/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Xét rút ngắn thời gian thử thách với người được hưởng án treo: Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện

Xét rút ngắn thời gian thử thách với người được hưởng án treo: Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện

11/04/2025 06:38 |25 ngày trước

(LSVN) - Việc quy định chế định án treo đã thể hiện rõ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội, tạo điều kiện để người phạm tội sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục phấn đấu để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. Người được hưởng án treo sẽ được rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện quy định. Việc quy định chế định án treo đã thể hiện rõ chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội, tạo điều kiện để người phạm tội sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục phấn đấu để trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng đối với công tác xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến chế định này. 

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa. 

Một số vấn đề lý luận

Về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo

Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP (sửa đổi, bổ sung năm 2022) đã quy định về điều kiện và mức rút ngắn thời gian thử thách của án treo. Theo đó, người được hưởng án treo có thể được Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi có đủ các điều kiện sau:

- Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách của án treo;

- Có nhiều tiến bộ được thể hiện bằng việc trong thời gian thử thách người được hưởng án treo đã chấp hành nghiêm pháp luật, các nghĩa vụ theo Luật Thi hành án hình sự 2019; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

- Được Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản.

Mỗi năm người được hưởng án treo chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm. Người được hưởng án treo có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế chấp hành thời gian thử thách là ba phần tư thời gian thử thách Tòa án đã tuyên. Trường hợp người được hưởng án treo đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, nhưng không được Tòa án chấp nhận, nếu những lần tiếp theo mà họ có đủ điều kiện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách cho họ.

Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại. Theo đó, Nghị quyết hướng dẫn cụ thể về các trường hợp “lập công” hoặc “mắc bệnh hiểm nghèo” như sau:

- Lập công là trường hợp người được hưởng án treo có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng của nhà nước, tập thể, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có sáng kiến được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận hoặc có thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, chiến đấu, công tác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng, xác nhận.

- Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp mà bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện quân đội cấp quân khu trở lên có kết luận là người được hưởng án treo đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị, như: Ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ trướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khả năng tự chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao.

Về hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách với người được hưởng án treo

Khoản 3 Điều 90 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách với người được hưởng án treo bao gồm:

- Đơn đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo;

- Bản sao bản án. Đối với trường hợp xét rút ngắn thời gian thử thách từ lần thứ hai thì bản sao bản án được thay bằng bản sao quyết định thi hành án treo;

- Văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo;

Trường hợp người được hưởng án treo được khen thưởng hoặc lập công thì hồ sơ phải có quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc người được hưởng án treo lập công; trường hợp bị bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh của họ. Trường hợp người được hưởng án treo đã được rút ngắn thời gian thử thách thì phải có bản sao quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Về thủ tục rút ngắn thời gian thử thách với người được hưởng án treo

Các khoản 1, 2, 4, 5 Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định cụ thể thủ tục rút ngắn thời gian thử thách với người được hưởng án treo. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo có trách nhiệm rà soát người đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Thi hành án hình sự 2019, báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo tài liệu có liên quan để đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có văn bản thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập hồ sơ và có văn bản đề nghị rút ngắn thời gian thử thách đối với người có đủ điều kiện gửi đến Tòa án và Viện kiểm sát quân sự khu vực. Trường hợp xét thấy không đủ điều kiện lập hồ sơ rút ngắn thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có văn bản thông báo cho đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.

Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định về việc chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận rút ngắn thời gian thử thách của án treo, Tòa án phải gửi quyết định đó cho người chấp hành án, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Tòa án đã ra quyết định cho hưởng án treo, Sở Tư pháp nơi Tòa án ra quyết định cho hưởng án treo có trụ sở.

Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Có thể thấy rằng, việc quy định trình tự, thủ tục xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo được quy định cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại một số quy định vướng mắc, bất cập.

Thứ nhất, khoản 4 Điều 90 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định “trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị rút ngắn thời gian thử thách, Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực nơi người được hưởng án treo cư trú hoặc làm việc thành lập Hội đồng và tổ chức phiên họp để xét, quyết định rút ngắn thời gian thử thách. Thành phần Hội đồng gồm 03 Thẩm phán; phiên họp có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung”.

Theo quy định trên thì khi thuộc trường hợp hồ sơ phải bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung. Nghiên cứu quy định này, tác giả nhận thấy rằng việc quy định thời hạn tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung là chưa hợp lý mà nên quy định một thời hạn cụ thể nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, bên cạnh đó góp phần thực hiện việc xét giảm bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả, tránh kéo dài, gây mất nhiều thời gian không cần thiết.

Hơn nữa, có nhiều trường hợp thời gian thử thách của người được hưởng án treo còn ít mà việc quy định mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung là không phù hợp, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của người được hưởng án treo, bởi lẽ nếu cơ quan, tổ chức bổ sung sung hồ sơ kéo dài, lúc này thời giản thử thách của người được hưởng án treo đã hết thì việc xét giảm không có tác dụng.

Thứ hai, hiện nay không còn tổ chức Công an cấp huyện nên trong thời gian tới khi sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2019 cần điều chỉnh các thuật ngữ cho phù hợp, bảo đảm áp dụng thống nhất.

Thứ ba, biểu mẫu số 03 “quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo” ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 03/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tại mục nơi nhận quy định “ghi theo những nơi cần gửi theo quy định tại khoản 5 Điều 65 Luật Thi hành án hình sự” là chưa chính xác mà phải là “ghi theo những nơi cần gửi theo quy định tại khoản 5 Điều 90 Luật Thi hành án hình sự”, bởi vì khoản 5 Điều 65 quy định về xét rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Và tại mục 2 biểu mẫu số 3 nêu trên về xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo quy định “Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định trong trường hợp Viện kiểm sát không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”. Thực tiễn áp dụng trong một số trường hợp sẽ không phù hợp.

Ví dụ: Trong trường hợp thời gian thử thách của người được hưởng án treo còn đúng 15 ngày thì sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của họ. Nghiên cứu quy định tương tự như giảm thời hạn chấp hành án phạt tù tại mục 3 biểu mẫu số 05-THAHS (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) quy định “Quyết định này có thể bị khiếu nại, kháng nghị và có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm” đồng thời hướng dẫn thêm “Trường hợp thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù bằng thời hạn tù còn lại phải chấp hành thì ghi thêm cụm từ “quyết định này được thi hành ngay” vào đầu mục 3”.

Như vậy, xuất phát từ thực tiễn áp dụng như đã phân tích, đối với trường hợp rút ngắn thời gian thử thách của án treo cũng nên quy định đầy đủ hơn trong trường hợp thời gian thử thách của người được hưởng án treo còn ít thì quy định thêm cụm từ “quyết định này được thi hành ngay” vào đầu mục 2 của biễu mẫu.

PHÙNG HOÀNG

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 1