/ Góc nhìn
/ Xin lỗi phải xuất phát từ sự chân thành

Xin lỗi phải xuất phát từ sự chân thành

25/08/2022 07:25 |

(LSVN) - VKSND huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vừa tổ chức xin lỗi công khai một công dân trên địa bàn vì đã gây oan sai cho anh ta trong cáo buộc phạm tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản". Tuy nhiên, người được xin lỗi đã không chấp nhận lời xin lỗi vì cho rằng “không nhận thấy sự chân thành và cầu thị” từ người đại diện cho cơ quan tố tụng.

Ảnh minh họa.

Để có được ngày hôm nay, được minh oan và xin lỗi, anh đã phải trải qua hơn 2 năm gian nan, vất vả tìm công lý chứng minh mình vô tội; đã có những tranh tụng gay gắt và không khoan nhượng tại phiên xét xử khi đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa giữ nguyên quan điểm buộc tội dù người tố giác đã rút yêu cầu khởi tố vụ án. Tòa trả lại hồ sơ vì cho rằng có vi phạm tố tụng trong hỏi cung, lấy lời khai và cuối cùng, Viện Kiểm sát ra Quyết định đình chỉ vụ án vì không đủ căn cứ buộc tội.

Đau xót nhất cho người bị oan là đúng lúc anh được giải oan thì vợ anh vào chùa xuống tóc để “trả lễ” thần phật. Ai quan tâm đến vụ án này chỉ cần gõ Google từ khóa “vụ án OK em” thì sẽ thấy toàn cảnh diễn biến bi hài trong suốt hơn 2 năm qua.

Việc xin lỗi nhưng người hàm oan mà cơ quan tố tụng gây ra được quy định bởi pháp luật, chúng ta hướng tới nền tư pháp văn minh bằng những bước đi nhỏ này. Tuy nhiên, trên thực tế những buổi xin lỗi diễn ra không theo những ý định tốt đẹp ban đầu, có cả những lộn xộn và thiếu nghiêm túc.

Điều đó có nguyên do là người ta coi sự xin lỗi chỉ là một hình thức bắt buộc phải làm cho có, cực chẳng đã thì mới phải tổ chức một buổi xin lỗi công khai. Nhưng, quan trọng nhất là thái độ của người đứng ra xin lỗi lại không hề hối lỗi mà dường như cái việc gây oan sai và bất bình dư luận là do người khác làm chứ không phải mình. Sự thiếu cầu thị, không chân thành (dù nói là “chân thành xin lỗi” và hứa hẹn này nọ) đã làm mất đi ý nghĩa tinh thần của việc xin lỗi, ý thức trách nhiệm của người đứng ra xin lỗi và cả những giá trị nhân văn nữa!

Chúng ta từng biết có những vị lãnh đạo đất nước cúi đầu xin lỗi trước nhân dân và họ cúi càng thấp thì nhân phẩm và danh dự của họ trong con mắt nhân dân càng cao. Không ai bắt buộc họ phải xin lỗi cả, họ xin lỗi bởi ý thức được trách nhiệm của mình và điều đó xuất phát từ sự chân thành, từ trái tim đập vì đất nước, từ sự thương tôn pháp luật và cả sự tự trọng rất lớn trong con người họ! 

NHỊ NGỌC

Bổ nhiệm cán bộ và truyền thống gia đình

Lê Minh Hoàng