năm [2]. (6) Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được hình thành, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, ngoài kết quả đạt được, việc xây dựng, phát triển chính phủ điện tử ở nước ta thời gian qua còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định. Cụ thể: (1) Việc cát cứ dữ liệu, mô hình, giải pháp triển khai chưa đồng bộ, mức độ quan tâm chỉ đạo triển khai còn khác nhau giữa các bộ, ngành, địa phương; người dân sử dụng dịch vụ còn hạn chế, hoạt động của các cơ quan nhà nước vẫn chủ yếu dựa trên giấy tờ, việc số hóa để ra quyết định dựa trên dữ liệu còn rất hạn chế. (2) Một số luật, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang, môi trường pháp lý cho xây dựng, phát triển và triển khai chính phủ điện tử chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời như bảo vệ quyền riêng tư của con người, bảo vệ an ninh cá nhân, điều chỉnh lĩnh vực ứng dụng các công nghệ hiện đại (như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, giao diện lập trình ứng dụng mở... (3) Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 còn thấp; các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống nền tảng chính phủ điện tử chậm được triển khai; thiếu chiến lược tổng thể về phát triển chính phủ điện tử; thiếu bộ chỉ số, công cụ giám sát, đánh giá triển khai chính phủ điện tử. (4) Kinh phí đầu tư cho xây dựng, phát triển chính phủ điện tử chưa đáp ứng được nhu cầu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khả năng sử dụng CNTT trong giải quyết công việc còn hạn chế, thói quen sử dụng văn bản giấy tờ, thói quen cát cứ dữ liệu, không chia sẻ thông tin... chưa được khắc phục. (5) An toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều sơ hở.
Thành tựu khoa học và công nghệ trên thế giới ngày càng phát triển, các xu hướng, mô hình phát triển mới dần được ra đời như chuyển đổi số (digital transformation), chính phủ số (digital-government), chính phủ thông minh (smart - government) dựa trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), internet kết nội vạn vật (internet of thing - IoT), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI),... dẫn tới chính phủ các nước không ngừng đổi mới hoạt động nhằm ngày càng phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Để chủ động tham gia, thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới trước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định mục tiêu “phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân. Đến năm 2015, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN, Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 70%/năm; thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc”. Nghị quyết cũng xác định nội dung cốt lõi về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Nhằm phát huy các thành tựu đạt được trong thời gian qua, đẩy mạnh quá trình phát triển chính phủ điện tử ở nước ta sang một trạng thái phát triển mới, phù hợp với xu thế phát triển các công nghệ chung của thế giới và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chính phủ thông minh của các quốc gia, hướng tới một chính phủ minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt nhất dựa trên nền tảng công nghệ số, nâng cao chỉ số phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2015, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm quốc gia như sau:
Một là, hoàn thiện môi trường pháp lý tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Cụ thể: Đề xuất sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Luật Lưu trữ và các văn bản hướng dẫn thi hành; nghiên cứu, xây dựng Luật Chính phủ số; ban hành nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến và Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; ban hành nghị định của Chính phủ về định danh và xác thực điện tử; ban hành Quy chế quản lý, vận hành khai thác Hệ thống tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về Chính phủ số theo kịp sự phát triển của công nghệ, bảo đảm sự phát triển đồng bộ; duy trì, cập nhật Khung Kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với yêu cầu chính phủ số; bảo đảm môi trường pháp lý để mọi người dân, doanh nghiệp tham gia bình đẳng vào quá trình chuyển đổi số, được bảo vệ an toàn thông tin và dữ liệu riêng tư, được sử dụng mã số điện tử gắn với QR code thuận lợi; bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thủ nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi.
Hai là, tiếp tục phát triển hạ tầng số. Phát triển và vận hành hạ tầng mạng chuyên dùng ổn định, an toàn, thông suốt, kết nối 04 cấp hành chính từ trung ương đến cấp xã, triển khai các hệ thống kỹ thuật bảo đảm năng lực, an toàn thông tin cho Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Xây dựng nền tảng điện toán đám mây chính phủ (CGC) thống nhất trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành địa phương (AGC); kết nối, khai thác hiệu quả các hệ thống đám mây của doanh nghiệp (EGC) để cung cấp hạ tầng điện toán đám mây cho chính phủ số.
Ba là, phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia, trong đó phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương (LGSP); phát triển Nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử quốc gia (NIXA); xây dựng Nền tảng phát triển kỹ năng số quốc gia; phát triển Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động; xây dựng Hệ thống kiểm định chức năng, hiệu quả các sản phẩm, giải pháp phục vụ chính phủ số; xây dựng Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ chính phủ số, hệ thống giám sát các nền tảng số phục vụ công tác quản lý nhà nước; xây dựng Cổng công nghệ mở (GovTech) của Việt Nam; xây dựng bản đồ số quốc gia; xây dựng nền tảng QR code cho phép liên thông thống nhất các mã định danh của người dân, tổ chức trong toàn xã hội; phát triển các nền tảng để cung cấp dịch vụ thiết yếu, căn bản trên quy mô quốc gia, các nền tảng thương mại điện tử, giao nhận - kho vận phục vụ phát triển kinh tế số.
Bốn là, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương; thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước. Xây dựng kho dữ liệu của công dân, tổ chức khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước; giúp công dân, tổ chức quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử, cung cấp chia sẻ với các cơ quan nhà nước, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy và cung cấp lặp lại thông tin cho các cơ quan nhà nước. Xây dựng Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính phủ số, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu dung chung cấp bộ, ngành và địa phương.
Năm là, phát triển các ứng dụng, dịch vụ số như Hệ thống tích hợp Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử với các hệ thống xử lý nghiệp vụ chuyên ngành; ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện; phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân theo các sự kiện trong cuộc đời; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trí tuệ nhân tạo trong cung cấp dịch như trợ lý ảo, trả lời tự động. Triển khai các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước; phát triển Hệ thống thông tin báo cáo, tự động hóa công tác báo cáo, thống kê phục vụ chỉ đạo, điều hành. Phát triển các dịch vụ đô thị thông minh phù hợp điều kiện, đặc thù, nhu cầu thực tế, trong đó ưu tiên các vấn đề bức thiết như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển du lịch,...; gắn kết các dịch vụ đô thị thông minh với các dịch vụ chính quyền số; triển khai đô thị thông minh tuân thủ Khung tham chiếu ICT, Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh. Ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), di động (mobility), internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), mạng xã hội (social network) trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ chính phủ số.
Sáu là, tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình bốn lớp theo chiều sâu với kiện toàn lực lượng tại chỗ, thuê lực lượng giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; định kỳ kiểm tra, đánh giá; kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Tham gia vào các chiến dịch bảo đảm an toàn thông tin mạng, tham gia vào Mạng lưới ứng cứu an toàn thông mạng quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động và điều phối.
========= [1] Department of Economic and Social Affairs (United Nations), E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development, with addendum on Covid-19 Response. [2] http://vpcp.chinhphu.vn/Home/He-thong-Thong-tin-bao-cao-quoc-gia-Diem-nhan-trong-phat-trien-Chinh-phu-dien-tu/20208/28421.vgp, truy cập ngày 08/7/2021. |
Tài liệu tham khảo 1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 2. Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo cáo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. 3. Chính phủ, Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 4. Chính phủ, Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025. 5. Chính phủ, Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử. 6. Department of Economic and Social Affairs (United Nations), E-Government Survey 2020: Digital Government in the Decade of Action for Sustainable Development, with addendum on Covid-19 Response. 7. http://vpcp.chinhphu.vn. 8. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2015, định hướng đến năm 2030. |
Thạc sĩ NGỌ DUY THI
Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân