Ảnh minh họa.
Hiện nay, để được xóa án tích, người có yêu cầu cần liên hệ với Sở Tư pháp để làm các thủ tục, trừ những người phạm tội liên quan đến an ninh quốc gia. Thời gian qua, công tác cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người dân đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, tạo nhiều thuận lợi cho người dân khi tham gia vào các quan hệ lao động, xuất cảnh… Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì vẫn còn khó khăn, bất cập, gây khó dễ cho người có nhu cầu muốn xóa án tích.
Thực tế có tình trạng, Sở Tư pháp đã tiến hành tra cứu xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kết quả xác minh có thông tin người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp bị kết án bởi một bản án. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin, Sở Tư pháp tiếp tục tiến hành xác minh việc chấp hành án tại các cơ quan có liên quan thì đều nhận được kết quả là không còn lưu trữ hồ sơ, hồ sơ bị thất lạc, hư hỏng… nên không cung cấp được tình trạng thi hành án, đồng thời người yêu cầu cấp phiếu cũng không cung cấp được thông tin nào khác để làm căn cứ xác định tình trạng thi hành án của họ.
Để giải quyết tình trạng trên, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã có văn bản số 558/TTLLTPQG-HCTH ngày 26/12/2018 hướng dẫn, trong đó nêu rõ, sau khi tiến hành việc xác minh, nếu nhận được văn bản trả lời là không có thông tin, không lưu trữ hồ sơ… nhưng các điều kiện đương nhiên xóa án tích khác (nộp án phí, bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung khác…) được bảo đảm theo quy định của pháp luật thì xác định người bị kết án được đương nhiên xóa án tích. Tuy nhiên, cùng một vấn đề này, ngày 20/01/2021, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia lại có văn bản hướng dẫn mới, với nội dung trái ngược hoàn toàn với điều trên, cụ thể: Nếu gặp trường hợp như trên thì xác định là vẫn “có án tích”.
Theo đó, việc cùng một vấn đề nhưng lại có các hướng dẫn trái ngược nhau là không hợp lý. Điều này tạo ra sự không công bằng trong việc xóa án tích, những ai được xóa án tích theo hướng dẫn của văn bản số 558/TTLLTPQG-HCTH có lợi hơn, những ai có thực hiện việc xóa án tích sau ngày 20/01/2021 thì gặp nhiều khó khăn, bất lợi, trong khi họ cùng đáp ứng được điều kiện như nhau.
Thiết nghĩ, việc lưu trữ hồ sơ là trách nhiệm của chính quyền, của các cơ quan có thẩm quyền liên quan.Trong trường hợp không lưu trữ, không có thông tin về bản án, việc chấp hành án thì đây không phải là lỗi của người bị kết án. Họ đã chấp hành tốt nội dung được tuyên trong bản án, nhưng vẫn bị xác định có án tích vì một điều không phải lỗi của mình là bất hợp lý. Trong khi đó, họ có thiện chí đi “gõ cửa” các cơ quan để xin các loại giấy tờ phục vụ cho việc xóa án tích của mình thì nhận được cái lắc đầu từ cơ quan công quyền với lý do không có cơ sở để cấp.
Để tạo điều kiện cho người dân được xóa án tích, tái hòa nhập cộng đồng, trong trường hợp các cơ quan công quyền không lưu trữ hồ sơ, không có thông tin về việc chấp hành án thì nên xác định cho họ không có án tích như hướng dẫn của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia lần đầu. Pháp luật hình sự nước ta vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục, mục đích không phải là để trừng phạt. Do đó, những gì có lợi cho dân, không phải lỗi của người dân thì nên tạo điều kiện cho họ. Điều này cũng thể hiện tính nhân văn trong việc thực thi pháp luật. Các cơ quan công quyền vì người dân, không tư túi với một trái tim trong sáng thì niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền ngày càng cao; việc chấp hành chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng được chú trọng, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
BẢO NGỌC
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tự đề xuất mức kỷ luật: Chưa hoàn toàn hợp lý