/ Góc nhìn
/ Xử lý nghiêm hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng

Xử lý nghiêm hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng

06/06/2022 16:19 |

(LSVN) - Để ngăn chặn hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng, cần thiết phải bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm của tội 'Làm nhục người khác' như: đối tượng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội 'Làm nhục người khác' mà không cần thiết phải xem xét đến yếu tố khác có liên quan.

Camera ghi lại hình ảnh người đàn ông có hành vi sàm sỡ cô gái đang dừng xe giữa phố Yên Phụ, đường Thanh Niên tối 20/5.​

Vừa qua, mạng xã hội facebook lan truyền một video ghi lại cảnh một người đàn ông đi xe mô tô SH, không đội mũ bảo hiểm chạy trên đường Hữu Nghị đoạn qua ngã ba Bắc Lý (TP. Đồng Hới) vào tối 03/6 và có hành vi thực hiện sàm sỡ, quấy rối phụ nữ. Trước đó, tối 20/5, camera giám sát tại ngã 3 Yên Phụ, đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, quay lại cảnh hai cô gái dừng chờ ở giao lộ. Lúc này, một người đàn ông đi xe máy từ phía sau tiếp cận gần. Sau khoảng vài giây nhìn ngó, người này bất ngờ đụng chạm vào phần nhạy cảm của cô gái khiến nạn nhân sợ hãi.

Đây là 02 trong số rất nhiều vụ việc sàm sỡ, quấy rối tình dục xảy ra ở nơi công cộng được quay lại và đưa lên mạng xã hội. Lực lượng chức năng hiện nay đang truy xét đối tượng có hành vi "biến thái" để xử lý theo quy định. Tuy nhiên, thực tế còn rất nhiều hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục xảy ra ở nơi công cộng nhưng chưa được phát hiện và xử lý. Nạn nhân chủ yếu là nữ giới, nhất là các cô gái ăn mặc gợi cảm và đi lại ở những nơi vắng vẻ, ít người qua lại.

​Thông thường, nạn nhân bị sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng thường cam chịu, ít khi lên tiếng. Nguyên nhân là do nhận thức còn hạn chế, chưa thấy được tính nghiêm trọng của hành vi đối với bản thân và xã hội hoặc do hậu quả xảy ra chưa lớn, sợ xấu hổ, mặc cảm hoặc lo gặp rắc rối nên ngại trình báo lực lượng chức năng để xử lý.

​Đối tượng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nơi công cộng thường là những người thiếu văn hóa, coi thường pháp luật hoặc có vấn đề về bệnh lý, tâm lý trong cơ thể. Nếu không có biện pháp mạnh để xử lý, giáo dục và răn đe thì ngày càng nhiều hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục phụ nữ có thể xảy ra ở nơi công cộng, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chính quyền địa phương.

​Do đó, lực lượng Công an khi tiếp nhận thông tin về hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nơi công cộng thì phải lập ngay hồ sơ và tổ chức truy xét, rà soát đối tượng; phải kiên quyết tìm ra đối tượng đã thực hiện hành vi đáng xấu hổ này để xử lý nghiêm theo quy định. Không chỉ xử lý theo đúng pháp luật, mà thậm chí còn phải "bêu tên" ở nơi cư trú và trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục và ngăn ngừa hành vi vi phạm. Đồng thời, đối với một số đối tượng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục ở nơi công cộng là do bệnh lý thì phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc (nếu có).

Để ngăn ngừa hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục thì phụ nữ nên lựa chọn cho mình những bộ trang phục lịch sự, nhã nhặn, không nên quá gợi cảm, sexy hoặc "thiếu vải" khi đi ra nơi công cộng. Điều này sẽ tránh được việc gây thu hút, làm nảy sinh lòng ham muốn của người khác giới hoặc né được sự chú ý của kẻ "biến thái", đây là cách tốt nhất để tự bảo vệ mình. Và nếu không may trở thành nạn nhận của kẻ 'biến thái" thì phải trình báo ngay và cung cấp các thông tin cần thiết như: biển số xe, đặc điểm nhận dạng, địa điểm xảy ra hành vi,… để lực lượng chức năng truy xét đối tượng. Nếu bắt được đối tượng thì phải tích cực phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý; đồng thời, phải yêu cầu đối tượng phải bồi thường danh dự, nhân phẩm và thiệt hại về tinh thần, nhất là việc công khai xin lỗi đối với mình.

​Tại điểm đ, e khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: "Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng".

Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục còn chịu biện pháp khắc phục hậu quả: "Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu". Tuy nhiên hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác, thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

​Do đó, để ngăn chặn hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng, cần thiết phải bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm của tội 'Làm nhục người khác' như: đối tượng có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội 'Làm nhục người khác' mà không cần thiết phải xem xét đến yếu tố khác có liên quan.

​Có như vậy, mới có thể ngăn chặn các hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nơi công cộng đã và đang làm mất an ninh trật tự như hiện nay.

ĐỖ VĂN NHÂN

Phải kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn

Lê Minh Hoàng