Ảnh minh họa.
Trước diễn biến đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp trên thế giới và ở nước ta trong thời gian qua. Công tác xét xử của ngành Tòa án đã bị tác động ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều vụ án phải tạm dừng hoãn vì giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh và xét xử.
Ngày 11/05/2021 Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành công văn số 125/TANDTC-VP về việc tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo đó để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, từ ngày 12/5/2021 đến ngày 31/5/2021, ngành Tòa án tạm dừng xét xử các vụ án tại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trừ trường hợp cấp bách. Đối với các địa phương áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 thì tổ chức phân loại các vụ án, vụ việc, chỉ đưa ra xét xử, giải quyết các vụ án, vụ việc đã hết hoặc sắp hết thời hạn giải quyết. Tiếp theo là các Công văn số 247/TANDTC-VP về thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP. Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội.
Dẫn chứng trên để chúng ta thấy rằng đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và cả hành vi, thói quen sinh hoạt, làm việc của con người trong đó công tác xét xử của ngành Tòa án nhân dân. Thời gian qua, các hoạt động như học tập, khám chữa bệnh đến hội nghị của các cơ quan tổ chức đã dần chuyển từ hình thức truyền thống là trực tiếp sang hình thức mới là trực tuyến trên nền tảng công nghệ số và không gian mạng.
Trước yêu cầu đặt ra trong công tác phòng chống dịch bệnh và công tác xét xử của ngành Tòa án trong thời gian tới, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa 15 kỳ họp thứ 2 đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, từ ngày 01/01/2022 Tòa án sẽ xét xử trực tuyến đối với những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng có thể xét xử trực tuyến. Theo Nghị quyết thì Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp quy định sau:
(i) Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước;
(ii) Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự;
(iii) Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.
Phiên Tòa trực tuyến được làm rõ khái niệm, nội hàm là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
Có thể nói việc xét xử trực tuyến là yêu cầu tất yếu khách quan trước bối cảnh dịch bệnh và sự phát triển của nền tảng công nghệ số 4.0. Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng mô hình xét xử trực tuyến đem lại hiệu quả cao và ít tốn kém. Đây là bước đi cụ thể để xây dựng ngành “Toà án điện tử” phù hợp Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc chuyển từ mô hình xét xử trực tiếp sang kết hợp mô hình xét xử trực tuyến góp phần giải quyết các bất cấp hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của ngành Tòa án trong thời gian tới.
HƯNG NGUYÊN – HOÀNG ĐÀM
Đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, động viên công nghiệp