LSVNO - Người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để thực hiện bào chữa. Đây là quy định mới về quyền của người bào chữa so với BLTTHS 2003, nhưng thực tiễn người bào chữa vẫn chưa được thực hiện quyền này – Vì sao?
Ảnh minh họa.
Chẳng hạn, trong quá trình điều tra vụ án “Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Nam Khánh Hòa”, bị can bị tạm giam đã yêu cầu luật sư bào chữa. Trong quá trình điều tra, các luật sư đăng ký bào chữa đã được Cơ quan CSĐT thông báo tham dự các buổi hỏi cung, đối chất theo điểm b khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015. Sau khi kết thúc buổi hỏi cung, đối chất, người bào chữa đề nghị được gặp riêng bị can nhưng chưa được giải quyết. Khi thời hạn điều tra sắp hết, người bào chữa tiếp tục có văn bản đề nghị Cơ quan CSĐT giải quyết cho người bào chữa được gặp riêng bị can đang bị tạm giam nhưng cũng chưa được giải quyết.
Tương tư, VKSND tỉnh Bình Dương vừa có giấy báo tin, đã chuyển đơn kiến nghị của Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Công ty TNHH Hãng Luật Hưng Yên) yêu cầu trả lời lý do không giải quyết cho người bào chữa được tiếp xúc, gặp riêng bị can Nguyễn Hồng Khanh trong giai đoạn điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” đến Cơ quan CSĐT (PC03) Công an tỉnh Bình Dương kiến nghị trên để giải quyết theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 09/8/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Hồng Khanh (sinh năm 1967) về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng ngày, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hồng Khanh. Ông Nguyễn Hồng Khanh từng làm Trưởng phòng Tài chính UBND huyện Bến Cát (cũ), sau đó giữ chức Phó chủ tịch đến Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát, Bí thư thị xã Bến Cát và sau đó được điều về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương. Ngày 10/8/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương thi hành quyết định bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hồng Khanh tại phường 3, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Khi bị khởi tố, bắt giam, ông Khanh là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương. Hai ngày sau khi bị bắt,ông Khanh đã thông qua Điều tra viên nhắn tới gia đình mời luật sư bào chữa, và chỉ làm việc khi có luật sư bào chữa có mặt chứng kiến. Nhận được giấy yêu cầu luật sư bào chữa của vợ ông Nguyễn Hồng Khanh, Luật sư Nguyễn Văn Quynh đã nộp đầy đủ hồ sơ về việc đăng ký người bào chữa ông Nguyễn Hồng Khanh theo luật định.
Ngày 15/8/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có thông báo đăng ký người bào chữa cấp cho Luật sư Nguyễn Văn Quynh. Ngày 16/8/2018, tại Trại giam Bến Lớn tỉnh Bình Dương, Luật sư Quynh đăng ký gặp bị can Nguyễn Hồng Khanh. Sau khi làm thủ tục, cán bộ trại giam thông báo: “Điều tra viên không đồng ý cho luật sư tiếp xúc bị can Nguyễn Hồng Khan, Luật sư Quynh cần gặp lại điều tra viên để liên hệ vì đối với trường hợp ông Khanh có văn bản không cho luật sư gặp bị can khi không có mặt điều tra viên. Do đó, Ban giám thị Trại giam Bến Lớn không làm thủ tục cho phép gặp”. Tuy nhiên, lý do từ chối không có văn bản trả lời người bào chữa..
Luật sư Nguyễn Văn Quynh đã gửi nhiều khiếu nại, kiến nghị Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương; Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương; Ban giám thị Trại giam Bến Lớn phải trả lời rõ lý do không cho luật sư thăm gặp, tiếp xúc với bị can Nguyễn Hồng Khanh trong quá trình điều tra vụ án. Đồng thời luật sư cũng kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam bảo vệ quyền hành nghề của luật sư để có kiến nghị đến các cơ quan chức năng, yêu cầu Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật tố tụng và Luật Luật sư trong quá trình giải quyết vụ án này. Luật sư Quynh cho biết, đã 03 lần làm việc và đã khiếu nại cơ quan điều tra và Thủ trưởng cơ sở giam giữ nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời .
Hiến pháp 2013 quy định, người bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra truy tố xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Lần đầu tiên quyền bào chữa được quy định trong chương II về quyền con người của Hiến pháp 2013, BLTTHS 2015 đã cụ thể hóa nguyên tắc Hiến định nêu trên tại Điều 16 về đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định: “Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của BLTTHS và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ…” (Khoản 3 Điều 22).
Như vậy, BLTTHS 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đều khẳng định người bào chữa có quyền gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa. Đây là việc gặp riêng giữa người bào chữa và người bị buộc tội đang bị tạm giữ, tạm giam. Quy định mới này hoàn toàn khác với việc người bào chữa có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ khi cơ quan tiến hành tố tụng hỏi cung bị can.
Ngày 23/01/2018, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao ban hành thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP, quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, việc phối hợp giải quyết cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp người bào chữa được thực hiện theo quy định tại Điều 80 của BLTTHS và Điều 22, Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/3/2018.
Như vậy, BLTTHS 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Thông tư liên tịch đều có quy định đảm bảo quyền của người bào chữa được gặp hỏi người bị buộc tội bị tam giam. Thế nhưng, kể từ ngày các đạo luật có hiệu lực thi hành đến nay, người bào chữa chỉ có mặt tham gia các buổi hỏi cung theo quy định tại điểm b Điều 73 và hầu như luật sư bào chữa chưa thực hiện được quyền gặp người bị buộc tội bị tạm giam. Cạnh đó, BLTTHS 2015 và Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT không quy định về thời gian người bào chữa gặp người bị tạm giữ, tạm giam là bao lâu.
Cũng có ý kiến cho rằng, Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA- BQP có nội dung không phù hợp với quy định của BLTTHS 2015, gây khó khăn cho luật sư trong việc thực hiện quyền của người bào chữa. BLTTHS 2015 có hiệu lực đã gần 1 năm, Thông tư 70/2011/TT-BCA về đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra không còn hiệu lực, nhưng đến nay Bộ trưởng Bộ Công an vẫn chưa ban hành thông tư mới thay thế?!
Để hạn chế án oan sai trong tố tụng hình sự , đảm bảo quyền của người bào chữa được gặp bị can, bị cáo đang bị tạm giam; được tiếp cận ngay từ đầu với các chứng cứ buộc tội, gỡ tội có trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa, hy vọng liên ngành Tư pháp Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất.
Luật sư Nguyễn Hồng Hà
Người bào chữa có quyền:
a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;
b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
c) Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
m) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.
(Khoản 1 Điều 73 BLTTHS 2015)